Nhưng đáng tiếc, việc điều trị thất bại là do chính chủ quan của chúng ta, của cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân.
Bệnh ung thư để chỉ một nhóm hơn 100 bệnh. Ung thư là tăng sinh bất thường của tế bào từ bất cứ cấu trúc hay cơ quan mà cơ thể không thể kiểm soát được. Không những tăng sinh tại chỗ mà các tế bào này có thể tách ra rồi di chuyển đến hạch (di căn hạch vùng) hoặc các cơ quan, cấu trúc khác vị trí ban đầu (di căn xa). Tại nơi xuất phát hoặc nơi di căn các tế bào ung thư tiếp tục tăng trưởng, tăng sinh, xâm lấn phá hủy các cơ quan hay cấu trúc này và cuối cùng gây tử vong.
Trong điều trị ung thư, kết quả không phải lúc nào cũng như ý muốn. Nguyên nhân có nhiều, dưới đây chỉ nêu 3 lý do.
Một ca xạ trị
Lý do thứ nhất: do đặc điểm sinh học bệnh ung thư, ung thư phát triển nhanh, mạnh; có thể di căn xa từ rất sớm khi bướu ban đầu còn rất nhỏ, ung thư phát triển âm thầm từ vị trí trong sâu và/hoặc khi thể hiện ra ngoài hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe khiến người bệnh đi khám thì bướu đã quá to. Với lý do này, khả năng điều trị khỏi ung thư 100% cho mọi tình huống trở nên khó khăn.
Dựa vào đặc điểm sinh học chi tiết của từng loại ung thư mà các khoa học đã tìm ra các phương pháp điều trị tiêu chuẩn như phẫu thuật đủ độ rộng, xạ trị đúng chỉ định và đúng mô đích, hóa trị, điều trị nội tiết, điều trị đích phân tử phù hợp. Các phương pháp này sử dụng đơn thuần hay phối hợp cho từng bệnh nhân tùy đặc điểm sinh học, giai đoạn bệnh, tuổi tác, nghề nghiệp, tổng trạng, bệnh lý đi kèm, ý muốn, khả năng tài chánh... Nhưng dù cho sử dụng đầy đủ các phương pháp trên với hiệu quả cao nhất đã được chứng minh thì khả năng trị khỏi không luôn luôn đạt 100% cho mọi tình huống. Tuy nhiên, nói riêng cho bệnh giai đoạn sớm hoặc rất sớm khả năng trị khỏi rất cao có thể đến 100%.
Y học và khoa học đang ngày đêm tìm tòi, nghiên cứu để hiểu thêm về sinh học bệnh ung thư, tìm cách khắc phục các khuyết điểm của phương pháp điều trị, phòng ngừa đã biết, không ngừng tìm ra các phương pháp mới để khắc phục lý do thứ nhất này.
Lý do thứ hai: do bác sĩ gây ra. Bác sĩ có thể chủ quan hay khách quan gây ra thất bại trong điều trị ung thư do chẩn đoán sai, chậm trễ, chẩn đoán không đầy đủ, điều trị không kịp thời, không đúng mức.
Do biểu hiện của ung thư ra bên ngoài bằng các hiện tượng, còn gọi là các dấu hiệu hay các triệu chứng, nhất là lúc mới xuất hiện, đa số giống như các bệnh không phải ung thư. Khi bệnh nhân đến bác sĩ khám vì các hiện tượng này, thường là bác sĩ ở phòng mạchh, phòng khám đa khoa, thậm chí chuyên khoa nhưng do mới mắc bệnh nên thường khám qua loa, hoặc cho làm các xét nghiệm, chụp hình ảnh... có độ phát hiện bệnh (độ nhạy) thấp và điều trị kéo dài, nhiều tháng, thậm chí hơn cả năm, và bệnh nhân đã qua khám nhiều bác sĩ, nhiều bệnh viện và cuối cùng mới chẩn đoán ra bệnh ung thư khi bệnh đã quá nhiều rồi (không kể các trường hợp khó, tình huống này thường hiếm). Đây là chẩn đoán sai, chẩn đoán chậm trễ.
Trong chẩn đoán ung thư, không chỉ chẩn đoán có phải là ung thư không, mà khi đã ung thư rồi cần phải biết loại mô học gì, loại sinh học phân tử, mức độ lan rộng, tức giai đoạn, cũng như tình trạng sức khỏe chung của bệnh nhân. Ngoài ra do thiếu phương tiện, thiếu nhân sự, do không cập nhật kiến thức nên không thực hiện các bước chẩn đoán như trên. Như vậy, bác sĩ đã phạm phải sai lầm chẩn đoán không đầy đủ.
Một sai lầm nghiêm trọng nữa do bác sĩ gây ra là điều trị không đúng mức. Phẫu thuật không đủ độ rộng khi cắt bướu, không nạo đủ hạch cần thiết để điều trị hạch di căn hoặc đánh giá mức độ di căn hạch, không cung cấp đủ thông tin về đặc điểm bướu và hạch khi phẫu thuật cũng như xét nghiệm giải phẫu bệnh và hóa mô miễn dịch. Xạ trị không đủ liều hoặc quá liều, không đủ mô đích, không che chắn hoặc kỹ thuật cũ dẫn đến kém hiệu quả mà lại tăng biến chứng. Phác đồ hóa trị không phù hợp, tùy tiện giảm liều vì sợ tác dụng phụ, kỹ thuật tiêm truyền không tuân thủ, không theo dõi sát các tác dụng phụ để kịp thời xử trí.... Đặc biệt, điều trị phối hợp đa mô thức chưa đúng mức.
Lý do thứ ba: do bệnh nhân, thân nhân và người xung quanh. Khi mới có triệu chứng bệnh nhân đi khám bệnh nhiều nơi, nên bác sĩ ban đầu không theo dõi diễn tiến để kịp thời điều chỉnh chẩn đoán để phát hiện sớm bệnh ung thư. Khi đã chẩn đoán ung thư rồi, bệnh nhân lo lắng, gia đình lo lắng là điều đương nhiên, nhưng lại nghĩ là hết thuốc chữa, không phải lúc nào cũng vậy, như đã nói ở trên (giai đoạn sớm). Bản thân hoặc nghe người xung quanh, qua truyền miệng, qua hệ thống truyền thông, rồi đi điều trị thuốc nam, thuốc bắc, thực phẩm chức năng, đắp lá, đắp thuốc và những phương pháp chưa được chứng minh có hiệu quả tiêu diệt tế bào ung thư, dẫn đến tiền mất, tật mang và khi quay lại thì không còn cơ hội chữa khỏi nữa vì bệnh đã quá nhiều rồi (giai đoạn quá trễ).
Như vậy, trước mắt bác sĩ và bệnh nhân cần tuân thủ đúng việc chẩn đoán và điều trị ung thư. Nếu không, chính bác sĩ và bệnh nhân là nguyên nhân đầu tiên gây nên thất bại trong điều trị ung thư.