Hà Nội

3 cách chữa chân tay lạnh cho phụ nữ sau sinh tại nhà

SKĐS - Nhiều phụ nữ sau sinh gặp phải tình trạng lạnh chân tay. Hiện tượng này không chỉ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày mà còn là dấu hiệu cảnh báo về sức khỏe. Làm gì để khắc phục tình trạng này?

Sau khi sinh, phụ nữ mất nhiều máu nên chính khí suy yếu, tân dịch giảm, tấu lý (toàn bộ mạng lưới kinh lạc) sơ hở nên tà khí dễ xâm nhập. Các cụ ngày xưa kiêng khem rất kỹ: Kỵ gió, kỵ lạnh, kén chọn thức ăn…

- Kỵ gió là vì cơ thể còn yếu, tấu lý sơ hở, tà khí dễ xâm nhập để gây bệnh. Tuy nhiên, tránh gió không có nghĩa là nằm trong phòng đóng kín cửa, bịt kín các cửa làm cho không khí tụ đọng. Phụ nữ mới sinh xong đang yếu, nếu bịt kín cửa còn thêm khó thở. Trẻ mới sinh cũng cần không khí trong lành. Mặc dù, không nên ngồi ngay luồng gió thốc, tránh gió lùa nhưng cần thoáng khí.

- Kỵ lạnh vì sau khi sinh, thận khí, khí huyết suy nhược nên sợ lạnh. Sau khi sinh không nên đụng tới nước lạnh: Không tắm nước lạnh, không giặt quần áo, không uống nước đá lạnh. Có thể dùng khăn nóng lau mình, xông hơi sơ sơ cho mồ hôi vừa toát ra thì thôi, xông hơi nhiều cũng sẽ khiến cho cơ thể sản phụ bị mệt. Phụ nữ sau sinh không nên xông hơi ngay mà cần sau 1 tuần đối với sinh thường và sau 2 tuần đối với sinh mổ.

Các biện pháp chữa chân tay lạnh sau sinh tại nhà - Ảnh 1.

Chườm nước nóng giúp chữa trị chứng chân tay lạnh.

Một số biện pháp chữa chân tay lạnh sau sinh tại nhà:

1. Thoa dầu chữa chân tay lạnh

Nên thoa dầu khuynh diệp, dầu tràm, chà sát cho nóng người giúp khí huyết vận hành mạnh hơn. Việc sử dụng "cồn bạc hà" là không nên vì menthol trong cồn bạc hà bay hơi nhanh tạo cảm giác lạnh.

Mỗi tuần thoa 3-4 lần, mỗi lần xoa 15 phút, thực hiện trong khoảng 1-2 tháng đầu. Tránh dùng kéo dài, thời gian mỗi lần thực hiện quá lâu làm thoát khí, lỗ chân lông rộng, tà khí dễ xâm nhập.

2. Chườm nước nóng

Dùng chai nước nóng hay túi cao su nước nóng để chườm bụng và hai bên bẹn. Việc này làm ấm bào cung và mạnh thận khí. Bào cung là gốc của ba mạch quan trọng là Nhâm mạch, Đốc mạch và Xung mạch. Làm ấm bào cung giúp cho cơ thể chóng hồi phục. Đới mạch chạy ngang thắt lưng và hai bên bẹn, khi sinh đẻ, mạch này bị ảnh hưởng rất nhiều. Chườm nóng lưng và hai bên bẹn giúp cho Đới mạch mạnh lên nên hết đau lưng và mỏi gối.

Hơn nữa, khi có thai, da bụng căng giãn. Sau khi sinh, da bụng lơi lỏng và nhăn nheo. Chườm nóng làm mạnh tuần hoàn cục bộ, giúp tăng sức đàn hồi bắp thịt và da, nhờ vậy da bụng bớt nhăn, bụng nhỏ lại.

Dùng hàng ngày, mỗi ngày làm 1-2 lần, mỗi lần từ 20-30 phút. Làm liên tục 2-3 tuần sau sinh. Lưu ý nhiệt độ khoảng 50-60 độ tránh bị bỏng, rát.

Các biện pháp chữa chân tay lạnh sau sinh tại nhà - Ảnh 2.

Ngâm chân bằng nước thảo dược làm giảm chứng chân tay lạnh.

3. Ngâm chân bằng nước thảo dược

Lấy một cái chậu lòng sâu cho nước nóng khoảng 40 độ C vào 2/3 chậu, cho thêm khoảng 50g gừng phơi khô cắt nhỏ, 1 ít muối hạt hoặc có thể cho thêm các gói thảo dược ngâm chân bán sẵn ngoài hiệu thuốc Đông y.

Cho chân vào ngâm khoảng 15 phút, lượng nước trong chậu phải ngập quá mắt cá chân, thấy thân nhiệt tăng lên chứng tỏ hệ thống tuần hoàn máu lưu thông. Khi ngâm, hai chân cọ xát xoa vào nhau thì hiệu quả càng tốt hơn.

Mỗi tuần thực hiện 3-4 lần, mỗi lần ngâm không quá 15 phút. Duy trì trong khoảng 2-3 tháng sau sinh.

Để hiệu quả tốt nhất bạn nên đến các bệnh viện, chuyên khoa Y học cổ truyền thăm khám để có chẩn đoán và các bài thuốc phù hợp với từng thể.

4. Phòng ngừa chứng chân tay lạnh

Một chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý sẽ hỗ trợ bàn tay, bàn chân luôn ấm áp, ngay cả khi nhiệt độ môi trường xung quanh xuống thấp. Sau đây là một số biện pháp dự phòng chứng chân tay lạnh:

- Giữ ấm cơ thể: Khi thời tiết trở lạnh, cần đặc biệt chú ý giữ ấm tay chân, đặc biệt là bàn chân. Trong đó nên ưu tiên sử dụng các loại tất chân hoặc bao tay mềm mại, có khả năng giữ ấm cũng như thấm hút mồ hôi tốt.

- Hạn chế mang tất chân, bao tay hoặc mặc quần áo quá chật để giữ ấm vì như vậy cũng không tốt cho việc lưu thông máu trong cơ thể.

- Thường xuyên vận động: Vận động nhiều sẽ làm "ấm nóng" cơ thể, qua đó tăng cường và điều tiết quá trình tuần hoàn máu trong cơ thể. Vận động thường xuyên giúp giãn nở mạch máu và lưu thông khí huyết tốt hơn;

- Ăn uống hợp lý: Nên ăn những thực phẩm chứa nhiều calo và chất béo lành mạnh vì chúng cung cấp cho cơ thể nhiều năng lượng để sản sinh nhiệt lượng "sưởi ấm" cơ thể;

- Bổ sung thêm các loại vitamin nhóm B, vitamin C, vitamin E và các acid amin bằng thực phẩm. Các loại vitamin và khoáng chất này hỗ trợ sản sinh tế bào hồng cầu trong máu và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Viêm mũi dị ứng khi giao mùa.



BS. Vũ Hồng
Ý kiến của bạn