1. Tác dụng chữa bệnh của ngũ vị tử
ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết, ngũ vị tử là vị thuốc có đủ năm vị: Ngọt, chua, cay, đắng và mặn, do đó có tên là ngũ vị tử.
Trên thị trường, người ta phân biệt hai loại ngũ vị tử:
- Bắc ngũ vị tử - còn gọi là ngũ vị tử, liêu ngũ vị, sơn hoa tiêu (Hắc Long Giang - Fructus Schizandrae), là quả chín phơi hay sấy khô của cây bắc ngũ vị tử (Schizandra sinensis Baill.), thuộc họ Ngũ vị Schizandraceae.
Bắc ngũ vị tử có tinh dầu mùi chanh, với thành phần chủ yếu gồm 30% hợp chất sesquitecpen, 20% aldehyt và ceton, quả chứa 11% acid citric, 7-8,5% acid malic, 0,8% acid tactric, vitamin C và 0,12% schizandrin. Thịt quả chứa 1,5% đường, tanin, chất màu. Hạt chứa khoảng 34% chất béo gồm glyxerit của acid oleic và linoleic.
- Nam ngũ vị tử - Fructus Kadsurae là quả chín phơi hay sấy khô của cây nam ngũ vị tử hay cây nắm cơm Kadsura japonica L., cùng họ Ngũ vị Schizandraceae.
Nam ngũ vị tử (Kadsura japonica L.) có chất nhầy trong thân và quả. Trong quả còn có pectin, glucoza, tinh dầu, acid hữu cơ, protid và chất béo.
Theo ThS.BS. Nguyễn Quang Dương, ở nước ta, ngũ vị tử mới được sử dụng trong phạm vi một số thuốc đông y.
Tính chất ngũ vị tử theo Đông y: Vị chua, mặn, tính ôn, không độc, vào hai kinh phế và thận; có tác dụng liễm phế, cố thận, cố tinh, chỉ mồ hôi, dùng làm thuốc trừ đờm, tư bổ và liễm âm, ích khí, bổ ngũ tạng, thêm tinh trừ nhiệt.
Trong đông y, ngũ vị tử là một vị thuốc dùng chữa ho, ho khan, còn dùng làm thuốc cường dương, chữa liệt dương và mệt mỏi, biếng hoạt động.
2. Món ăn – bài thuốc có ngũ vị tử
ThS.BS. Nguyễn Quang Dương giới thiệu 3 món ăn bài thuốc có ngũ vị tử như sau:
- Rượu nhân sâm ngũ vị tử: Rượu 400 - 500ml, nhân sâm 10-20g, ngũ vị tử 30g, câu kỷ tử 30g. Ngâm 7 ngày. Uống trước khi đi ngủ 15-20ml.
Tác dụng: Dùng cho các trường hợp suy nhược thần kinh, hồi hộp, đánh trống ngực, mất ngủ.
- Tim lợn hầm ngũ vị tử: Tim lợn 1 cái, bột ngũ vị tử 9g. Tim lợn rạch mở, rửa sạch, cho ngũ vị tử vào, khâu lại, hầm cách thủy.
Tác dụng: Dùng cho bệnh nhân hồi hộp loạn nhịp tim, mất ngủ, thở gấp, vã mồ hôi, kích ứng, khát nước.
- Ngũ vị tử nấu chân giò lợn: Chân giò lợn 200g, bột ngũ vị 10g, trần bì 20g, mạch môn 20g, sâm lát 20g. Đổ 1 lít nước, cho thêm ít muối canh hầm trong 1h rồi ăn trong ngày.
Tác dụng: Chữa ho, đặc biệt tốt cho bệnh nhân bị lao phổi đang điều trị duy trì.
Kiêng kỵ: Người viêm khí phế quản cấp có sốt không dùng.
Bắp cải - món ăn bài thuốc.