3 khoáng chất thiết yếu cho hệ miễn dịch khoẻ bạn không thể bỏ qua

04-09-2021 19:19 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Nâng cao sức đề kháng của bản thân chính là biện pháp bảo vệ sức khỏe hiệu quả nhất, đặc biệt là trong mùa dịch. Bổ sung đầy đủ dưỡng chất là điều thiết yếu giúp cơ thể khỏe mạnh. Ngoài các vitamin thiết yếu, dưới đây là 3 khoáng chất quan trọng giúp tăng cường miễn dịch.

Vitamin và khoáng chất:  Dùng thế nào cho an toàn?Vitamin và khoáng chất: Dùng thế nào cho an toàn?

SKĐS - Vitamin và khoáng chất là những chất dinh dưỡng thiết yếu, tham gia vào cấu tạo tế bào, chuyển hóa cung cấp năng lượng cũng như tất cả các hoạt động sống của cơ thể.

Kẽm - một khoáng chất duy trì hệ miễn dịch

Kẽm là một khoáng chất thiết yếu, nó tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng, duy trì hệ thống miễn dịch, phát triển và sửa chữa các mô cơ thể. Kẽm giúp hỗ trợ chức năng não bộ, duy trì lượng hormone trong cơ thể khỏe mạnh, tổng hợp ADN và protein, đồng thời tăng cường hệ miễn dịch. Nó cũng đóng vai trò quan trọng khoảng 300 loại enzym trong cơ thể. Hơn thế, nếu thiếu hụt kẽm sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến việc chậm phát triển, rối loạn chức năng tình dục, tiêu chảy và chậm lành vết thương.

3 khoáng chất quan trọng giúp tăng cường miễn dịch - Ảnh 2.

Khoáng chất và vitamin có sẵn trong thực phẩm.

Kẽm hỗ trợ hoạt động của các tế bào miễn dịch như bạch cầu trung tính và đại thực bào, do đó, thiếu kẽm có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng cao hơn. 

Mặc dù vẫn còn nhiều nghiên cứu mâu thuẫn, nhưng khoáng chất này được cho là có khả năng làm giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng liên quan đến cảm lạnh thông thường; ngăn chặn sự xâm nhập của virus vào tế bào và ngăn không cho virus sinh sôi trong cơ thể.

Theo nghiên cứu mới đây, các đặc tính kháng virus của kẽm có thể giúp cơ thể chống lại các loại virus tương tự như SAR-CoV2. Tuy nhiên, các nghiên cứu về kẽm và coronavirus vẫn còn trong giai đoạn sơ khai và cần rất nhiều nghiên cứu sâu hơn trên người trước khi đưa ra bất kỳ kết luận nào về mối liên quan giữa chúng.

Cơ thể không lưu trữ khoáng chất này, vì vậy cần được bổ sung qua đường ăn uống hàng ngày. Bạn có thể bổ sung một số nguồn thực phẩm giàu kẽm như: Thịt bò, gà, hạt bí ngô, hạt điều, đậu xanh, các loại hải sản như hàu, tôm, cua...

Sắt - khoáng chất cực kỳ quan trọng nếu thiếu gây nhiều bệnh

Sắt là một thành phần quan trọng, có tác dụng trong tổng hợp hemoglobin (chất vận chuyển oxy cho các tế bào trong cơ thể) và myoglobin (chất dự trữ oxy cho cơ thể). 

Ngoài ra, sắt còn tham gia vào thành phần một số enzyme oxy hoá khử như catalase, peroxydase và các cytochrome (những chất xúc tác sinh học quan trọng trong cơ thể). Nó đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất ra năng lượng oxy hoá, vận chuyển oxy, hô hấp của ty lạp thể và bất hoạt các gốc oxy có hại. 

3 khoáng chất quan trọng giúp tăng cường miễn dịch - Ảnh 3.

Thực phẩm giàu sắt.

Thiếu sắt thường gây ảnh hưởng đến miễn dịch qua trung gian tế bào hơn là miễn dịch dịch thể. Một hậu quả khác của thiếu sắt là nguy cơ hấp thu chì từ đường tiêu hóa sẽ cao, gây ra ngộ độc chì cho cơ thể.

Những người có nguy cơ cao bị thiếu sắt như: Nhu cầu cơ thể tăng trong một số giai đoạn tăng trưởng nhanh (phụ nữ, đặc biệt là ở phụ nữ có thai và trẻ em); do hấp thu sắt kém (nhiễm giun sán); dị ứng; kinh nguyệt… Khi thiếu sắt sẽ gây ra tình trạng thiếu máu thiếu sắt và ảnh hưởng đến hoạt động chuyển hoá của tế bào do thiếu hụt các men chứa sắt.

Tuy vậy, nếu thừa sắt trong cơ thể cũng gây hại. Thừa nhiều sẽ gây ra ứ đọng sắt tại các mô như tim, gan, tuyến nội tiết... dẫn đến rối loạn trầm trọng chức năng các cơ quan này.

Do đó, việc bổ sung sắt là cần thiết, nhưng tốt nhất là thông qua chế độ ăn hằng ngày. Nếu muốn bổ sung dạng thuốc, cần hỏi ý kiến của bác sĩ.

Selen – khoáng chất ảnh hưởng đến mọi thành phần của hệ miễn dịch

Selen (selenium) đóng vai trò thiết yếu trong men glutathione peroxidase, ảnh hưởng đến mọi thành phần của hệ miễn dịch, bao gồm sự phát triển và hoạt động của bạch cầu. Thiếu hụt selen gây ra ức chế chức năng miễn dịch; ức chế khả năng đề kháng chống nhiễm trùng... Ngược lại nếu bổ sung selen sẽ tăng cường phục hồi khả năng miễn dịch. 

Ngoài ra, selen còn có vai trò trong phục hồi cấu trúc di truyền, tham gia kích hoạt một số enzyme trong hệ thống miễn dịch, giải độc một số kim loại nặng.

Selen có trong các loại thực phẩm: Cá biển, tôm, thịt gà, hàu, các loại hạt…

3 khoáng chất quan trọng giúp tăng cường miễn dịch - Ảnh 4.

Thực phẩm giàu selen

Khi bổ sung các vitamin và khoáng chất dưới dạng các chế phẩm đường uống cần lưu ý:

- Điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày vẫn được ưu tiên hàng đầu để bổ sung vitamin và khoáng chất cho cơ thể một cách tự nhiên.

- Trong trường hợp cần bổ sung các chế phẩm đường uống, liều lượng vitamin và khoáng chất bổ sung cần không vượt quá nhu cầu tối đa của từng người trong từng giai đoạn phát triển.

- Việc sử dụng liều cao hơn liều khuyến cáo của nhà sản xuất nên được trao đổi với bác sĩ và dược sĩ để được tư vấn trước khi sử dụng.

- Kể cả bổ sung vitamin và khoáng chất, khi có bất kỳ biểu hiện bất thường nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế.

Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:

Quyết không để xuất hiện thêm ổ dịch mới, Hà Nội yêu cầu chỉ cá nhân “được phép mới ra đường”

* Mời độc giả xem tiếp bài: Mùa dịch sử dụng máy tính nhiều, bổ sung vitamin A như thế nào để bảo vệ mắt.

DS.Phạm Quỳnh Như
Ý kiến của bạn