Hà Nội

3 điều kiện để cấy ghép da tự thân điều trị bạch biến

14-06-2022 20:07 | Y tế
google news

SKĐS - Không phải bệnh nhân bạch biến nào cũng đủ điều kiện để ghép tế bào thượng bì tự thân không qua nuôi cấy.

Theo ThS.BS Hoàng Văn Tâm - Phó trưởng Khoa Điều trị nội trú ban ngày, Bệnh viện Da liễu Trung ương, ghép tế bào thượng bì tự thân không qua nuôi cấy để điều trị bệnh bạch biến là phương pháp dùng tế bào thượng bì (gồm tế bào hắc tố, gai, một số tế bào gốc) của chính cơ thể bệnh nhân ghép vào tổn thương bạch biến.

Bác sĩ lấy da ở vùng hông hoặc mặt trước đùi theo tỷ lệ 1/5 hoặc 1/10 nếu tổn thương rộng. Sau đó, miếng da này sẽ được đưa vào trong dung dịch, qua các công đoạn sẽ tách lấy tế bào thượng bì, nuôi dưỡng, đếm tế bào và ghép vào vùng da bị bạch biến (vùng da này sẽ được bào mòn bằng tay hoặc dùng laser). Tế bào ghép vào sẽ được dùng gạc cố định lại và tháo ra trong vòng một tuần...

3 điều kiện để cấy ghép da tự thân điều trị bạch biến - Ảnh 1.

Hiệu quả của bệnh nhân bạch biến sau 2 tháng điều trị bằng ghép da tự thân.

Đến nay Bệnh viện Da liễu Trung ương đã tiến hành ghép da tự thân điều trị bạch biến cho trên 100 bệnh nhân.

Phương pháp này được chỉ định thực hiện với các trường hợp mắc bạch biến ổn định ít nhất 1 năm, nghĩa là trong vòng 1 năm bệnh nhân không có tổn thương mới nào hoặc tổn thương cũ không lan rộng.

Ngoài ra, bệnh nhân không có hiện tượng Kobner, tức là không xuất hiện tổn thương bạch biến ở vùng chấn thương. Điều kiện thứ ba là bệnh nhân không có tiền sử sẹo lồi do chấn thương.

Hưởng ứng Kỷ niệm Ngày Bạch biến Thế giới (25/6), Bệnh viện Da liễu Trung ương tổ chức nhiều hoạt động hướng đến người bệnh. Đặc biệt, từ 1/6 đến 31/7, bệnh viện quyết định giảm 50% cho dịch vụ cấy ghép da tự thân cho 10 bệnh nhân bạch biến đủ điều kiện điều trị.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương, bạch biến là một rối loạn sắc tố gây ra các đốm, mảng da trắng bất thường do bị mất màu da, có thể gặp ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể. Bệnh này không lây nhiễm. 

Bệnh xuất hiện ở mọi loại da, mọi lứa tuổi và tần suất như nhau giữa nam giới và nữ giới. Nhiều ca bệnh xuất hiện sớm chỉ 6 tuần sau khi sinh và có những ca sau 80 tuổi.

Dù đã có nhiều tiến bộ trong quản lý, điều trị nhưng hiện nay chưa có phương pháp chữa trị bệnh này triệt để. Các phương pháp có thể điều trị hiệu quả về triệu chứng tùy vào vị trí, diện tích da bệnh, tuổi tác, điều kiện kinh tế của người bệnh như: thuốc uống, thuốc bôi, liệu pháp ánh sáng, laser, cấy ghép tế bào thượng bì,…

Nguyên tắc chăm sóc da hàng đầu đối với người mắc bạch biến là tránh nắng hiệu quả, bên cạnh đó giới hạn các chấn thương cơ học trên da vì có thể làm phát sinh thêm thương tổn mới tại vị trí bị chấn thương.

Bệnh bạch biến có nguy hiểm không, cách nào để chữa?Bệnh bạch biến có nguy hiểm không, cách nào để chữa?

SKĐS - Bệnh bạch biến khiến một vùng da trên cơ thể bị mất màu (đổi thành màu trắng) do mất chất hắc tố da (melanin). Vùng da mất màu (bạch biến) này có thể tăng theo thời gian khiến bệnh nhân thêm lo âu và mất tự tin. Bệnh này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ vùng da nào trên cơ thể.

 


T.Nguyên
Ý kiến của bạn