Hà Nội

3 lưu ý sau điều trị ung thư vú chị em cần biết

08-09-2023 06:57 | Ung thư

SKĐS - Ung thư vú là bệnh cực kỳ nguy hiểm đối với phụ nữ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, việc điều trị ung thư vú có thể mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là khi bệnh được phát hiện, chẩn đoán từ giai đoạn rất sớm.

Khi người bệnh kết thúc điều trị ung thư vú, các bác sĩ vẫn tiếp tục theo dõi tình hình sức khỏe của người bệnh.

Dưới đây là 3 lưu ý quan trọng mà người bệnh cần biết để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất sau điều trị.

1. Cần thường xuyên khám định kỳ để theo dõi

Mặc dù thời gian sống thêm của bệnh nhân ung thư vú đã cải thiện rất nhiều nhưng người bệnh ung thư vú vẫn có nguy cơ tái phát tại chỗ và di căn xa. Tái phát thường xảy ra trong 5 năm đầu tiên sau chẩn đoán đặc biệt trên nhóm bệnh nhân có thụ thể nội tiết âm tính hoặc HER2 dương tính.

Chính vì vậy sau kết thúc điều trị, bệnh nhân cần tái khám định kỳ (3 tháng 1 lần trong 2 năm đầu, nếu bệnh ổn định thì cứ 6 tháng 1 lần trong 3 năm tiếp và 1 năm 1 lần trong những năm tiếp theo) nhằm phát hiện tái phát sớm để điều trị kịp thời.

3 lưu ý cần biết sau điều trị ung thư vú - Ảnh 1.

Sau điều trị ung thư vú, các bác sĩ vẫn tiếp tục theo dõi tình hình sức khỏe của người bệnh.

Người bệnh cần tái khám ngay nếu có các dấu hiệu nghi ngờ tái phát như:

  • Xuất hiện khối bất thường ở vú hoặc thành ngực
  • Có chảy dịch đầu núm vú của vú đã phẫu thuật bảo tồn hoặc của vú đối bên
  • Người bệnh nhận thấy thay đổi da vùng thành ngực hoặc vú
  • Người bệnh sờ thấy hạch vùng nách, cổ, trên và dưới xương đòn
  • Xuất hiện tình trạng đau xương dai dẳng
  • Ho, khó thở, đau ngực
  • Đau tức vùng gan
  • Đau đầu, buồn nôn, nôn
  • Mệt mỏi, giảm cân nhanh mà không ăn kiêng

Sau khi thăm khám các bác sĩ sẽ khám vú, thành ngực, hệ thống hạch cổ, hạch nách và các dấu hiệu khác nếu có; chỉ định các xét nghiệm như chụp X-quang bên vú còn lại, siêu âm tuyến vú, CA15-3 và các xét nghiệm khác nếu cần.

3 lưu ý cần biết sau điều trị ung thư vú - Ảnh 2.

Sau kết thúc điều trị, bệnh nhân cần tái khám định kỳ nhằm phát hiện tái phát sớm để điều trị kịp thời.

2. Cần trao đổi thường xuyên với bác sĩ về kế hoạch chăm sóc sức khỏe

Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ điều trị về kế hoạch chăm sóc sức khỏe sau khi điều trị ung thư. Kế hoạch này có thể thay đổi theo thời gian bao gồm: Lịch tái khám và làm xét nghiệm.

Lịch làm các xét nghiệm khác mà người bệnh có thể cần trong tương lai, ví dụ: xét nghiệm phát hiện sớm các loại ung thư khác, xét nghiệm để kiểm soát những tác dụng phụ do ung thư hoặc việc điều trị bệnh ung thư.

Các tác dụng phụ ngắn hạn hoặc dài hạn mà người bệnh có thể gặp phải do quá trình điều trị và khi nào thì nên liên hệ với bác sĩ.

Chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và những lời khuyên về việc thay đổi lối sống.

3. Một số lưu ý cần thiết khác

Bên cạnh việc tái khám, trao đổi với các bác sĩ, người bệnh ung thư vú cần có một số lưu ý khác như sau:

- Tập thể dục thường xuyên duy trì cân nặng lý tưởng (chỉ số BMI trong giới hạn bình thường), tránh béo phì, giảm nguy cơ bị phù tay voi bên phẫu thuật cắt vú.

- Không uống các loại nước giải khát có chất kích thích, bia rượu.

- Bệnh nhân có thụ thể nội tiết dương tính thì không nên dùng các sản phẩm từ đậu nành vì phytoestrogen có trong đậu nành làm kích thích sự phát triển của các tế bào ung thư phụ thuộc hormone sinh dục nữ. Cũng không nên dùng các thuốc có chứa hoặc làm tăng nội tiết tố nữ.

- Khi điều trị nội tiết ở bệnh nhân chưa mãn kinh thì rất dễ gặp cơn bốc hỏa, khô âm đạo, nấm âm đạo. Đối với bệnh nhân đã mãn kinh có thể bị đau xương khớp. Cần tư vấn bác sĩ điều trị để được hướng dẫn cách điều trị hoặc thay đổi thuốc.

- Nếu bệnh nhân còn trong độ tuổi sinh đẻ và có nhu cầu sinh con thì cần bảo quản trứng trước điều trị hóa trị. Không nên mang thai trong 2 năm đầu sau điều trị vì đây là giai đoạn nguy cơ tái phát cao nhất. Phải áp dụng các biện pháp tránh thai trong và sau điều trị thuốc kháng HER2 (trastuzumab) ít nhất 7 tháng vì nó gây dị dạng thai.

Tóm lại: Ung thư vú là bệnh có thể chữa khỏi được nếu phát hiện sớm, điều trị đúng phương pháp. Sau điều trị ban đầu bạn nên tự theo dõi sức khỏe của bản thân, báo cho bác sĩ các tác dụng phụ lâu dài của các phương pháp điều trị trước đó cũng như tác dụng phụ của thuốc nội tiết đang sử dụng.

Khi phát hiện thấy bất thường, nên báo cho bác sĩ điều trị hoặc đến bệnh viện để được kiểm tra khẳng định tình trạng tái phát, được điều trị tái phát càng sớm càng tốt.

Hầu như bất kỳ phương pháp điều trị ung thư nào cũng có tác dụng phụ. Tùy từng người, tác dụng phụ có thể kéo dài vài ngày, vài tuần hoặc lâu hơn. Một số tác dụng phụ thậm chí có thể không xuất hiện nhiều năm sau khi người bệnh kết thúc điều trị. Những buổi tái khám là thời điểm tốt nhất để trao đổi với bác sĩ về bất kỳ thay đổi hoặc vấn đề khiến người bệnh cảm thấy lo lắng. Tuy nhiên, nếu người bệnh có nhiều băn khoăn về bệnh tình của mình thì không nên chờ đến buổi hẹn tiếp theo mà hãy gọi cho bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt.

Phụ nữ dậy thì sớm và mãn kinh muộn có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn người khácPhụ nữ dậy thì sớm và mãn kinh muộn có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn người khác

SKĐS - Ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ. Là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các loại ung thư ở nữ giới.



TS.BS Lê Thị Thu
Ý kiến của bạn