Trước thi sĩ này ta không chỉ kính trọng, mà còn thấy được một ý nghĩa sống, một phong cách nào đó, không quá lớn, nhưng khiến mình muốn vươn tới.
Vận động liên tục
Trước tiên, đó là ở dáng vẻ của bà. Nữ thi sĩ đã hơn 70 tuổi, nhưng dáng bà vẫn thẳng tắp, làn da mịn và căng, đặc biệt là nụ cười của bà với khuôn mắt cong đáng yêu luôn làm bừng lên trong lòng người đối diện một niềm vui dễ tỏa lan và đồng điệu.
Bà không còng chút nào, cũng chẳng đau xương khớp hay sao? Trả lời cho câu hỏi của tôi, bà cười, bảo rằng không hiểu trời thương hay sao, mà bà chẳng bị những bệnh của người già hành hạ chút nào. Chẳng đau mỏi người, đêm ngủ vẫn ngon giấc, tinh thần sảng khoái, trong khi người em ít tuổi hơn bà lại luôn bị các bệnh mạn tính của người già hành hạ.
Nữ thi sĩ là người hay vận động, vận động liên tục. Có thể đây cũng là một lý do khác cho sức khỏe của bà, ngoài lý do mà bà gọi là “trời phú” chăng. Bà thích bơi lội, ngày nào cũng bơi. Ngoài ra, bà còn đạp xe đều đặn như ăn cơm, uống nước hằng ngày. Mỗi ngày bà đạp xe trung bình 12km. Bà đạp xe cùng bạn thơ văn, như nhà thơ Trần Đăng Khoa chẳng hạn. Họ thường chọn khu vực quanh hồ Tây, vừa mát, vừa lãng mạn. Sáng nào cũng gặp nhau, đạp xe loanh quanh cho mồ hôi túa ra rồi tìm một quán mát mẻ, ăn sáng, uống trà và đàm đạo chuyện văn chương, chuyện đời, đọc cho nhau nghe bài thơ mới viết, há lại chẳng vui tuyệt đỉnh hay sao.
Thậm chí, khi chẳng rủ được ai cùng đạp xe quanh Hồ Tây thì nữ thi sĩ vẫn đạp xe một mình. Cái một mình này, trong lúc chân guồng đều đều, gió phớt bên tai, khiến bà có thể chìm sâu vào một tứ thơ nào đó bất chợt ùa đến, hoặc lan man trong một hoài niệm, hoặc đơn giản là thanh thản, chẳng nghĩ ngợi gì, như một cách thiền động tinh khiết.
Trong ăn uống, thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn không kiêng khem gì nhiều. Thậm chí là chẳng kiêng khem, vì bà không có bệnh mạn tính. Với bà, thức ăn là quà tặng của thiên nhiên ban cho, tại sao lại đừng ăn cái nọ, cấm ăn cái kia. Chỉ có điều, khi ăn thì không tham, không ăn quá nhiều. Bà ăn với tâm niệm thưởng thức và biết ơn, trân trọng thức ăn. Bà thậm chí cũng không kiêng những đồ uống có cồn. Hôm ấy, tôi hân hạnh được bà mời đi xem phim cùng, được bà chiêu đãi bữa tối tại một nhà hàng rất phong cách trên đường Thái Hà. Bản thân tôi phải kiêng bia, nước ngọt, dù tôi chỉ bằng tuổi con gái bà, nhưng bà lại thoải mái uống bia nhắm với thịt nướng. Nhìn bà thoải mái thưởng thức món ăn ngon, bia mát lạnh, ánh mắt óng lên vui vẻ, chính tôi cũng thấy có chút ghen tị với bà. Và trong chính lúc đó, tôi chợt nhận ra một điều kỳ lạ, rằng không có chút bụi vương quá khứ hay tương lai nào có thể bám dính vào bà, trong khoảnh khắc ấy. Và nó là bất tử.
Nữ sĩ Phan Thị Thanh Nhàn (thứ hai từ trái sang) cùng các nữ văn sĩ tại Hà Nội.
Không dán nhãn cho sự vật, hiện tượng
Nữ thi sĩ cũng trẻ hơn rất nhiều so với tuổi của mình trong cách tư duy. Bà yêu và không ngại bày tỏ tình yêu, khi tình yêu ra đi, bà không níu kéo, không tiếc nuối, không giấu giếm. Bà làm thơ tình cũng hay, mà thơ thất tình lại càng hay hơn nữa. Đó là điều độc đáo của nữ thi sĩ này. Thơ cũng chính là cuộc sống của bà hiển hiện bằng những con chữ, nhạc điệu. Chồng bà qua đời đã hơn 40 năm, bà ở cùng con gái. Bà không chút tự định kiến gì về mất mát này. Có sinh thì có tử, đó là điều tự nhiên của cuộc sống. Khi nó xảy ra sớm, thì cũng không định kiến rằng đó là điều không may, khi ai đó sống trường thọ, thì cũng không tự đắc rằng may mắn. Bà không dán nhãn lên sự vật hiện tượng xảy ra xung quanh mình và với cách đó, bà tự do, thoát khỏi mọi ám ảnh đau đớn đời thường.
Bà không ngần ngại nhận rằng sau khi chồng qua đời, khi ấy bà mới ngoài 30, còn trẻ đẹp, bà cũng có những mối tình khác, có những điều kiện có thể thành hôn với người yêu, nhưng rồi bà đã không làm thế. Bà không muốn có thêm trách nhiệm với một gia đình nữa. Sống với con gái, vẫn giữ trách nhiệm với nhà chồng dù chồng qua đời đã hơn bốn thập niên, với bà, như thế là quá đủ rồi. Cuộc đời của con người quá ngắn, cần biết lựa chọn và dành bản thân mình cho những việc gì. Bà chọn việc yêu, việc viết, việc chơi, việc sống an lạc trong ngôi nhà gần Hồ Tây với con gái của mình. Những mối tình với đàn ông, đến rồi đi, như làn gió mát, như con sóng, đám mây trên bầu trời, không thể xáo trộn hoặc khuấy động sự an lạc trong đời sống của nữ thi sĩ, có chăng, chỉ là đem tới những món quà tặng đặc biệt cho bà, là những cảm xúc đẹp, thăng hoa thành những bài thơ, để bà đem tặng lại cuộc đời.
Do đó, bà vẫn viết bất kể tuổi tác. Cái tên Phan Thị Thanh Nhàn vẫn được trân trọng trên các báo lớn. “Nếu muốn đặt cái tản văn ngọt ngào, hay chân dung một văn nghệ sĩ danh tiếng từ thời xưa, cứ nhờ vả nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, là sẽ có được một bài thật đắc địa” - nhà báo Hữu Việt cho biết. Bà thường viết những bài giá trị, vào những dịp kỷ niệm lớn, bởi những cảm xúc và chất liệu về đất nước, về con người thời bà đã sống, đã yêu và viết sung sức nhất vẫn ắp đầy trong tâm trí thi sĩ. Chỉ cần khơi lên một chữ có sức gợi là lập tức mạch nguồn tuôn chảy, bà sẽ nói, và sẽ viết, khó có thể hay hơn, về một thời xưa cũ, thời “Hương thầm” tuy bay xa mà làn hương vẫn vương mãi.
Hôm ấy, được bà mời ăn tối, tôi cũng được bà cho biết ba chữ C bí mật của mình, khiến bà luôn vui, trẻ, yêu đời phi thời gian. Đó là ba chữ “chơi chờ chết”. Tôi thực sự bất ngờ, nhưng bà không đùa. Hoặc là bà vẫn hay bông đùa thế. Một người luôn biết chơi đùa với cuộc đời của mình, thì mãi trẻ.