Cần làm gì để phòng bệnh cúm cho trẻ?
Theo các bác sĩ thời tiết mưa ẩm là điều kiện cho virus và vi khuẩn sinh sôi, trong đó có virus cúm. Do trẻ còn nhỏ, hệ miễn dịch của trẻ còn non nớt, chưa hoàn chỉnh, sức đề kháng yếu, nên rất dễ bị virus cúm tấn công.
Để phòng bệnh cúm cho trẻ thì việc chăm sóc trẻ đúng cách, dinh dưỡng khoa học để nâng cao sức đề kháng cho trẻ là cần thiết. Bởi theo TTND.PGS.TS Lê Bạch Mai - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia: Sức đề kháng chính là hàng rào bảo vệ hệ miễn dịch tự nhiên của con người. Khi virus, vi khuẩn hay ký sinh trùng tấn công thì hệ miễn dịch sẽ huy động các yếu tố kháng nguyên, tế bào bạch cầu hoặc protein để phá hủy các yếu tố gây hại.
Bởi vậy, việc tăng sức đề kháng giúp cơ thể có một hệ miễn dịch khoẻ mạnh là nhiệm vụ quan trọng để mỗi người ngăn ngừa nguy cơ mắc các loại bệnh, trong đó có cúm, nhất là ở thời điểm thời tiết giao mùa.
Chia sẻ về dinh dưỡng để tăng sức để kháng cho trẻ, BS. Lê Bạch Mai cho rằng: Chế độ ăn uống hợp lý, đủ chất sẽ giúp tăng cường đề kháng và giảm nguy cơ mắc cảm cúm. Chỉ khi được bổ sung dinh dưỡng đủ lượng và chất thì đường ruột mới khỏe mạnh, cơ thể mới đủ sức chống chọi với virus cúm.
Chế độ dinh dưỡng hàng ngày của trẻ còn phải đảm bảo đủ dưỡng chất và vitamin cần thiết trong mỗi bữa ăn, nhằm giúp hệ thống miễn dịch của trẻ vận hành bình thường. Các chất dinh dưỡng tốt và cần thiết cho sức đề kháng của trẻ gồm:
Nhóm chất đạm: Mỗi bữa ăn chính cần bổ sung 30 - 50g thịt hoặc 70 - 90g cá hay tôm, một đến hai quả trứng hay một miếng đậu hũ tùy thuộc lứa tuổi.
Vitamin C: Vitamin C là chất dinh dưỡng tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, bởi dưỡng chất này giúp làm tăng khả năng sản sinh của bạch cầu trong máu.
Tuy nhiên, cơ thể con người lại không thể tự sản sinh hoặc tổng hợp Vitamin C, mà cần phải được cung cấp thông qua các loại thực phẩm để duy trì sức khỏe. Các loại trái cây họ cam, quýt như bưởi, cam, chanh… là những nguồn rất giàu Vitamin C. Uống thêm các loại nước ép khác cũng giúp trẻ tăng cường sức đề kháng trong mùa lạnh. Nhu cầu thông thường của cơ thể là 100mg mỗi ngày, tương đương với việc nạp vào 300g rau và 200g trái cây tươi.
Vitamin A: Rau xanh chứa nhiều Vitamin, nhất là Vitamin C, E và chất chống oxy hóa hữu hiệu. Súp lơ, rau bó xôi, rau cải giúp tăng cường hệ miễn dịch khi bị cúm hoặc các bệnh viêm nhiễm khác. Bí đỏ chứa nhiều dưỡng chất có ích như Vitamin, muối khoáng, sắt và hàm lượng axit hữu cơ.
Mặc dù không mang lại lợi ích ngay lập tức, nhưng rau xanh vẫn có đặc tính kháng virus, giúp ngăn ngừa và phòng chống bệnh tật.
Chất sắt có trong thịt, cá, gan, huyết, rau xanh sậm và kẽm có trong hàu, sò, thịt, cá...
Sữa và chế phẩm từ sữa (như sữa chua, phô mai, bơ, kem...) cũng không thể thiếu trong các bữa ăn, bởi chúng chứa canxi phòng chống các bệnh loãng xương.
Bên cạnh đó, thực phẩm lên men chứa lợi khuẩn cũng là thành phần quan trọng trong thực đơn hàng ngày giúp trẻ và cả nhà tăng cường miễn dịch, giảm nguy cơ mắc cúm.
Ngoài chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh, tăng cường ăn các thực phẩm tăng sức đề kháng cho trẻ nêu trên, để giúp trẻ khỏe mạnh hơn, cha mẹ cần lưu ý những điều sau:
Tăng cường vận động mỗi ngày
Cùng với dinh dưỡng cân bằng, vận động thường xuyên là một trong những "chìa khóa vàng" để tăng cường hệ miễn dịch, từ đó giúp trẻ luôn khỏe mạnh và phát triển toàn diện. Đạp xe, bơi lội, chơi cầu lông… là những môn thể thao phù hợp, cha mẹ nên khuyến khích trẻ tập luyện mỗi ngày.
Tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch
Tiêm phòng cúm sẽ bảo vệ trẻ không bị mắc cúm, vì vaccine cúm chứa một phiên bản không hoạt động của virus cúm, mà hệ thống miễn dịch của cơ thể có thể nhận ra và ngay lập tức tăng cường phản ứng miễn dịch chống lại virus. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp tiêm phòng cúm rồi vẫn bị mắc do vaccine chưa đủ thời gian tác động, chủng cúm mắc phải không có trong vaccine... Sau khi tiêm vaccine phòng cúm, có thể gặp một số tác dụng phụ như mệt mỏi, đau đầu trong vài ngày hoặc đau ở chỗ tiêm.
Mùa cúm cao điểm nhất thường gặp là vào mùa thu và mùa đông, vì vậy mọi người thường tiêm phòng cúm vào giữa tháng 9, tháng 10 và tháng 11. Tuy nhiên, virus cúm có quanh năm, do đó cần tiêm vaccine phòng cúm bất kỳ lúc nào có thể.
Giữ môi trường sống sạch sẽ
Vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc. Thường xuyên lau chùi bề mặt đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường.
Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân hàng ngày, thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, nhất là khi ho, hắt hơi... nên che mũi miệng bằng khăn. Súc miệng, nhỏ mũi bằng dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang nơi đông người.
Ngoài ra, cần cho trẻ uống đủ nước, vì khi cơ thể được cung cấp đủ nước sẽ tăng cường trao đổi chất, đào thải độc tố, hỗ trợ hệ miễn dịch giúp cơ thể luôn khỏe mạnh. Cần cho trẻ đi ngủ sớm, ngủ đủ giấc, vì khi đó sẽ giúp trẻ phát triển chiều cao, trí não có tác dụng cải thiện, nâng cao sức đề kháng để phòng bệnh cúm hiệu quả.