Hà Nội

3 món ăn bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm mũi mùa hè

SKĐS - VIêm mũi là bệnh xảy ra phổ biến trong mùa hè. Một số món ăn bài thuốc có tác dụng hỗ trợ điều trị giúp bệnh nhanh phục hồi...

Có nhiều cách điều trị viêm mũi mùa hè, trong đó một số món ăn bài thuốc có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh viêm mũi rất hiệu quả.

ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh giới thiệu 3 món ăn bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm mũi mùa hè.

1. Cháo móng giò, trần bì, bán hạ hỗ trợ trị viêm mũi mùa hè

3 món ăn bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm mũi mùa hè - Ảnh 2.

Móng giò kết hợp với các vị thuốc hỗ trợ điều trị viêm mũi.

- Thành phần: Móng giò lợn 1 cái, trần bì 12g, bán hạ chế 12g, sinh khương 6g, gạo tẻ 100g, các loại rau gia vị như kinh giới, tía tô, hành hoa, chanh ớt…

- Cách chế biến: Móng giò làm sạch chặt miếng cùng với gạo vo sạch cho vào nồi. Dùng một ấm khác cho trần bì, bán hạ, sinh khương, đổ nước vừa đủ đun sôi 15 phút, lọc lấy nước cho sang nồi gạo và chân giò, hầm chín kỹ thành cháo. Các loại rau gia vị đã rửa sạch thái ngắn cùng chanh ớt chuẩn bị sẵn. Khi cháo được, múc cháo ra bát tô, nêm gia vị, các loại rau thơm, chanh ớt vừa đủ, ăn nóng.

3 món ăn bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm mũi mùa hè - Ảnh 3.

Trần bì kết hợp với móng giò và các vị thuốc khác hỗ trợ điều trị viêm mũi.

- Công dụng: Hạ khí, chống viêm, chống xuất tiết, tuyên thông phế đạo, co mạch, giúp giảm đau, thông đường hô hấp, khỏi váng đầu, khỏi tịt mũi, hắt hơi, còn có tác dụng chống dị ứng, bán hạ hạ khí, tiêu đờm, trừ thấp; sinh khương vị cay, tính ấm, giải cảm, tiêu độc;.

2. Cháo tim lợn, cát cánh

- Thành phần: Tim lợn 1 quả, cát cánh 20g, gạo tẻ 100g, gừng, hành khô, rau gia vị như kinh giới, tía tô, hành hoa, gừng tươi, chanh ớt, hẹ vừa đủ.

- Cách chế biến: Tim lợn thái lát mỏng, ướp gia vị. Rau gia vị rửa sạch thái ngắn, gừng sống đập dập băm nhỏ. Cho cát cánh vào nồi, đổ nước vừa đủ đun sôi 15 phút, lọc lấy nước. Gạo vo sạch cho vào nồi, đổ nước thuốc vào nấu cháo, khi cháo được, cho tim lợn vào nấu thêm ít phút cho chín đều, múc cháo ra bát tô, nêm gia vị, rau thơm, chanh ớt, ăn nóng.

3 món ăn bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm mũi mùa hè - Ảnh 4.

Cháo tim lợn kết hợp với cát cánh hỗ trợ điều trị viêm mũi mùa hè.

- Công dụng: Tim lợn bổ tâm, bổ khí; cát cánh chống viêm, chống dị ứng và có tác dụng co mạch; tía tô tác dụng giải cảm, tiêu đờm, thuận khí trừ ho; kinh giới trừ phong, chống dị ứng, chống ngứa; trần bì thông khí giảm ho, bổ tỳ lợi phế; lá hẹ bổ thận nạp khí, tính ôn, lợi chín khiếu, trừ hàn; nước chanh: Vị chua tính mát, giải nhiệt; hành hoa chống viêm, trừ tà, thông đạt đường hô hấp.

Khi cháo đang nóng, trộn các loại rau gia vị vào, hơi nóng cộng với hơi thuốc bốc lên rất thơm, đi vào các khoang của hốc mũi người bệnh làm giảm phù nề niêm mạc mũi, co mạch giảm tiết, chống viêm, chống dị ứng, tuyên thông phế khí, các triệu chứng giảm nhanh.

3. Chim bồ câu hầm

- Thành phần: Chim bồ câu 1 con, hoàng kỳ 60g, tân di 9g, bạch truật 9g, đại táo 12g, gừng tươi và gia vị vừa đủ.

- Cách chế biến: Chim bồ câu làm thịt, bỏ ruột, chặt miếng; tân di gói trong túi vải; đại táo bỏ hạt; các vị còn lại rửa sạch, thái phiến. Tất cả cho vào nồi hầm kỹ chừng 60 phút, chế thêm gia vị, ăn nóng trong ngày.

3 món ăn bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm mũi mùa hè - Ảnh 5.

Bồ câu hầm hỗ trợ điều trị viêm mũi.

- Tác dụng: Hoàng kỳ vị ngọt, tính ấm, tác dụng bổ trung, ích khí, tăng cường thể chất; bạch truật, đại táo và thịt chim bồ câu có công dụng bổ tỳ, ích khí, nâng cao thể chất; tân di, gừng tươi phối hợp với hoàng kỳ có tác dụng chống dị ứng.

- Công dụng: Bổ khí, thông tỵ; dùng tốt cho người bị viêm mũi dị ứng có thể chất hư nhược khiến cho phong tà xâm nhập (tắc mũi, hắt hơi, chảy nước mũi nhiều, tinh thần mỏi mệt, chán ăn, dễ đổ mồ hôi).

Ngoài ra, người bệnh viêm mũi cần chú ý tăng cường các loại thực phẩm giúp xoa dịu các triệu chứng của viêm mũi như nghệ, gừng, thực phẩm giàu vitamin C, probiotic… cũng như hạn chế các thực phẩm làm trầm trọng thêm bệnh như phấn hoa, chất phụ gia, đồ ăn lạnh…

Xem thêm video đang được quan tâm:

Chuyên gia khuyến cáo gì để phòng nguy cơ đột quỵ, sốc nhiệt trong đợt cao điểm nắng nóng?


Mai Phương
Ý kiến của bạn