1. Suy giảm hệ miễn dịch
Việc giảm cân quá nhanh, đặc biệt bằng cách nhịn ăn hoặc luyện tập quá sức, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ miễn dịch.
Mô mỡ trong cơ thể không chỉ là nơi tích trữ năng lượng mà còn chứa các tế bào miễn dịch như đại thực bào, đóng vai trò trong việc điều hòa viêm và duy trì cân bằng nội môi. Khi cơ thể bị thiếu hụt dinh dưỡng kéo dài, khả năng miễn dịch suy yếu rõ rệt. Hệ quả là bạn dễ mắc các bệnh ngoài da như mề đay, viêm da dị ứng, hay rối loạn miễn dịch, tình trạng hệ miễn dịch tấn công chính cơ thể mình.
Nhiều trường hợp ghi nhận người ăn kiêng cực đoan bị rụng tóc từng mảng, đau khớp, hoặc viêm các cơ quan nội tạng. Đây là những biểu hiện không dễ phục hồi và có thể để lại hậu quả lâu dài nếu không được điều trị kịp thời.

Một trong những cách giảm cân sai lầm phổ biến là nhịn ăn đột ngột hoặc loại bỏ hoàn toàn một nhóm thực phẩm.
2. Giảm cân nhưng tích mỡ – Hệ quả của nhịn ăn
Một trong những cách giảm cân sai lầm phổ biến là nhịn ăn đột ngột hoặc loại bỏ hoàn toàn một nhóm thực phẩm như tinh bột hoặc chất béo. Ban đầu, cân nặng có thể giảm nhanh nhưng chủ yếu là do cơ thể mất nước và khối cơ. Mỡ, thứ mà nhiều người muốn "đốt cháy" lại tồn tại lâu hơn do cơ chế sinh tồn của cơ thể.
Sau một thời gian, cơ thể sẽ tăng sản xuất ghrelin, hormone gây cảm giác đói, khiến người ăn kiêng thường xuyên rơi vào trạng thái thèm ăn, ăn uống không kiểm soát. Tình trạng này rất dễ dẫn đến hiệu ứng "yo yo" - giảm rồi lại tăng cân liên tục – gây áp lực lớn cho hệ tiêu hóa, nội tiết và tâm lý.
Đặc biệt, khi khối cơ giảm sút, tốc độ trao đổi chất chậm lại. Điều này khiến cơ thể dễ tích mỡ hơn, ngay cả khi lượng calo tiêu thụ không tăng nhiều. Tình trạng nhìn không mập nhưng tỷ lệ mỡ nội tạng và mỡ dưới da cao, không chỉ làm xấu vóc dáng mà còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường type 2 và rối loạn chuyển hóa.
3. Hệ lụy tâm lý
Bên cạnh những tác động đến thể chất, ăn kiêng cực đoan còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý. Nhiều người trở nên ám ảnh với cân nặng, soi xét ngoại hình thái quá, thậm chí mắc phải các rối loạn tâm thần như rối loạn ăn uống, trầm cảm hoặc lo âu xã hội.
Ngoài ra, việc thiếu hụt dinh dưỡng kéo dài có thể gây ra các biểu hiện như mất ngủ, thiếu năng lượng, cáu gắt, giảm khả năng tập trung và suy giảm hiệu suất làm việc, học tập. Những yếu tố này khiến chất lượng cuộc sống bị giảm đáng kể, ảnh hưởng đến các mối quan hệ cá nhân và công việc.
Một vấn đề đáng lo ngại khác là sự lan truyền của các chuẩn mực vẻ đẹp không thực tế trên mạng xã hội. Nhiều người trẻ theo đuổi hình mẫu gầy "da bọc xương", dẫn đến thói quen ăn kiêng phản khoa học, bỏ bữa thường xuyên hoặc sử dụng các biện pháp nguy hiểm như thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc, thải độc cấp tốc, truyền dịch giảm béo…

Một chế độ giảm cân lành mạnh cần có sự cân bằng giữa ba yếu tố: dinh dưỡng hợp lý, vận động đều đặn và nghỉ ngơi đầy đủ.
4. Hướng đến vóc dáng khỏe mạnh để giảm cân lành mạnh
Thay vì chạy theo cân nặng trên bàn cân, ngày càng nhiều người bắt đầu chú trọng đến tỷ lệ cơ – mỡ và sức khỏe chuyển hóa của cơ thể. Đây là một thay đổi tích cực giúp điều chỉnh lại tư duy giảm cân sai lệch trước đây.
Một chế độ giảm cân lành mạnh cần có sự cân bằng giữa ba yếu tố: dinh dưỡng hợp lý, vận động đều đặn và nghỉ ngơi đầy đủ. Không nên loại bỏ hoàn toàn tinh bột hay chất béo, mà cần lựa chọn thực phẩm chất lượng, ưu tiên protein tốt, rau xanh, chất béo không bão hòa và tinh bột chậm hấp thu.
Ngoài ra, luyện tập thể chất, đặc biệt là các bài tập tăng khối cơ như tập tạ, yoga hoặc cardio... giúp tăng cường trao đổi chất, cải thiện vóc dáng mà không làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Quan trọng nhất, hãy kiên nhẫn với cơ thể. Việc giảm cân là một quá trình dài hạn, không phải là cuộc đua ngắn ngày. Khi bạn chăm sóc bản thân đúng cách, kết quả sẽ đến một cách tự nhiên, không chỉ là vóc dáng đẹp mà còn là sự khỏe mạnh, an toàn.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Hệ lụy khi lạm dụng thuốc giảm cân và trà thải độc không rõ nguồn gốc.