3 loại thực phẩm có hại đối với người bệnh đái tháo đường trong ngày Tết

SKĐS - Ăn uống thế nào trong ngày Tết là nỗi băn khoăn lớn nhất của người bệnh đái tháo đường. Ngoài lựa chọn những thực phẩm giúp duy trì ổn định đường huyết, người bệnh đái tháo đường cũng cần đặc biệt lưu ý tránh những thực phẩm có hại.

1. Đồ uống có đường nguy hại với người đái tháo đường

Đồ uống có đường như: nước ngọt, soda, nước ép trái cây có đường, nước tăng lực, trà sữa... là loại đồ uống thường được các gia đình chuẩn bị trong các bữa cỗ ngày Tết. Tuy nhiên những thức uống này đặc biệt nguy hại đối với người bệnh đái tháo đường.

Trung bình uống một lon nước ngọt 300-330ml đã cung cấp 30-40g đường, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị, mỗi ngày chúng ta chỉ nên ăn 25g đường (tương đương 5 thìa cà phê), mức tối đa là 50g/ngày.

Như vậy, khi uống một lon nước ngọt cộng với tiêu thụ lượng đường tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm như: trái cây, sữa và nhiều sản phẩm chứa đường ẩn như các loại nước sốt, tương ớt, tương cà… thì mức độ đường chúng ta tiêu thụ gấp nhiều lần khuyến cáo.

3 loại thực phẩm có hại đối với người bệnh đái tháo đường trong ngày Tết- Ảnh 1.

Lạm dụng đồ uống có đường nguy hại đối với người bệnh đái tháo đường.

Lạm dụng đồ uống có đường sẽ khiến đường máu tăng cao. Người mắc bệnh đái tháo đường không kiểm soát được đường máu cùng một số yếu tố nguy cơ khác sẽ gây biến chứng nguy hiểm ở nhiều cơ quan trong cơ thể.

Nghiên cứu của Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan (Hoa Kỳ) mới đây cũng phát hiện ra rằng, việc tiêu thụ nhiều đồ uống có đường có liên quan đến tăng nguy cơ tử vong sớm và tỷ lệ mắc bệnh tim mạch ở những người mắc đái tháo đường type 2. Trong khi uống đồ uống như cà phê, trà, sữa bò ít chất béo và nước lọc có nguy cơ tử vong sớm thấp hơn.

2. Thực phẩm chế biến sẵn

Thực phẩm chế biến sẵn như đồ ăn nhanh, đồ ăn vặt, các loại bánh, pizza, xúc xích, thịt xông khói, thịt muối… chứa nhiều đường, muối, phụ gia, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Cả hai loại chất béo này đều gây hại cho sức khỏe, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch với những bệnh nhân đái tháo đường.

Hầu hết thức ăn nhanh như: bánh mì kẹp thịt, gà rán, xúc xích, khoai tây chiên… đều chứa nhiều carbohydrate, rất ít hoặc không có chất xơ. Khi tiêu hóa những thực phẩm này, carbohydrate được giải phóng dưới dạng glucose (đường) vào máu dẫn đến làm tăng lượng đường trong máu.

Theo ThS.BS. Nguyễn Thu Yên, chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường, các loại đồ ăn nhanh mặc dù ngon và tiện lợi nhưng có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến bệnh đái tháo đường vì chúng chứa rất nhiều calo, cholesterol và đường đơn, khi nạp vào cơ thể sẽ làm tăng lượng đường trong máu và kéo theo tình trạng thừa cân, béo phì.

Đồ ăn nhanh cũng rất ít chất xơ, một chất dinh dưỡng giúp làm chậm sự hấp thụ đường vào máu và giảm sự sản sinh insulin của tuyến tụy.

3 loại thực phẩm có hại đối với người bệnh đái tháo đường trong ngày Tết- Ảnh 3.

Đồ ăn nhanh không tốt cho sức khỏe.

3. Các loại bánh ngọt, bánh quy

Các loại bánh ngọt, bánh mì trắng, bánh quy… chứa carbohydrate đơn giản. Đây là loại carbs này được tiêu hóa và hấp thụ nhanh hơn carbohydrate phức tạp. Những thực phẩm này có chỉ số đường huyết cao, khi ăn vào cơ thể sẽ được hệ tiêu hóa hấp thu rất nhanh, khiến lượng đường trong máu tăng đột biến.

Đối với người bị rối loạn chuyển hóa đường glucose như đái tháo đường, đường huyết thường tăng cao sau khi ăn nhưng lại không chuyển hoá được để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Thực phẩm giàu carbohydrate đơn giản cũng thường bị loại bỏ chất xơ và các chất dinh dưỡng thiết yếu có thể khiến người bệnh cảm thấy đói rất nhanh sau khi ăn.

3 loại thực phẩm có hại đối với người bệnh đái tháo đường trong ngày Tết- Ảnh 4.

Các loại bánh ngọt dễ làm tăng đột biến đường trong máu.

Vì vậy, thay vì chọn carbohydrate đơn giản, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên người bệnh đái tháo đường nên chọn carbohydrate phức tạp. Đây là loại tinh bột đốt cháy chậm hơn, có nhiều chất dinh dưỡng hơn đồng thời có nhiều chất xơ hơn giúp người bệnh cảm thấy no lâu hơn.

Những thực phẩm chứa carbohydrate phức tạp bao gồm: ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, yến mạch, gạo lứt, diêm mạch, rau, trái cây... Chúng không gây tăng đột biến và giúp duy trì lượng đường trong máu ở mức ổn định.

Thực phẩm giúp no lâu mà không làm tăng lượng đường trong máuThực phẩm giúp no lâu mà không làm tăng lượng đường trong máu

SKĐS - Duy trì lượng đường trong máu khỏe mạnh là điều cần thiết cho sức khỏe tổng thể, đặc biệt đối với những người mắc bệnh đái tháo đường type 2. Giữ lượng đường trong máu ở mức tối ưu có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng sức khỏe do bệnh đái tháo đường như tổn thương thần kinh.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bệnh nhân đái tháo đường có cần kiêng hoa quả ngọt?


Thu Phương
Thu Phương
Ý kiến của bạn