Trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải,… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Nguồn nước nhiễm bẩn, vi khuẩn, virus và ký sinh trùng có điều kiện sinh sôi, phát triển, dẫn đến lan truyền mầm bệnh.
Các bệnh dễ mắc sau mưa bão, lũ lụt là: các bệnh về da, bệnh đường ruột, tiêu hóa, bệnh về mắt, bệnh phụ khoa…
Theo các chuyên gia, để chủ động phòng trách dịch sau mưa bão, người dân cần nghiêm túc thực hiện những biện pháp cơ bản sau:
1. Giữ vệ sinh cá nhân
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch. Rửa tay trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với đồ vật bẩn, nước bẩn.
- Tạo thói quen ăn chín, uống sôi.
- Chế biến thực phẩm bằng nguồn nước sạch.
- Không ăn thức ăn ôi thiu, thực phẩm quá hạn sử dụng, thịt gia súc, gia cầm mắc bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân.
- Không ăn rau sống lấy từ vùng ngập lụt.
- Không bơi lội, tắm gội hoặc chơi đùa trong nước ngập lụt.
- Sử dụng khăn mặt, quần áo riêng. Giặt và phơi khăn mặt, quần áo ra nắng.
- Không mặc quần áo ẩm ướt.
- Đi ngủ phải mắc màn.
2. Khử khuẩn và làm sạch nước sinh hoạt
Đối với người dân vùng mưa lũ, bão lụt thì vấn đề nước sạch, nước sinh hoạt luôn là nỗi lo của họ. Bệnh tật chủ yếu do nguyên nhân thiếu nước sạch mà ra.
Các nhà chức trách khuyến cáo và có những giải pháp làm sạch nước như sau:
- Nếu trời mưa, bạn có thể hứng nước mưa để nấu nước uống và nấu ăn. Trường hợp phải dùng nước sông, suối, ao, hồ, kênh rạch thì phải làm trong và khử khuẩn nước rồi mới dùng.
Cách làm trong và khử khuẩn nước như sau:
- Cách làm trong nước bằng phèn: Dùng một miếng phèn chua khoảng nửa đốt ngón tay hòa tan vào một gáo nước, sau khi phèn tan hết, đổ gáo nước đó vào một xô đựng nước khoảng 20 – 25 lít khuấy đều. Khoảng 30 phút sau, khi cặn đã lắng xuống đáy thì gạn lấy nước trong ở phía trên để khử khuẩn.
- Cách khử khuẩn nước bằng viên Cloramin B, viên Aquatabs: Hòa tan 1 viên khử khuẩn vào một gáo nước, đổ gáo nước đó vào xô nước đã được làm trong nói trên và khuấy đều. Đợi khoảng 30 phút sau để thuốc diệt hết vi khuẩn là dùng được mới sử dụng nước. Nước đã khử khuẩn này vẫn phải đun sôi mới được uống.
- Đun sôi: Đun sôi nước là biện pháp hữu hiệu nhất để tiêu diệt vi khuẩn có hại. Nước được đun sôi ít nhất 1 phút kể từ lúc nước bắt đầu sôi. Ngoài ra chúng ta có thể dùng vải bông y tế hoặc vải màn sạch để lọc bỏ cặn sau khi đun nước xong.
- Bằng thiết bị lọc: Sử dụng thiết bị lọc nước đảm bảo chất lượng để lọc nước đã được làm trong.
3. Vệ sinh môi trường xung quanh
Việc đảm bảo vệ sinh môi trường sau mưa bão, ngập lụt rất quan trọng. Nước rút đến đâu nên làm vệ sinh đến đó.
- Nhà tiêu hoặc nơi quy định để đi vệ sinh dù là tạm thời cũng phải cách xa nguồn nước ăn uống và sinh hoạt. Đáy của hố phân phải cách mực nước ngầm ít nhất 1,5m. Lựa chọn loại nhà tiêu phù hợp với đặc điểm sinh thái của từng vùng.
Với những vùng hay ngập lụt nếu xây nhà tiêu cần thiết kế nhà tiêu với bệ xí cao hơn mực nước ngập cao nhất, có thể sử dụng nhà tiêu nổi… để nhà tiêu không bị ảnh hưởng khi lũ lụt.
Với những vùng thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước có thể xây dựng các loại nhà tiêu khô không sử dụng nước như nhà tiêu hai ngăn sinh thái.
- Phân trẻ em cũng phải được xử lý như phân người lớn. Nếu sử dụng phân cho sản xuất nông nghiệp cần tuân thủ quy trình ủ phân an toàn.
- Dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, phơi khô quần áo, đồ dùng, vật dụng.
- Khơi thông cống rãnh, lấp các vũng nước đọng, phát quang các bụi rậm quanh nhà.
- Thu gom rác thải, chất thải, xác súc vật chết để xử lý, chôn lấp và tẩy uế theo quy định, tránh gây ô nhiễm nguồn nước.
- Thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy, lăng quăng và muỗi. Phun hóa chất diệt côn trùng, khử trùng môi trường ở những nơi nguy cơ cao.
- Nếu giếng ngập, lụt nước đục phải tiến hành thau, vét giếng và tiến hành khử trùng.
Xem thêm video được quan tâm:
Thương tâm vụ nhân viên y tế tử vong vì bệnh nhân tâm thần "tác động tay chân"