Mới đây, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã ban hành ‘Hướng dẫn phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động’ và phối hợp với Ban Tuyên giáo - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) tổ chức hai hội thảo phổ biến cuốn tài liệu này tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhằm giúp các doanh nghiệp và các đơn vị triển khai phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động một cách thuận lợi, hiệu quả.
Theo đó, triển khai thành công và hiệu quả các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động sẽ giúp các doanh nghiệp:
1. Bảo vệ được nguồn nhân lực
Khi doanh nghiệp tham gia phòng, chống HIV/AIDS, cùng với các chương trình truyền thông tại cộng đồng, người lao động sẽ được cung cấp các kỹ năng cần thiết để có thể nhận biết đúng đắn về HIV/AIDS, có ý thức và biết cách bảo vệ mình trước HIV/AIDS.
Nguồn nhân lực của doanh nghiệp sẽ ổn định hơn, nếu mỗi người lao động trong một tập thể biết tự bảo vệ mình trước tác động của đại dịch.
ThS. BS. Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Tài liệu hướng dẫn triển khai phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động, được xây dựng nhằm chuẩn hóa các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động, để các địa phương thuận lợi hơn trong việc triển khai các hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho công nhân.
2. Tạo ra một môi trường làm việc hiệu quả trong doanh nghiệp
Mặc dù Luật pháp và quy định của hầu hết các quốc gia đều quy định chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, nhưng ở các mức độ khác nhau, kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn xảy ra ở mọi nơi trên thế giới.
Thực tế cho thấy, rất nhiều người lao động chưa hiểu biết đúng về HIV/AIDS đã từ chối làm việc chung với người nhiễm HIV, từ chối dùng chung nhà vệ sinh, ngồi chung phòng ăn, bàn ăn... làm cho không khí tại nơi làm việc trở nên rất nặng nề, ảnh hưởng tới hiệu quả làm việc.
Do vậy, nếu doanh nghiệp làm tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS không những bảo vệ được người lao động không bị lây nhiễm HIV mà còn tăng cường sự hiểu biết của người lao động về HIV/AIDS, tránh kỳ thị, từ đó tạo ra một môi trường làm việc thân thiện, hiệu quả.
3. Phòng chống HIV cho công nhân lao động sẽ nâng cao uy tín cho doanh nghiệp
Những năm trước đây, khi nói đến việc triển khai phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc, không ít doanh nghiệp còn do dự, e ngại. Họ sợ khách hàng, đối tác cho rằng doanh nghiệp mình có vấn đề về HIV/AIDS trong cán bộ công nhân viên, người lao động và từ đó kỳ thị luôn sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp.
Thực tế hiện nay cho thấy điều ngược lại, việc triển khai thực hiện chương trình phòng, chống HIV/AIDS sẽ góp phần nâng cao uy tín của doanh nghiệp bởi vì đã thể hiện rõ:
- Cam kết của lãnh đạo doanh nghiệp với việc chăm lo bảo vệ sức khỏe cho người lao động, bảo vệ hạnh phúc cho gia đình cán bộ công nhân viên trước đại dịch HIV/AIDS;
- Sự công bằng, bình đẳng trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp/nơi làm việc; tôn trọng quyền và lợi ích của người lao động;
- Vai trò và những đóng góp của doanh nghiệp vào việc thực hiện chiến lược chung trong phòng chống, ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS.
- Doanh nghiệp đã tuân thủ pháp luật và những quy định của chính phủ Việt Nam cũng như một số công ước quốc tế có liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc;
- Doanh nghiệp đã thực hiện tốt trách nhiệm xã hội. Lãnh đạo doanh nghiệp sẵn sàng đóng góp nhân lực và tài chính để bảo vệ người lao động của doanh nghiệp và sự phát triển của quốc gia.
Hiện nay một số định chế tài chính trên thế giới đã đưa ra nguyên tắc khi hỗ trợ cho các doanh nghiệp đó là khi các doanh nghiệp xây dựng các chương trình, dự án nếu không thiết kế các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động, sẽ bị từ chối tài trợ về tài chính và kỹ thuật cho chương trình, dự án đó.
Ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thái Nguyên chia sẻ kinh nghiệm triển khai phòng, chống HIV/AIDS trong khu công nghiệp tại Thái Nguyên tại Hội thảo phổ biến Hướng dẫn triển khai phòng chống HIV/AIDS cho công nhân lao động tại mới đây tại Hà Nội.
Kết quả điều tra mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ năm 2021- 2022 cho thấy kiến thức, hiểu biết về HIV của giới trẻ còn hạn chế. Tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nữ 15-24 tuổi chỉ chiếm 39,8%, ở nam độ tuổi này là 48,7%. Tỷ lệ có thái độ phân biệt đối xử với HIV ở nữ 15-24 tuổi là 36,6% và nam là 39,7%. Ngay cả với các em có trình độ cao đẳng, đại học trở lên tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV cũng chỉ đạt 39,8% đối với nữ và 48,7% đối với nam.
Theo một đánh giá nhanh năm 2022 trên 3.500 công nhân từ 50 nhà máy ở một số tỉnh phía Nam cho thấy, hiểu biết của công nhân lao động về HIV còn hạn chế: Chỉ có 1/3 công nhân trả lời đúng và đầy đủ các cách dự phòng lây nhiễm HIV; 44,7% công nhân biết HIV/AIDS có thể điều trị được; phần lớn công nhân trả lời ngại sử dụng bao cao su để phòng bệnh; 79% công nhân sẵn sàng đi xét nghiệm với bạn đời/bạn tình để phát hiện HIV nếu nghi ngờ có hành vi nguy cơ; ít hơn 30% công nhân chưa có gia đình có sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
Phân tích trong số ca có phản ứng với HIV trong gần 3 năm trở lại đây thì nhóm lao động trong nhà máy, xí nghiệp chiếm 21%. Độ tuổi nhiễm HIV nhiều nhất rơi vào từ nhóm 20 - 29 tuổi và ngày càng trẻ hóa.