Thanh tra y tế Hải Dương vừa đồng loạt mở đợt kiểm tra tổng lực về hành nghề y tế ngoài công lập trên địa bàn tỉnh này. Một bức màn đã được vén lên, bộc lộ nhiều yếu kém cần siết chặt.
Gặp “người thầy” 3 không…
Tâm lý chủ quan trong khám, chữa bệnh tồn tại khá phổ biến không chỉ ở vùng nông thôn mà ở ngay khu vực thành phố. Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết mọi người khi mắc bệnh thường tự ý mua thuốc về điều trị vài ngày không khỏi mới đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh. Thậm chí nhiều người hễ thấy mệt lại gọi “thầy thuốc” ở gần nhà đến truyền dịch, tiêm thuốc. Không cần biết người đó có trình độ, bằng cấp gì, chỉ nghe đồn và truyền miệng là đến khám... Bệnh không khỏi mà ngược lại chính người bệnh phải gánh chịu những hậu quả đáng tiếc. Mới đây, một “thầy thuốc” không có giấy phép hành nghề đã tự ý tiêm thuốc dẫn đến cái chết bất ngờ của chị Đ. T. S. (sinh năm 1976, ở xã Diên Hồng, Thanh Miện). Theo gia đình nạn nhân, chị S. trước đây không có bệnh tật gì, trước khi qua đời chỉ húng hắng ho nên tự đi xe máy sang nhà ông Trần Tuấn Kiệt ở xã bên để khám và điều trị. Điều đáng nói là ông Kiệt không có giấy phép hành nghề hay bất cứ một giấy tờ gì chứng minh trình độ chuyên môn. Mọi người xung quanh xã chỉ biết ông là y sĩ quân đội đã về hưu và bán thuốc, tiêm thuốc, điều trị cho nhiều người. Ông Kiệt hành nghề không phải bí mật trong 1 - 2 ngày mà công khai từ nhiều năm nay, nhiều người trong và ngoài xã đã biết và tìm đến.

Lại nữa, cách đây hơn 1 tháng, phòng khám nội của bác sĩ K. ở phố Bắc Sơn (TP. Hải Dương) đã bị Phòng y tế TP. Hải Dương đình chỉ hoạt động do hành nghề sai quy định. Trên giấy tờ đăng ký phòng khám nội do bác sĩ K. đứng tên nhưng trên thực tế có nhiều lúc vợ ông (trình độ trung cấp về y học cổ truyền) lại khám, bán thuốc cho bệnh nhân. Tuy danh nghĩa là phòng khám nội nhưng cơ sở này hầu như chỉ khám bệnh cho trẻ em vào ngoài giờ hành chính. Bên cạnh đó, phòng khám này cũng làm trái quy định, bán thuốc mà không có đơn. Các viên thuốc không rõ nhãn mác cũng được chia nhỏ vào từng túi một.
Cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương
Theo báo cáo của Sở Y tế Hải Dương, tính đến hết tháng 10/2013, toàn tỉnh có 1.600 cơ sở hành nghề y dược tư nhân, qua kiểm tra phát hiện 300 cơ sở chưa có giấy phép hoạt động. Số cơ sở hoạt động tuy nhiều nhưng đa số có quy mô nhỏ lẻ, hoạt động manh mún. Trong khi đó, nhiều cơ sở hành nghề không ở trong tổ chức hoặc đơn vị nào nên việc quản lý các hoạt động này còn nhiều khó khăn. Nhân lực làm công tác quản lý hành nghề y dược ngoài công lập rất mỏng, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Phòng Y tế thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố đang thiếu nhân lực quản lý, đa số chỉ có từ 1 - 2 cán bộ (trừ Phòng y tế TP. Hải Dương) nên công tác quản lý hành nghề y dược ngoài công lập còn rất khó khăn. Khi tổ chức thanh tra, kiểm tra, Phòng y tế cũng không được trực tiếp xử phạt vi phạm hành chính nên hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra đối với Phòng y tế còn hạn chế. Hiện nay cũng chưa có quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về hành nghề y dược ngoài công lập trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Việc quản lý nhà nước về hành nghề y dược tư nhân ở những nơi này gặp rất nhiều khó khăn. Người hành nghề không có giấy phép cũng như vi phạm không được theo dõi, giám sát và xử lý kịp thời. Có cơ sở hành nghề sai phạm dù đã được Thanh tra Sở Y tế xử lý nhiều lần, yêu cầu đóng cửa ngừng hoạt động và giao cho địa phương theo dõi giám sát, nhưng sau một thời gian lại tiếp tục hoạt động.
Một số cơ sở hành nghề không có giấy phép hoạt động nhưng các xã, phường, thị trấn vẫn không xử lý được. Để gỡ khó cho lĩnh vực này thì rất cần có sự vào cuộc tích cực của tất cả cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân chứ không riêng gì trách nhiệm của ngành y tế. Người dân cũng cần nâng cao nhận thức, hiểu biết trong chăm sóc sức khỏe và phối hợp với cơ quan chức năng trong việc giám sát các cơ sở hành nghề.
Hải Hà