3 cách giảm đau vai gáy cho dân văn phòng

24-11-2023 13:46 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Do tính chất công việc phải ngồi lâu và tiếp xúc nhiều với máy tính, dân văn phòng thường gặp các vấn đề đau vai gáy, cột sống. Vậy cần làm gì để khắc phục tình trạng này?

Đau vai gáy là tình trạng các cơ bắp bị đau nhức gây khó khăn trong việc cử động ở vùng cổ, vai do cơ căng ra.

Vì sao dân văn phòng bị đau vai gáy?

Dân văn phòng thường gặp tình trạng đau vai gáy do phải làm việc trong thời gian dài và ít vận động dẫn tới việc tuần hoàn máu bị suy giảm. Khi ngồi lâu, cột sống duy trì ở một tư thế cố định sẽ gây ảnh hưởng lên các vùng cổ vai gáy. Bên cạnh đó, việc ngồi lâu không vận động có thể gây ra tình trạng ngồi sai tư thế nhất là ngồi gập cổ khi dùng máy tính.

Ngoài ra, một số bệnh lý về xương khớp như thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm, chấn thương… hay việc vận động, hoạt động sai tư thế cũng có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng đau vai gáy.

PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Kim Liên giải đáp vì sao dân văn phòng hay bị đau vai gáy.

3 cách giảm đau vai gáy cho dân văn phòng

Làm cách nào để dân văn phòng không bị đau vai gáy? Sau đây là 3 cách đơn giản để hạn chế đau vai gáy cho dân văn phòng:

- Sau khoảng 45-55 phút làm việc, dân văn phòng nên đứng dậy vận động nhẹ nhàng trong khoảng 5-10 phút.

- Điều chỉnh tư thế ngồi đúng. Việc ngồi sai tư thế khi làm việc, sử dụng máy tính như cúi gập người quá lâu có thể gây ra tình trạng đau vai gáy.

- Tập thể dục hàng ngày. Trung bình mỗi tuần, dân văn phòng nên tập luyện tối thiểu 150 phút trong đó có 2 ngày nên tập với cường độ cao, vã mồ hôi. Việc tập luyện thể thao đều đặn giúp tạo ra sự cân bằng giữa các cơ, cân bằng thể chất giúp cơ thể không bị thoái hóa sớm.

3 cách giảm đau vai gáy cho dân văn phòng- Ảnh 1.

Một số động tác vận động tại chỗ dễ thực hiện cho dân văn phòng để tránh đau mỏi vai gáy.

Đau vai gáy khi nào cần đi khám?

Tình trạng đau vai gáy thường xuất hiện vào buổi sáng sau khi thức dậy. Người bệnh có thể cảm thấy cơn đau lan từ vai xuống cánh tay. Cơn đau tăng lên nếu đi lại hoặc ngồi lâu thậm chí cả khi ho, hắt hơi hoặc thời tiết thay đổi. Khi nghỉ ngơi, cơn đau giảm xuống.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp bệnh nhân đau vai gáy có thể kèm theo hoa mắt, chóng mặt hoặc vùng cổ vai bị đau mỏi, co thắt và khó khăn khi cử động.

Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể gặp tình trạng đau, căng cứng vùng cổ. Lúc này bệnh nhân cần tới cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.

- Nếu đau vai gáy cấp tính, bệnh nhân nên nghỉ ngơi và tuân theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh việc dùng thuốc và/hoặc vật lý trị liệu giúp giảm đau tại chỗ, bệnh nhân có thể phối hợp thêm phương pháp phục hồi chức năng cho vùng cổ vai và tay. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần phải thay đổi chế độ sinh hoạt, tập luyện để hiệu quả hơn.

- Nếu chỉ mới là đau cơ thông thường, bệnh nhân cần tuân thủ các phương pháp tập luyện, hướng dẫn của bác sĩ để cân bằng lại các cơ.

3 cách giảm đau vai gáy cho dân văn phòng- Ảnh 2.

Việc ngồi làm việc trước máy tính nhiều giờ có thể gây ảnh hưởng đến các cơ vùng lưng, hông, cổ và vai, nhất là dân văn phòng.

- Nếu trường hợp bệnh nặng, có dấu hiệu đau mỏi nhiều, bệnh nhân cần thực hiện vật lý trị liệu để kéo giãn cột sống và giúp mềm, giãn các cơ ở vùng cổ vai.

- Trường hợp nặng, các cơn đau mỏi kéo dài và tình trạng đau tăng lên có thể cần áp dụng phương pháp phục hồi chức năng, thuốc và vật lý trị liệu.

Trong trường hợp bệnh nhân xuất hiện đau mỏi vai gáy kèm tê bì chân tay tuy đã điều trị đúng theo hướng dẫn trong khoảng từ 3-6 tháng nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm, các bác sĩ sẽ cân nhắc việc can thiệp bằng phẫu thuật.

Các địa chỉ khám đau vai gáy

Ngay khi xuất hiện tình trạng đau vai gáy, người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn liệu trình phù hợp với từng người.

  • - Khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) – địa chỉ: Số 16-18 Phủ Doãn, Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • - Khoa Nội cơ, xương khớp (Bệnh viện Trung ương quân đội 108) – địa chỉ: Số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội
  • - Khoa Cơ xương khớp (Bệnh viện Bạch Mai) – địa chỉ: Tầng 2 nhà P, số 78 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội
  • - Trung tâm Cơ xương khớp (Bệnh viện E) – địa chỉ: Số 89 Trần Cung, Cầu Giấy, Hà Nội.
  • - Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương) – địa chỉ: Số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm – Hai Bà Trưng – Hà Nội.

Xem thêm video được quan tâm:

Đau cổ vai gáy: Nguyên nhân, điều trị và đề phòng như thế nào? | SKĐS


PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Kim Liên
Trưởng khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Ý kiến của bạn