Hà Nội

3 điều cha mẹ cần biết trước khi cho trẻ dùng men vi sinh

11-08-2024 14:05 | Dược

SKĐS - Việc sử dụng men vi sinh cho trẻ em có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tiêu hóa, nhưng sử dụng không đúng cách, sử dụng lâu dài không có chỉ dẫn của bác sĩ có thể tiềm ẩn một số nguy cơ…

1. Có nên thường xuyên cho trẻ uống men vi sinh?

Men vi sinh, hay còn gọi là probiotics, là các vi sinh vật sống có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là hệ tiêu hóa. Khi được tiêu thụ với lượng đủ, men vi sinh giúp duy trì hoặc khôi phục cân bằng vi sinh vật trong đường ruột, từ đó hỗ trợ chức năng tiêu hóa, tăng cường hệ miễn dịch.

Men vi sinh cũng hỗ trợ làm giảm các tình trạng khó chịu như đầy hơi, táo bón và tiêu chảy. Vì vậy, nhiều bậc cha mẹ muốn cải thiện chức năng tiêu hóa, tăng cảm giác thèm ăn cho con nên nghĩ rằng có thể cho con uống men vi sinh lâu dài. Nhưng men vi sinh không thể dùng lâu dài mà chỉ có thể dùng một cách thích hợp.

3 điều cha mẹ cần biết trước khi cho trẻ dùng men vi sinh- Ảnh 1.

Để tăng cảm giác thèm ăn cho con nên nhiều cha mẹ lạm dụng cho con uống men vi sinh lâu dài.

Sử dụng quá nhiều men vi sinh có thể dẫn đến mất cân bằng hệ vi sinh trong đường ruột của trẻ, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hoặc gây ra các vấn đề tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón hoặc đau bụng. 

Ngoài ra, sử dụng lâu dài còn khiến chức năng tiêu hóa của trẻ phụ thuộc vào men vi sinh.

Cho trẻ em dùng men vi sinh cũng không phải là không có rủi ro. Trẻ có hệ miễn dịch suy yếu việc lạm dụng men vi sinh có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng, vì vi sinh vật trong men vi sinh có thể phát triển quá mức hoặc tấn công cơ thể. 

Vì vậy hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa trước khi cho trẻ dùng thực phẩm bổ sung men vi sinh.

2. Men vi sinh không điều trị được nguyên nhân gây táo bón

Có nhiều nguyên nhân góp phần gây táo bón ở trẻ em như chế độ ăn uống thiếu chất xơ, thiếu nước, lối sống ít vận động, căng thẳng, hoặc do một số bệnh lý nhất định.

Mặc dù men vi sinh có thể là một phần của giải pháp điều trị táo bón, nhưng chúng sẽ không có tác dụng điều trị nguyên nhân gốc rễ của triệu chứng này. Men vi sinh không thể giải quyết các vấn đề có thể phát sinh từ chế độ ăn ít chất xơ, không dung nạp thức ăn hoặc mất nước.

Bác sĩ nhi khoa sẽ cần khám cho trẻ, xác định nguyên nhân và lập kế hoạch để điều trị, ngăn ngừa táo bón cho trẻ.

3 điều cha mẹ cần biết trước khi cho trẻ dùng men vi sinh- Ảnh 2.

Trẻ em khỏe mạnh và có chế độ ăn uống cân bằng thường không cần bổ sung men vi sinh.

3. Những lưu ý khi dùng men vi sinh 

Mặc dù men vi sinh rất hữu ích cho sức khỏe đường tiêu hóa nhưng không nên sử dụng một cách mù quáng và không có nghĩa là bổ sung bất cứ khi nào bạn muốn. Việc cho trẻ uống men vi sinh cần được cân nhắc cẩn thận, dựa trên nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe của trẻ, nhu cầu cụ thể và hướng dẫn của bác sĩ.

Trẻ em khỏe mạnh và có chế độ ăn uống cân bằng thường không cần bổ sung men vi sinh. Hệ tiêu hóa của trẻ đã có khả năng tự duy trì cân bằng vi sinh vật tự nhiên.

Vì tác dụng lâu dài của men vi sinh đối với trẻ em vẫn chưa được biết rõ, không nên sử dụng thực phẩm bổ sung men vi sinh như một biện pháp phòng ngừa, trừ khi được bác sĩ khuyến nghị. 

Thay vào đó, hãy bổ sung các thực phẩm giàu men vi sinh như sữa chua và các loại thực phẩm lên men khác vào chế độ ăn của trẻ để giúp duy trì hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh.

Tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa trước khi cho trẻ dùng men vi sinh, nhất là với các trẻ mắc các bệnh lý mạn tính hoặc bệnh lý đường tiêu hóa như viêm ruột, hội chứng ruột kích thích, bệnh lý tim mạch, hoặc suy gan, thận.

Trẻ dưới 6 tháng tuổi, hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa còn rất non nớt, việc sử dụng men vi sinh ở độ tuổi này cần phải có sự chỉ định của bác sĩ.

Ai không nên sử dụng men vi sinh?Ai không nên sử dụng men vi sinh?

SKĐS – Sức khỏe của đường tiêu hóa liên quan đến sức khỏe tổng thể. Vì vậy, nhiều người lựa chọn bổ sung men vi sinh để duy trì chức năng của đường tiêu hóa, tăng cường sức khỏe nhưng ai không nên dùng?

Mời xem thêm video được quan tâm:

Bị táo bón nên ăn 5 thực phẩm này để cải thiện tiêu hóa | SKĐS

DS. Nguyễn Thị Mến
Ý kiến của bạn