1. Dùng gừng trị buồn nôn
Củ gừng từ lâu đã được sử dụng để chống buồn nôn. Gừng có chứa các chất như gingerols và shogaols, có hiệu quả trong việc ngăn ngừa buồn nôn và nôn bằng cách ngăn chặn các hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine và serotonin trong cơ thể. Acetylcholine kích hoạt các cơn co thắt dạ dày không tự chủ, trong khi serotonin có thể kích thích phản xạ nôn. Bằng cách ngăn chặn các hóa chất này hoạt động, bạn có thể tăng khả năng phản ứng tiêu hóa và đẩy nhanh quá trình làm rỗng dạ dày, có thể làm giảm buồn nôn.
Bạn có thể nhâm nhi trà gừng, ăn súp gừng hoặc dùng thực phẩm bổ sung gừng để giảm buồn nôn và nôn.
Lưu ý rằng, gừng có thể gây ra tác dụng phụ, bao gồm ợ nóng khi tiêu thụ với số lượng lớn; thận trọng đối với người đang sử dụng thuốc làm loãng máu vì gừng có thể tương tác với những loại thuốc này; phụ nữ mang thai nên tránh dùng viên bổ sung gừng gần thời điểm chuyển dạ vì có thể làm tình trạng chảy máu trở nên tồi tệ hơn. Phụ nữ mang thai có tiền sử sảy thai hoặc rối loạn đông máu cũng nên tránh dùng gừng. Ngoài ra, hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thêm thực phẩm bổ sung mới vào chế độ ăn uống.

Gừng có hiệu quả trong việc ngăn ngừa buồn nôn và nôn.
2. Bấm huyệt trị buồn nôn
Bấm huyệt cũng là giải pháp tốt trị nôn và buồn nôn (từ nhẹ đến trung bình). Bấm huyệt là sử dụng ngón tay hoặc thiết bị khác, tạo áp lực lên một vùng (điểm) cơ thể, giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Bấm huyệt hoạt động bằng cách thay đổi các thông điệp đau mà các dây thần kinh gửi đến não.
Huyệt nội quan (rãnh giữa hai gân lớn ở mặt trong cổ tay bắt đầu từ gốc lòng bàn tay) là huyệt có tác dụng trị nôn.
Để tìm điểm huyệt này trên cổ tay trái:
- Đặt ba ngón tay đầu tiên của bàn tay phải lên cổ tay trái, đặt ngay bên dưới nếp gấp cổ tay.
- Sau đó đặt ngón cái của bàn tay phải bên dưới các ngón tay này, tìm khoảng trống giữa hai gân lớn chạy xuống cổ tay.
- Dùng ngón tay cái ấn mạnh vào điểm huyệt này.
Khi lưu lượng máu giảm ở dạ dày hoặc não, các dây thần kinh ruột sẽ bị kích hoạt, có thể dẫn đến buồn nôn. Việc ấn vào điểm huyệt này trên cổ tay được cho là giúp các cơ dạ dày thư giãn và cũng cải thiện lưu lượng máu.
3. Dùng bạc hà trị buồn nôn
Bạc hà có tác dụng làm dịu thần kinh và thư giãn các cơ ở đường tiêu hóa, giúp ngăn ngừa các cơ dạ dày bị co thắt.
Một số cách dùng bạc hà giảm buồn nôn:
- Trà bạc hà: Một trong những cách phổ biến và dễ chịu nhất để sử dụng bạc hà giảm buồn nôn là uống một tách trà bạc hà. Ngâm lá bạc hà tươi hoặc túi trà bạc hà trong nước nóng từ 5-10 phút. Trà ấm giúp thư giãn các cơ tiêu hóa, giảm co thắt và giảm cảm giác buồn nôn.

Trà bạc hà giảm cảm giác buồn nôn.
- Sử dụng tinh dầu bạc hà: Tinh dầu bạc hà là một lựa chọn hiệu quả để điều trị buồn nôn thông qua liệu pháp hương thơm. Nhỏ vài giọt tinh dầu bạc hà vào máy khuếch tán hoặc bát nước nóng và hít mùi hương. Các hợp chất thơm trong bạc hà có thể kích thích hệ thống limbic (các dây thần kinh và mạng lưới trong não), thúc đẩy sự thư giãn và giảm buồn nôn do căng thẳng.
- Kẹo, viên ngậm bạc hà: Kẹo, viên ngậm hương bạc hà có thể là một cách sảng khoái để giảm buồn nôn và làm thơm hơi thở (hãy chọn các lựa chọn tự nhiên, không đường).
- Thực phẩm bổ sung thảo dược bạc hà: Bạc hà cũng có sẵn ở dạng thực phẩm bổ sung, chẳng hạn như viên nang hoặc viên nang mềm, cung cấp liều lượng chuẩn của các hợp chất hoạt tính. Dùng trước hoặc sau bữa ăn, các chất bổ sung này có thể hỗ trợ tiêu hóa và ngăn ngừa buồn nôn, đặc biệt là sau khi ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ hoặc chất béo. Tuy nhiên đối với dạng thực phẩm bổ sung cần trao đổi với bác sĩ trước khi thêm vào chế độ ăn uống.
Mời bạn xem thêm video:
Điều trị nôn, tiêu chảy cấp ở trẻ em - Những sai lầm cần tránh I SKDS