3 lần phẫu thuật cứu trẻ 10 tháng bị hoại tử ruột

30-08-2018 05:33 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp của Bệnh viện Nhi Trung ương (TW) vừa mổ cấp cứu cho một trường hợp trẻ bị chứng “ruột quay cố định bất thường”, đây là dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa của trẻ.

Trong thời kỳ còn nằm trong bụng mẹ, ruột của bào thai diễn ra quá trình quay. Tuy nhiên, do một tác nhân nào đó trong quá trình này, ruột của bào thai dừng lại ở một vị trí bất thường, từ đó gây ra hàng loạt nguy cơ như tắc, xoắn tá tràng ở thể mạn tính và cấp tính.

Trẻ 10 tháng với 3 lần phẫu thuật

Sau khi chào đời được 3 ngày tuổi, cháu T.B.M. (Nam Định) bỗng nhiên xuất hiện triệu chứng nôn dịch xanh, dịch vàng và đi ngoài phân máu. Đặc biệt, trẻ bú tới đâu là nôn trớ tới đó. Tại bệnh viện tuyến dưới, cháu được chẩn đoán viêm ruột và điều trị nội khoa, tuy nhiên, tình hình không cải thiện và ngày càng trầm trọng. Khi chuyển lên Bệnh viện Nhi TW, bệnh nhi trong tình trạng kích thích, mất nước nên vật vã, quấy khóc. Bên cạnh đó, trẻ trướng bụng, xông dạ dày ra dịch xanh, thăm hậu môn thấy phân đen lẫn máu cũ.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ Bệnh viện Nhi TW chẩn đoán cháu bị ruột quay cố định bất thường bẩm sinh và chỉ định mổ nội soi.

Theo ThS.BS. Vũ Mạnh Hoàn, Phó trưởng Khoa Ngoại tổng hợp do ruột của cháu đã tím và hoại tử không mổ được nội soi buộc phải mổ mở. Các bác sĩ chỉ làm được tháo xoắn và đóng lại bụng. 2 ngày sau mới tiếp tục tiến hành mổ lần hai. Cháu M. bị cắt 2 đoạn ruột hoại tử (một đoạn 60cm, một đoạn 20cm), sau đó nối hai đoạn ruột còn lại (dài 70cm) và phải làm hậu môn nhân tạo. Sau 10 ngày, cháu phẫu thuật lần 3 để nối hai đầu ruột.

3 lần phẫu thuật cứu trẻ 10 tháng bị hoại tử ruộtBS. Vũ Mạnh Hoàn thăm khám cho bệnh nhi.

Cháu M. sống sót khi chỉ còn 70cm ruột. Tuy nhiên, hậu quả để lại là cháu rơi vào tình trạng ruột ngắn, rối loạn hấp thu, suy dinh dưỡng (10 tháng nhưng chỉ nặng 7,5kg). Trường hợp nguy hiểm đến tính mạng còn sống sót như cháu M. là khá may mắn và không nhiều, có trẻ do không phát hiện kịp thời đã tử vong.

Phát hiện sớm tránh nguy cơ hoại tử ruột

BS. Vũ Mạnh Hoàn cho biết: ruột quay và cố định bất thường - hay còn gọi “ruột quay bất toàn” là dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa của trẻ. Trong thời kỳ còn nằm trong bụng mẹ, ruột của bào thai diễn ra quá trình quay. Tuy nhiên, do một tác nhân nào đó trong quá trình này, ruột của bào thai dừng lại ở một vị trí bất thường, từ đó gây ra các nguy cơ như tắc, xoắn tá tràng ở thể mạn tính và cấp tính.

Theo một nghiên cứu nước ngoài, tỷ lệ mắc bệnh ruột quay bất toàn khá lớn, lên tới 1/500 trẻ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đây vẫn được xem là căn bệnh hiếm gặp. Bởi theo các chuyên gia, ruột quay bất toàn khó chẩn đoán, phát hiện. Khi trẻ mắc bệnh, biểu hiện lâm sàng của bệnh rất đa dạng, có trẻ thì triệu chứng cấp tính như nôn dịch xanh, dịch vàng, bụng trướng, đi ngoài phân máu; có trẻ thì triệu chứng lại mơ hồ như đau bụng thoảng qua, chán ăn, không nôn ra máu hoặc nôn ra dịch dạ dày, thức ăn. Chính vì thế mà rất khó chẩn đoán bệnh.

Những trẻ có biểu hiện triệu chứng không rõ ràng ở tuyến dưới hay được chẩn đoán thành trào ngược thực quản, dạ dày; viêm đường tiêu hóa... Do điều trị sai mà một số trẻ không may mắn, ruột bị xoắn thắt lại gây thiếu máu hoại tử ruột non, dẫn tới tử vong.

Ngoài ra, trẻ mắc ruột quay bất toàn cũng dễ bị nhầm lẫn với các căn bệnh nội khoa như trào ngược dạ dày thực quản, viêm ruột, nôn chu kỳ, điều đó dẫn tới nhiều nguy cơ, điển hình nhất là trẻ có thể bị hoại tử ruột nghiêm trọng dẫn tới tử vong. “Khi trẻ có những biểu hiện trên, việc đầu tiên là phải loại trừ các nguyên nhân ngoại khoa, trong đó có bệnh ruột quay bất toàn trước khi xử lý nội khoa. Căn bệnh này có thể dễ dàng xác định nếu các bác sĩ lâm sàng hiểu và nghĩ tới bệnh, tiến hành chụp lưu thông đường tiêu hóa với thuốc cản quang, siêu âm, cắt lớp, vì có nhiều trẻ đến Bệnh viện Nhi TW muộn đã phải chuyển mổ mở không thể mổ nội soi, thậm chí ruột bị hoại tử, khi phẫu thuật rất vất vả”, BS. Vũ Mạnh Hoàn chia sẻ.

Theo TS.BS. Phạm Duy Hiền, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi nhi khoa, Bệnh viện Nhi TW thì bệnh ruột quay cố định bất thường là do trong những tháng đầu của thai kỳ người mẹ có thể gặp tác nhân nào đó khiến quá trình quay của ruột dừng lại ở một vị trí bất thường. Tỷ lệ gặp không thấp nhưng lại khó phát hiện được qua siêu âm. Do vậy khi trẻ có các triệu chứng, biểu hiện bệnh nêu trên thì phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để thăm khám. Điều đầu tiên là phải loại trừ các nguyên nhân ngoại khoa mới chẩn đoán đến nội khoa.

Tất cả bệnh nhân vào viện phẫu thuật chưa có trường hợp nào phát hiện bệnh trong bào thai. Theo tài liệu nghiên cứu của tác giả nước ngoài thì đa phần thời điểm phát bệnh là vào tuần đầu sau sinh (45%), tháng đầu (55%) và 75% phát hiện vào năm đầu, hoặc phát hiện vào lúc trẻ lớn, thậm chí người lớn mới có biểu hiện bệnh.

Việc phát hiện bệnh sớm vô cùng quan trọng, tránh cho trẻ nguy hiểm tới tính mạng. Phương pháp mổ kinh điển trên thế giới là mổ mở, tuy nhiên từ tháng 4/2017, Bệnh viện Nhi TW đã tiến hành mổ nội soi bệnh lý này và đến nay đã phẫu thuật cho 33 trường hợp, kết quả sơ bộ ban đầu đều tốt, khả thi, an toàn và hiệu quả ở trẻ nhỏ.


Huyền Anh
Ý kiến của bạn