3 cách giải cảm mùa hè cực hữu hiệu, bạn nên áp dụng

11-06-2018 13:49 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Ăn đồ quá nóng, quá lạnh; ăn thức ăn nhanh hay không bù đủ nước cho cơ thể sẽ khiến bạn mệt mỏi hơn khi đang bị cảm cúm.

ThS. Lê Thị Hải, Nguyên GĐ TT Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh Dưỡng Quốc gia tư vấn, áp dụng một chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ giúp cho tình trạng cảm cúm của bạn trong ngày hè nóng nực giảm đi rất nhanh chóng.

Không ăn đồ quá nóng, quá lạnh

Theo ThS. Hải, nếu bị cảm cúm hay cảm lạnh vào mùa đông ăn đồ nóng là rất tốt. Còn về mùa hè, những người thường xuyên bị cảm cúm hoặc đang bị cảm cúm, cần ăn đồ âm ấm, tuyệt đối không ăn đồ lạnh. Nếu đang đi nóng về mà chúng ta ăn kem, uống nước đá, nhiệt độ cơ thể thay đổi đột ngột làm bị bệnh hoặc làm bệnh nặng thêm. Nên uống nước ở nhiệt độ phòng sẽ tốt cho sức khoẻ hơn.

Khi chúng ta bị cảm cúm chúng ta cần ăn các thực phẩm có tính ấm như gừng, xả rất tốt, nhất là vào mùa đông. Nhưng vào mùa hè, nếu ăn các thực phẩm này có thể không tốt cho sức khoẻ, vì đây là những loại gia vị làm chúng ta bớt triệu chứng, chủ yếu là cho bệnh cảm lạnh mà thôi. Tác nhân cảm cúm là do virus, tốt nhất nên có chế độ dinh dưỡng, tăng sức đề kháng để phòng bệnh. Vào mùa hè có thể ăn thức ăn nguội hơn, nhưng không nên uống nước đá, ăn quá lạnh. Nếu đã mắc bệnh nên uống thuốc, không nhất thiết phải uống nước gừng, nếu bạn bị sốt mà uống thêm nước gừng thì rất nguy hiểm tới sức khoẻ.

Chúng ta đều biết, tác nhân gây bệnh cảm cúm là gặp lạnh, như thói quen uống nước lạnh, ăn kem. Với nước chanh, bạn không cần pha nước ấm, chỉ cần dùng nước ở nhiệt độ phòng là đủ, tuyệt đối không uống lạnh, không nên cho đá. Với các loại nước giàu vitamin C không nhất thiết phải uống nước cam, chanh không. Hầu hết các loại hoa quả khác đều rất nhiều  vitamin C như đu đủ, chuối...

Không nên ăn đồ ăn nhanh

Với trẻ bị cảm cúm rất dễ biếng ăn, có trẻ ăn bị nôn. Mẹ càng ép trẻ ăn vì sợ con đói, con lả đi, hay suy dinh dưỡng càng khiến trẻ sợ. Lời khuyên ThS. Hải là, cha mẹ không ép trẻ ăn, nên chia nhỏ bữa ăn. Nấu những món ăn lỏng, mềm, dễ tiêu, tăng cường dinh dưỡng. Cha mẹ cũng đừng quá lo lắng, bởi sau giai đoạn ốm trẻ sẽ ăn trả bữa, hồi phục rất nhanh.


Đa số trẻ em ngày nay thích các loại thức ăn nhanh. Về khía cạnh dinh dưỡng, vị chuyên gia dinh dưỡng này khuyên các bậc phụ huynh nên hạn chế, hoặc không nên cho cháu ăn đồ ăn nhanh. Thức ăn nhanh rất giàu chất béo transfat - tức là chất béo chuyển hoá, đã bị oxy hoá- không tốt cho cơ thể, có nguy cơ gây bệnh tật. Hiện nay trẻ em thừa cân béo phì tăng cao, đa phần là do các loại thức ăn nhanh, chế độ dinh dưỡng không cân đối. Thức ăn nhanh thường chế biến sẵn, để lâu, không có các vitamin và khoáng chất. Những cháu thường xuyên ăn thức ăn đó sẽ thiếu vitamin và khoáng chất.

Để phòng chống cảm cúm, cần có chế độ ăn uống tốt, trong đó có cả vitamin và khoáng chất. Nên hạn chế cho trẻ con ăn thức ăn nhanh ngay cả khi cháu khoẻ mạnh. Nếu cháu bị cảm cúm cần ăn cháo, súp. Nên ăn cháo thịt gà vì có hàm lượng cao kẽm, protein. Khi nấu cháo bạn có thể cho thêm cà rốt để bổ sung vitamin A. Bên cạnh đó, bạn có thể cho cháu ăn thêm hoa quả tươi, cần nhớ bổ sung nước. Nếu sốt cao có thể uống orezol, chia nhỏ bữa ăn trong ngày.

Uống đủ nước

Theo ThS. Hải, chế độ dinh dưỡng rất quan trọng nhất là khi trời nóng, con người thường mất nhiều mồ hôi, dẫn đến mất nước, nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Trời mùa hè nóng, chúng ta cần cung cấp đủ nước cho cơ thể. Nước chiếm 70% trọng lượng cơ thể, là môi trường tất cả các phản ứng hoá học trong cơ thể xảy ra, đồng thời giúp đào thải chất độc hại ra khỏi cơ thể. Khi bị thiếu nước vào mùa hè dễ bị truỵ tim mạch. Khi bị cảm cúm có thể chỉ cần bát cháo hành, tía tô cũng có thể làm triệu chứng cảm cúm giảm đi. Trong những trường hợp bị cảm cúm, bạn cần có chế độ ăn nhiều nước, lỏng. Ăn cháo thịt gà, thuỷ hải sản nhiều kẽm. Kẽm là vi chất dinh dưỡng rất quan trọng tăng cường sức đề kháng.

Bên cạnh bổ sung cho cơ thể nước, bạn có thể uống nước ép hoa quả, vừa cung cấp nước vừa cung cấp vi chất dinh dưỡng. Vitamin A trong cà rốt, cà chua có tác dụng làm toàn vẹn đường hô hấp, làm sức khoẻ của chúng ta tốt hơn rất nhiều. Vitamin C từ nước quả trực tiếp rất tốt trong tăng cường đề kháng, miễn dịch, có chất oxy hoá rất tốt. Tóm lại cần chế độ ăn đủ chất, bù nước, vitamin A, C, từ đó có thể phòng chống các loại virus gây bệnh.

Chúng ta thường quan niệm hoa quả nóng (chứa nhiều đường) như mít, nhãn, xoài, dứa ...  nhưng thực chất không có hoa quả nóng hay hoa quả không nóng. Những người bị tiểu đường, rối loạn chuyển hoá, béo phì không nên ăn nhiều hoa quả có nhiều đường. Nên ăn hoa quả nhiều nước như nước dừa, dưa chuột, bí xanh, bí đao. Mùa hè nên ăn hoa quả ít đường tốt hơn.


D.Hải
Ý kiến của bạn