3 động tác đơn giản phòng thoái hóa khớp cổ chân

SKĐS - Xoa bóp - bấm huyệt, tập luyện là một bước quan trọng trong phòng và điều trị thoái hóa khớp cổ chân giúp duy trì chất lượng cuộc sống tốt hơn để có thể “sống chung” với viêm khớp.

Động tác dang hai chân ra xa, nghiêng mình:

Chuẩn bị: chân đứng dang ra xa, hai tay buông xuôi.

Động tác: thở bằng vai rút lên cao, hít vô tối đa; giữ hơi và dao động bằng cách nghiêng mình một bên, tay bên ấy vuốt chân từ trên xuống tận mắt cá ngoài, tay bên kia vuốt hông từ đùi đến nách; rồi nghiêng mình qua bên kia tay cũng vuốt như trên; làm dao động từ 2 - 4 cái, xong đứng thẳng, thở ra triệt để. Làm như vậy từ 2 - 6 hơi thở.

Động tác xuống tấn lắc thân:

Chuẩn bị: xuống tấn là hai chân để song song với nhau, hoặc xiên một chút như hình chữ nhân và cách xa nhau bằng khoảng cách hai vai hay lớn hơn một chút, gối chùng xuống nhiều hay ít tùy sức của mình (yếu thì chùng ít, mạnh thì chùng nhiều), hai tay chéo nhau và lật bàn tay ra ngoài, đưa tay lên trời, đầu bật ra sau và ngó theo tay.

Động tác: hít vô tối đa; giữ hơi và dao động, thân lắc qua bên này thì tay lắc qua bên kia để giữ quân bình, lắc như vậy 2 - 6 cái; để tay xuống thở ra triệt để. Làm động tác trên 3 - 5 hơi thở.

Động tác xuống tấn quay mình:

Cũng xuống tấn và chéo tay như trên, quay qua một bên, hít vô tối đa và đưa tay lên, bật ngửa đầu mắt ngó theo tay; giữ hơi quay mình sang bên kia; thở ra triệt để và hạ tay xuống. Làm như vậy 2 - 6 hơi thở.

Cần tôn trọng nguyên tắc “tập không đau”. Các bài tập tùy theo từng khớp đau, bệnh nhân nên thảo luận với bác sĩ hay kỹ thuật viên phục hồi chức năng về nội dung tập luyện. Chỉ nên tự tập khi đã có sự hướng dẫn và quen với các thao tác tập. Các trợ cụ tập có thể hữu ích dưới sự hướng dẫn chuyên môn.

Nên đi khám chuyên khoa khớp khi thấy tiếng lạo xạo sau một chấn thương tại ổ khớp và kèm theo một số triệu chứng: sưng, nóng đỏ, đau, khó khăn khi vận động.

BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ


Ý kiến của bạn