Hà Nội

3 cách đúng để bảo quản thực phẩm an toàn

10-09-2021 15:42 | Cảnh giác thực phẩm

SKĐS - Trong những ngày giãn cách xã hội, nhiều người thường tích trữ thực phẩm để dùng cho nhiều ngày. Tuy nhiên nếu bảo quản không đúng cách, thực phẩm có thể bị nhiễm khuẩn và gây ra các vấn đề an toàn thực phẩm.

Bảo quản thực phẩm, không phải ai cũng làm đúng cách

 Làm đúng 3 cách bảo quản thực phẩm để bảo đảm sức khoẻ - Ảnh 1.

BS.CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp – Chủ tịch Hội Dinh dưỡng và Thực phẩm TP.HCM

Theo BS.CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp – Chủ tịch Hội Dinh dưỡng và Thực phẩm TP.HCM: Bảo quản thực phẩm giúp thực phẩm giữ được độ tươi ngon, đảm bảo các giá trị dinh dưỡng. Nếu bảo quản không đúng cách thực phẩm bị lên men, hư thối, nhiễm khuẩn, nhiễm các loại vi trùng, siêu vi trùng, ký sinh trùng khi ăn vào có thể gây tổn thương về đường tiêu hóa, gây ngộ độc cấp tính, hoặc dẫn đến tình trạng suy các cơ quan, thậm chí có thể gây ung thư nếu sử dụng thực phẩm không an toàn trong thời gian dài.

Trong những ngày giãn cách, chỉ nên mua thực phẩm vừa phải, không nên tích trữ quá nhiều bởi thực phẩm để lâu vừa giảm độ tươi ngon, giảm chất dinh dưỡng, hơn nữa còn có nguy cơ nhiễm khuẩn nếu ăn vào có thể gây bệnh cho cơ thể.

Bảo quản thực phẩm đúng cách mùa dịch - Ảnh 1.

Không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm trong những ngày giãn cách.

Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp,  mọi nguồn lực y tế đều dồn vào để chống dịch, nếu chẳng bị ngộ độc thực phẩm sẽ tạo gánh nặng lên hệ thống y tế đang rất vất vả hiện nay. Do vậy bên cạnh việc phòng bệnh để tránh nguy cơ mắc COVID-19, cũng cần phải lưu ý phòng tránh các bệnh khác nữa trong đó có vấn đề về an toàn thực phẩm.

Mỗi gia đình cần có ý thức thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm bằng cách không tích trữ thực phẩm quá nhiều, chỉ dùng những thực phẩm an toàn, ăn chín uống sôi, có bất kỳ nghi ngờ gì về thực phẩm không an toàn thì không sử dụng.

3 cách bảo quản thực phẩm

Theo BS Diệp, có 3 cách để bảo quản thực phẩm: Bảo quản thực phẩm ở môi trường bên ngoài, bảo quản ngăn mát tủ lạnh và bảo quản ở ngăn đông.

Bảo quản thực phẩm ở môi trường bên ngoài: Các loại ngũ cốc như gạo, các loại hạt, rau dạng củ quả có vỏ dày như khoai mỡ, bí đỏ, khoai tây, khoai lang… có thể để được ở môi trường bên ngoài 2 tuần mà vẫn đảm bảo giá trị dinh dưỡng (với điều kiện không dính nước vào).

Bảo quản tủ lạnh ngăn mát:

- Sữa, bơ, thực phẩm chế biến chín dự kiến ăn ngay trong ngày phải cất vào hộp đựng thực phẩm.

- Rau có lá, cắt sạch, không để dính nước bọc trong túi nilon có thể để  5 ngày vẫn đảm bảo được giá trị dinh dưỡng.

- Các loại rau mềm có nhiều nước như mồng tơi thì nên sử dụng trong vòng 3 ngày thì sẽ đảm bảo được lượng vitamin trong rau vẫn còn. Cà chua nên bảo quản ở nhiệt độ phòng, nếu cất giữ trong tủ lạnh sẽ làm hỏng lớp màng bên trong, làm thay đổi hương vị, cà chua sẽ bị nhạt, mất giá trị dinh dưỡng. Cà chua sẽ chín đều và thơm ngon hơn khi để ở trong nhiệt độ phòng.

Bảo quản thực phẩm đúng cách mùa dịch - Ảnh 2.

Bao gói các loại thực phẩm trước khi cất vào tủ lạnh.

- Trứng để trong tủ lạnh ở ngăn để trứng, có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh ở nhiệt độ dưới 5oC trong vòng 30-45 ngày (với điều kiện không được rửa nước). Ở nhiệt độ phòng sử dụng trong vòng 7-10 ngày. Tuy nhiên trứng đã để trong tủ lạnh khi lấy ra môi trường bên ngoài phải sử dụng luôn để đảm bảo giá trị dinh dưỡng.

- Hoa quả bảo quản ở ngăn riêng, không để táo chung với các loại quả khác vì khí ethylene trong táo tỏa ra khiến các loại quả khác nhanh chín hơn. Dưa hấu nếu để cả quả thì nên ở môi trường bên ngoài, nếu đã cắt ra thì phải bọc cẩn thận rồi mới cất vào tủ lạnh để tránh nhiễm khuẩn và nhiễm các mùi thực phẩm khác. Chuối không nên bảo quản tủ lạnh vì dễ thâm, nhũn mất giá trị dinh dưỡng. Nếu để trong tủ lạnh phải bọc cuống lại để chuối được tươi lâu hơn.

Bảo quản ở ngăn đông: Đảm bảo nhiệt độ ở ngăn đông dưới -15oC. Các loại thịt cá, hải sản nên chia thành từng phần nhỏ đủ lượng ăn trong ngày, có thể bảo quản ngăn đông 01 tháng mà vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng.

Khi sử dụng, rã đông thực phẩm bằng cách cho thực phẩm từ ngăn đá xuống ngăn mát để làm tăng nhiệt độ từ từ sau đó mang ra ngoài thì thực phẩm sẽ tan đá và không bị mất chất dinh dưỡng.

Nguyên tắc sử dụng thực phẩm:

- Thực phẩm mua trước sử dụng trước. Thực phẩm tươi sống nhiều nước như tôm, cá nên ăn trước.

- Mỗi ngày nên ăn đầy đủ, đa dạng thực phẩm từ các nhóm chất dinh dưỡng: Các loại ngũ cốc; đạm (thịt các loại gia súc gia cầm, cá, các loại thủy sản khác, trứng); rau, trái cây; dầu mỡ.

- Một người trưởng thành trung bình một tuần sử dụng: 2kg gạo (nếu ăn khoai, mì, bún thì bớt cơm), 2kg chất đạm (thịt, cá, tôm, trứng, đậu hũ), 3kg rau, 1kg trái cây, 1 chai dầu ăn dùng 1 tháng. Như vậy mỗi bữa ăn chính khoảng 100g tinh bột, 100g -150g thịt, 100-150g rau, 100-200g trái cây tương đương với một quả táo hoặc quả cam…

Thói quen phổ biến khiến nhiều người bị ngộ độc thực phẩm đông lạnh Thói quen phổ biến khiến nhiều người bị ngộ độc thực phẩm đông lạnh

SKĐS - Mặc dù thực phẩm đông lạnh được đánh giá là an toàn nhưng việc bảo quản và sử dụng không đúng cách khiến nhiều người bị ngộ độc thực phẩm.

Xem thêm video đang được quan tâm

Thông điệp 5T- Pháo đài chống dịch COVID-19 trong tăng cường giãn cách xã hội

Ngọc Anh
Ý kiến của bạn