Các cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa
Bộ GD&ĐT chính thức trao quyền quyết định chọn sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục (trước đây là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) theo quy định tại Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT. Chính sách này chính thức có hiệu lực từ ngày 12/2.
Bộ GD&ĐT quy định hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục do Hiệu trưởng cơ sở giáo dục hoặc Giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên, Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, người đứng đầu các cơ sở giáo dục thành lập.
Mỗi cơ sở giáo dục thành lập 1 hội đồng lựa chọn sách giáo khoa. Hội đồng chọn sách giáo khoa do trường thành lập gồm: hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên, đại diện ban phụ huynh. Số lượng thành viên là số lẻ, tối thiểu 11 người. Các trường có quy mô dưới 10 lớp thì số lượng thành viên hội đồng tối thiểu 5 người.
Bộ quy định người đã tham gia biên soạn, xuất bản, tin, phát hành sách giáo khoa và người thân của những người này; người làm ở các nhà xuất bản, các tổ chức có sách giáo khoa không được tham gia hội đồng.
Việc lựa chọn sách giáo khoa dựa trên các nguyên tắc: Lựa chọn sách giáo khoa trong danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục. Mỗi khối lớp lựa chọn 1 sách giáo khoa cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục được thực hiện ở cơ sở giáo dục. Việc lựa chọn sách giáo khoa bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, vì quyền lợi của học sinh.
Bằng tốt nghiệp THCS không còn ghi xếp loại
Từ ngày 15/2, Thông tư 31/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về Quy chế xét công nhận trung học cơ sở sẽ có hiệu lực.
Theo Quy chế mới, các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS sẽ tổ chức xét công nhận tốt nghiệp nhiều nhất hai lần. Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ nhất được thực hiện ngay sau khi kết thúc năm học. Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ hai (nếu có) được thực hiện trước khai giảng năm học mới.
Các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS tổ chức xét công nhận tốt nghiệp ít nhất 1 lần ngay sau khi kết thúc năm học.
Theo quy định mới, bằng tốt nghiệp THCS không còn ghi xếp loại giỏi, khá, trung bình như quy định cũ. Học sinh được công nhận tốt nghiệp THCS nếu không quá 21 tuổi, đã hoàn thành Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS hoặc Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS, có đầy đủ hồ sơ dự xét công nhận tốt nghiệp.
Về quy trình xét tốt nghiệp THCS, trưởng Phòng GD&ĐT thành lập Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp của mỗi trường, gồm: Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm lớp 9, đại diện Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hoặc Tổng phụ trách Đội.
Thành viên của hội đồng có ít nhất 7 người, phải là số lẻ. Hội đồng sẽ kiểm tra hồ sơ học sinh, lập danh sách những em đủ điều kiện tốt nghiệp THCS và phê duyệt. Dựa vào danh sách này, Phòng GD&ĐT ra quyết định công nhận tốt nghiệp THCS và cấp bằng cho học sinh.
Không đào tạo từ xa với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, đào tạo giáo viên
Thông tư 28/2023/TT-BGDĐT ban hành Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học của Bộ GD&ĐT có hiệu lực từ ngày 12/2, áp dụng đối với các khóa tuyển sinh hình thức đào tạo từ xa trình độ đại học sau ngày thông tư này có hiệu lực thi hành.
Theo Quy chế, hình thức đào tạo từ xa là hình thức đào tạo có 50% tổng khối lượng của chương trình đào tạo trở lên được thực hiện theo một hoặc kết hợp giữa phương thức đào tạo từ xa Mạng máy tính và viễn thông, Thư tín, Phát thanh - Truyền hình.
Chương trình đào tạo từ xa là chương trình đào tạo đang áp dụng cho hình thức chính quy ngành đào tạo tương ứng của cơ sở đào tạo, được điều chỉnh và mô tả cụ thể trong đề cương chi tiết của mỗi học phần cho phù hợp với hình thức đào tạo từ xa về phương pháp dạy - học, thời lượng dạy - học, học liệu, đánh giá kết quả học tập, trong đó yêu cầu sử dụng chủ yếu phương thức Mạng máy tính và viễn thông.
Chương trình đào tạo từ xa có kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa theo các tiến độ học tập khác nhau để định hướng cho người học, trong đó tổng thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khoá không ngắn hơn so với hình thức đào tạo chính quy.
Đối với người học liên thông đã được miễn trừ khối lượng tín chỉ tích lũy, thời gian tối đa để người học hoàn thành khóa học được xác định trên cơ sở thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khoá giảm tương ứng với khối lượng được miễn trừ.
Chương trình đào tạo từ xa phải được công khai đối với người học trước khi tuyển sinh và khi bắt đầu khóa học; những thay đổi, điều chỉnh liên quan đến chương trình đào tạo được thực hiện theo quy định hiện hành và công bố trước khi áp dụng, không gây tác động bất lợi cho người học. Hàng năm, cơ sở đào tạo tổ chức rà soát, đánh giá và cập nhật chương trình đào tạo từ xa.
Cơ sở đào tạo thực hiện chương trình đào tạo từ xa đối với những ngành đã có quyết định mở ngành đào tạo và đã tuyển sinh tối thiểu 3 khoá liên tục theo hình thức chính quy. Đặc biệt, không thực hiện đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên.