3 món ăn hỗ trợ người bệnh sốt xuất huyết phục hồi tốt

SKĐS - Khi bị sốt xuất huyết, điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ là điều bắt buộc. Tuy nhiên, trong giai đoạn phục hồi, người bệnh có thể bổ sung một số món ăn bổ dưỡng, giúp cơ thể tăng cường sức khỏe.

1. Các mức độ sốt xuất huyết 

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp do virus Dengue gây ra. Muỗi vằn là trung gian truyền bệnh. Bệnh thường lan thành dịch lớn. 

Bệnh thường xảy ra quanh năm, tỉ lệ mắc bắt đầu tăng dần vào đầu mùa mưa (khoảng tháng 2-3), lên cao điểm vào khoảng tháng 6-10 và giảm dần vào các tháng cuối năm.

Bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện đa dạng, diễn biến nhanh từ thể bệnh nhẹ đến nặng với 3 mức độ:

  • Sốt xuất huyết Dengue: Người bệnh sốt cao đột ngột, liên tục từ 2-7 ngày, chấm xuất huyết dưới da, có thể chảy máu cam hoặc chảy máu chân răng, phát ban da kèm nhức đầu chán ăn, buồn nôn, đau cơ, khớp, nhức hai hố mắt.
  • Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo: Người bệnh vật vã, lừ đừ, đau bụng, nôn ói nhiều, xuất huyết niêm mạc, tiểu ít.
  • Sốt xuất huyết Dengue nặng: Người bệnh có biểu hiện sốc giảm thể tích tuần hoàn, ứ dịch ở khoang màng phổi và ổ bụng nhiều, xuất huyết nặng hoặc suy tạng.
Món ăn, bài thuốc hỗ trợ các giai đoạn bệnh sốt xuất huyết - Ảnh 2.

Biểu hiện sốt xuất huyết ở lòng bàn tay.

2. Món ăn giúp người bệnh sốt xuất huyết phục hồi tốt

Trong điều trị sốt xuất huyết, người bệnh cần tuân theo các phác đồ điều trị của tây y. Tuy nhiên ở giai đoạn phục hồi, cơ thể người bệnh sốt xuất huyết thường mệt mỏi, rệu rã cần được nâng cao sức khỏe. 

Một số món ăn, bài thuốc dưới đây có thể giúp tăng sức đề kháng, hỗ trợ người bệnh nhanh hồi phục.

2.1 Chè sắn dây củ mài

Nguyên liệu: Bột sắn dây 100g, bột củ mài 100g, đường kính 150g.

Cách làm: Cho bột sắn dây và bột củ mài vào bát cùng với ít nước nguội, khuấy tan rồi đổ vào nồi nước đường đun và khuấy liên tục cho đến khi tạo thành hỗn dịch keo như thạch thì đổ ra bát để nguội rồi ăn.

Tác dụng: Tăng cường miễn dịch, sinh tân chỉ khát, nhuận tràng, kiện tỳ vị, bổ khí, chữa mệt mỏi, đau nhức các khớp.

Món ăn, bài thuốc hỗ trợ các giai đoạn bệnh sốt xuất huyết - Ảnh 4.

Chè sắn dây củ mài tốt cho người bệnh sốt xuất huyết giai đoạn phục hồi.

2.2 Cháo sa sâm mạch môn

Nguyên liệu: Sa sâm 20g, mạch môn 10-15g, gạo tẻ 100g, đường phèn lượng vừa đủ.

Cách làm: Các vị thuốc sắc kỹ bỏ bã lấy nước nấu với gạo thành cháo, hòa đường phèn chia ăn vài lần trong ngày.

Tác dụng: Dưỡng âm, sinh tân chỉ khát.

2.3 Canh sắn dây ngó sen

Nguyên liệu: Củ sắn dây 50g, ngó sen 100g, đường thốt nốt 50g, đậu xanh không vỏ 30g, thịt nạc băm nhỏ 50g

Cách làm: Sắn dây và ngó sen cắt khúc nhỏ hoặc thái mỏng từng lát. Cho tất cả nguyên liệu vào nấu canh, có thể thay đường thốt nốt bằng bột canh nếu không thích ăn ngọt.

Tác dụng: Chữa đau đầu, mất ngủ, đau mỏi cơ thể, chống đau nhức các khớp, nâng cao thể trạng, cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể, giúp cầm máu.

Sốt xuất huyết ở trẻ em, những dấu hiệu nặng cần nhập viện gấpSốt xuất huyết ở trẻ em, những dấu hiệu nặng cần nhập viện gấp

SKĐS - Các dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết ở trẻ em vào giai đoạn nguy hiểm thường xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7, trẻ có xu hướng giảm sốt nhưng lại có các dấu hiệu nặng dưới đây.

Mời các bạn xem tiếp video:

Sốt xuất huyết tại TP. HCM: Triển khai quy trình báo động đỏ nhằm giảm bệnh nhân tử vong


BS. Phạm Đức Thắng
Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
Ý kiến của bạn