GS.TS. Nguyễn Văn Kính – Phó Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam cho biết, hậu COVID-19 là tình trạng xảy ra ở những người tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 đã khỏi bệnh trong vòng 3 tháng, tồn tại kéo dài ít nhất 2 tháng và không thể lý giải bằng các chẩn đoán khác.
Triệu chứng phổ biến nhất bao gồm: Mệt mỏi, khó thở, rối loạn nhận thức và một vài triệu chứng khác, có ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Các triệu chứng này có thể xuất hiện mới sau khi COVID-19 đã hồi phục hoặc tồn tại từ giai đoạn ban đầu. Các triệu chứng có thể dao động hoặc tái phát theo thời gian.
4 thể chứng hậu COVID-19
TS.BS. Trương Thị Ngọc Lan – Viện Y dược học dân tộc TP. Hồ Chí Mính chia các chứng trạng hậu COVID-19 làm 4 thể:
- Thể khí hư huyết ứ: Biểu hiện lâm sàng của chứng khí hư huyết ứ là hồi hộp đoản hơi, biếng ăn, sắc mặt phù thũng hoặc đau âm ỉ trong ngực hoặc trong bụng trướng đầy đau…
- Thể khí huyết hư: Dùng để chỉ những bất túc, hóa nguyên thiếu thốn, khí không sinh huyết của nguyên khí trong cơ thể, khiến cho cả khí và huyết đều bị hao tổn, tạo nên cơ sở vật chất của hoạt động sinh mạng con người bất túc, biểu hiện ra bên ngoài là khả năng hoạt động của tạng phủ bị giảm sút.
- Thể khí âm lưỡng hư: Tinh thần mỏi mệt, yếu sức, ra mồ hôi, đoản hơi, ho khan, ít đờm, biếng ăn, miệng khô, họng đau, chóng mặt, hoa mắt, hồi hộp, lòng bàn chân tay nóng, mỏi lưng ù tai, tiểu tiện ít, táo bón, lưỡi đỏ tía, ít rêu…
- Thể phế tỳ khí hư: Biểu hiện như ho lâu không khỏi, đờm nhiều loãng trắng, tiếng nói nhỏ, nhác nói, khí đoản, ít lực, sắc mặt trắng nhợt, ăn kém, bụng chướng…
Theo TS. BS. Trương Thị Ngọc Lan, trong 4 thể bệnh hậu COVID-19 thì hai thể khí âm lưỡng hư và phế tỳ khí hư chiếm tỉ lệ cao, cần chú ý nhất. Trong đó thể khí âm lưỡng hư ảnh hưởng nhiều nhất tới bệnh nhân gây mệt mỏi, ho khan, đau họng, người nóng bứt rứt, thậm chí nóng phừng lên đầu, đau đầu.
Thể phế tỳ khí hư gây các triệu chứng chán ăn, tiêu chảy, đầy bụng cũng ảnh hưởng đến người bệnh.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể cùng lúc có các chứng hậu như phế tỳ khí hư kèm theo khí huyết hư, hay khí âm lưỡng hư kèm theo khí huyết hư.
3 loại trà thuốc dùng cho bệnh nhân hậu COVID-19
Theo PGS.TS. Trịnh Thị Diệu Thường – Trưởng khoa YHCT Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, Trưởng cơ sở 3, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, 3 loại trà thuốc dưới đây có thể sử dụng cho bệnh nhân sau mắc COVID-19, giúp cải thiện sức khỏe, hồi phục các chức năng tạng phủ:
- Nhân sâm liên nhục
Liều lượng cho 1 ngày: Nhân sâm 6g, liên nhục 12g, cỏ ngọt hoặc đường phèn lượng phù hợp, gừng tươi 3g.
Công dụng của trà thuốc: Bổ tỳ ích phế khí.
Chỉ định: Các trường hợp cơ thể suy nhược, chán ăn, mệt mỏi, phân nát, hay nôn khan, ngủ kém.
Kiêng kỵ: Các trường hợp rêu lưỡi dày nhớt, có thấp nhiệt đàm trọc cấm dùng loại trà thuốc này.
Cách làm: Ngâm dược liệu với lượng nước phù hợp và chưng cách thủy.
Uống và ăn cả cái. Nếu dùng cỏ ngọt thì sau khi hấp xong, vớt bỏ cỏ ngọt.
- Sinh mạch ẩm
Liều lượng cho 1 ngày: Nhân sâm (đảng sâm) 9g, mạch môn đông 12g, ngũ vị tử 10g.
Công dụng: Ích khí sinh tân, liễm âm.
Chỉ định: Tinh thần mệt mỏi, ra mồ hôi, đoản hơi, ho khan ít đờm, chán ăn, lưỡi đỏ ít rêu.
Kiêng kỵ: Ôn thực nhiệt tà chưa lui, rêu dày nhớt (thấp nhiệt thực chứng).
Cách làm: Hãm nước sôi 15 phút, thay trà uống trong ngày. Châm thêm nước sôi hãm.
- Trà tăng dịch
Liều lượng cho 1 ngày: Huyền sâm 15g, mạch môn đông 12g, sinh địa 12g, tang diệp 12g, sa sâm 6g.
Công dụng: Tư âm sinh tân, thông tiện.
Chỉ định: Táo bón, miệng khô khát, lưỡi đỏ.
Kiêng kỵ: Tỳ hư phân lỏng.
Cách làm: Thái vụn, cho vào ấm, hãm nước sôi 15 phút, thay trà uống trong ngày/châm thêm nước sôi hãm.
Xem thêm video đang được quan tâm:
7 lợi ích của vitamin C.