Đu đủ xanh
Đu đủ là một loại trái cây ngon, bổ, rẻ rất được các chị em phụ nữ yêu thích. Tuy nhiên, có lẽ nhiều người không thực sự biết rõ được tác hại của loại quả đu đủ xanh này đối với các chị em phụ nữ mang thai.
Theo các nhà nghiên cứu ở Ấn Độ đã nghiên cứu về tác động của đu đủ xanh trên chuột. Theo đó, các nhà nghiên cứu đã cho chuột ăn nhiều loại hoa quả và kết quả cho thấy, đu đủ xanh có chất gây sẩy thai.
Thử nghiệm chất chiết xuất từ nhựa đu đủ (papain, PLE) trên tử cung chuột cho thấy, nhựa đu đủ khiến tử cung bị co bóp và mạnh nhất là thời kỳ sau của thai kỳ, có thể gây ra phù và xuất huyết nhau thai – những biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ, có thể dẫn tới sinh non.
Cũng theo Đông y, trong đu đủ xanh có chứa papain, một chất phá hủy màng tế bào phôi thai và có thể tăng nguy cơ sẩy thai.
Do vậy, phụ nữ đang có thai hoặc đang chuẩn bị để có thai, tốt nhất nên hạn chế ăn đu đủ, nhất là đu đủ xanh. Ngoài ra, các mẹ chú ý không nên ăn hạt đu đủ bởi trong hạt có chứa chất độc carpine. Với một số lượng lớn carpine sẽ làm rối loạn mạch đập, làm suy nhược hệ thống thần kinh. Bản thân đu đủ có tính hàn nên mẹ bầu không nên ăn đu đủ lạnh.
Rau ngót
Theo bác sĩ Hương - Khoa Phụ sản - Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết, ăn rau ngót làm sẩy thai hay không thì cũng chưa thể khẳng định vì chưa có tài liệu nào nghiên cứu tác động gây sẩy thai của rau ngót. Trong rau ngót có những thành phần dinh dưỡng như tới 5,3% protit, 3,4% gluxit, trong đó chủ yếu là canxi (169mg%), photpho (64,5mg%), Vitamin C (185mg%).
Rau ngót có nhiều axit min cần thiết. Ví dụ như trong 100g rau ngót có 0,16g lysin; 0,13g metionin; 0,05g tryp-tophan; 0,25g phenylalalin, 0,34g treonin, 0,17g valin, 0,24g leuxin và 0,17g izoleucin...
Thực tế, có rất nhiều trường hợp phụ nữ mang thai đôi khi vẫn ăn canh rau ngót bình thường mà vẫn không ảnh hưởng đến thai nhi.
Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe của mỗi sản phụ là khác nhau. Những thai phụ có tiền sử sẩy thai liên tiếp, đẻ non, con quý hiếm (thụ tinh trong ống nghiệm) thì nên hạn chế ăn rau ngót đặc biệt là uống nước rau ngót sống, liều cao.
Phụ nữ mang thai bình thường thỉnh thoảng vẫn có thể ăn rau ngót luộc hay nấu canh. Nhưng, phải chọn những loại rau ngót sạch, tươi để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh ngộ độc - bác sĩ Hương cho biết.
Cây lô hội
Theo y học cổ truyền, cây lô hội (hay nha đam) có vị đắng, tính hàn, tác dụng sát trùng, thanh nhiệt, thông tiện, làm mát gan... Dùng để chữa các chứng rối loạn tiêu hoá, ăn uống không tiêu, làm thuốc nhuận trường, trẻ con bị cam tích, táo bón, chữa viêm loét dạ dày…
Tuy nhiên, các bác sỹ cũng khuyến cáo, phụ nữ có thai và đang cho con bú tuyệt đối không nên dùng, vì những báo cáo gần đây cho thấy nha đam có thể liên quan tới sẩy thai, dị tật bẩm sinh. Cây lô hội có tác dụng kích thích tiêu hoá, thông mật nhuận tràng. Tuy nhiên, cây này cũng rất độc, chất độc nằm trong toàn bộ cây. Phụ nữ có thai khi ăn phải cây lô hội sẽ xuất hiện sẽ xuất hiện triệu chứng đau bụng dữ dội, nôn mửa liên tục, đi ngoài phân lỏng, xuất huyết tiêu hoá, tăng nguy cơ bị sẩy ở phụ nữ mang thai.
Theo DS Lê Kim Phụng, Đại học Y dược TP.HCM, nhựa cây nha đam nguyên chất là một chất độc, khi để ra ngoài không khí chất nhựa này dễ bị oxy hoá làm mất đi một phần hoạt tính, do đó cần có quy trình chiết xuất đúng đắn để ổn định hoạt chất.
Khi ăn nha đam, cần làm sạch lớp mủ màu vàng kế bên lớp thạch để tránh ngộ độc. Không nên bôi trực tiếp lên da vì dễ bị kích ứng gây đỏ da và viêm loét. Đối với phụ nữ có da dễ nhạy cảm, trước khi sử dụng cần phải kiểm tra trước để tránh làm sưng tấy và nhiễm trùng vùng da bị dị ứng.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho phụ nữ mang bầu nên lưu ý:
Phụ nữ mang bầu cần ăn thêm bữa và tăng lượng thức ăn, chú ý tăng cường thực phẩm giàu đạm, kẽm, sắt, vitamin A, vitamin C và canxi. Ăn đầy đủ, đa dạng các loại thực phẩm.
Không nên dùng các chất kích thích như: rượu, cà phê, thuốc lá, chè đặc, ớt, hạt tiêu, giấm... Nên ăn nhạt, bớt muối nhất là những bà mẹ bị phù thận để giảm phù và tai biến khi đẻ.
Ngoài việc ăn uống hợp lý, những chị em có sức khỏe kém cần tạo cho mình cuộc sống vui vẻ, không bực tức, lo lắng để tránh stress. Chú ý nghỉ ngơi, làm việc nhẹ nhất là 3 tháng đầu. Cần phải vận động, đi lại, tránh nằm một chỗ (trừ trường hợp bác sĩ chỉ định), không thức quá khuya.
Tránh đu đủ xanh, lô hội, rau ngót… hay một số loại thức ăn được khuyến cáo ít sử dụng.
Ăn chín, uống sôi, hạn chế ăn ngoài đường, tránh các loại thực phẩm được khuyến cáo có nhiều chất bảo quản, thủy ngân…