Hà Nội

3 biện pháp giảm nguy cơ từ quan hệ tình dục không bảo vệ

01-10-2021 08:40 | Hỏi đáp phòng the
google news

SKĐS - Quan hệ tình dục an toàn và lành mạnh giúp duy trì hạnh phúc lứa đôi. Nhưng nếu không may quan hệ tình dục không bảo vệ, làm cách nào để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh và các biến chứng?

Sau tiêm vaccine COVID-19 có kiêng quan hệ tình dục không?Sau tiêm vaccine COVID-19 có kiêng quan hệ tình dục không?

SKĐS - Nhiều người thắc mắc, sau tiêm vaccine COVID-19, quan hệ tình dục có ảnh hưởng gì không? Làm thế nào có thể tiếp tục tìm thấy “niềm vui” sau khi tiêm vaccine COVID-19?

Hiện nay có rất nhiều cặp đôi có quan hệ tình dục không an toàn vì nhiều lý do như: quên mang bao cao su, bao cao su bị thủng/rách, bao cao su hết hạn, quên uống thuốc tránh thai, không đặt vòng tránh thai, muốn tận hưởng cảm giác "thật" trọn vẹn nên không muốn dùng bao cao su, quan hệ tình dục bằng miệng, quan hệ dựa vào cách tính ngày rụng trứng…

Thế nào là quan hệ tình dục an toàn?

- Quan hệ tình dục an toàn là hình thức quan hệ tình dục mà không có sự tiếp xúc cơ thể với máu, dịch tiết âm đạo và tinh dịch của bạn tình. Điều này giúp hạn chế khả năng mang thai ngoài ý muốn và không làm lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục (STDs).

Tình dục an toàn chỉ thật sự hiệu quả khi cả hai người đều đồng ý và cùng thực hiện. Đây cũng là biện pháp giúp đảm bảo kế hoạch hóa gia đình. Tình dục an toàn có thể làm giảm nguy cơ dẫn đến hậu quả ngoài ý muốn, nhưng không thể ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ xảy ra.

- Quan hệ tình dục không an toàn (không bảo vệ) làm lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, sùi mào gà, mụn rộp sinh dục, hạ cam, trùng roi âm đạo, giang mai... Đặc biệt khi quan hệ với người lạ, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao. Có những bệnh biểu hiện ra bên ngoài cơ quan sinh dục, song cũng có những trường hợp không có triệu chứng để phát hiện bằng mắt thường. Việc điều trị các bệnh lý này không hề đơn giản, đặc biệt HIV/AIDS là bệnh lý miễn dịch vẫn chưa tìm được thuốc điều trị đặc hiệu.

Tình dục không an toàn sẽ dẫn đến việc có thai ngoài ý muốn, nhiều trường hợp buộc phải thực hiện nạo phá thai, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người phụ nữ cả về thể chất lẫn tinh thần.

Nguy cơ mắc bệnh sau quan hệ tình dục không bảo vệ

Lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục có nguy cơ rất lớn sau quan hệ tình dục không bảo vệ. Dưới đây là một số bệnh có nguy cơ mắc phải:

3 biện pháp giảm nguy cơ từ quan hệ tình dục không bảo vệ - Ảnh 3.

Dùng bao cao su là cách quan hệ tình dục an toàn.

Nhiễm chlamydia

Chlamydia là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến mà cả nam giới và nữ giới đều có thể nhiễm. Bệnh có thể gây tổn thương nghiêm trọng và vĩnh viễn tới cơ quan sinh sản của nữ giới. Từ đó khiến nữ giới khó hoặc thậm chí là không thể mang thai về sau. Chlamydia còn có thể gây ra tình trạng mang thai ngoài tử cung rất nguy hiểm (thai nằm ngoài tử cung).

Nếu quan hệ tình dục qua âm đạo, hậu môn hoặc bằng miệng với người bị mắc chlamydia thì nguy cơ nhiễm bệnh là rất lớn.

Bệnh lậu

Bệnh lậu là một bệnh lây qua đường tình dục. Bệnh gây ra bởi một loại vi khuẩn có tên khoa học là Neisseria gonorrhoeae hay gonococcus. Đây là loại vi khuẩn thường xuất hiện ở âm đạo, cổ tử cung, mắt, miệng, hậu môn và nhất là trong đường niệu đạo của nam giới.

Bệnh lậu có thể xảy ra ở mọi đối tượng, lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở nam nữ trong độ tuổi sinh sản.

Nam giới mắc bệnh lậu thường có các biểu hiện như: tiểu đau, tiểu buốt, tiểu nhiều lần, nước tiểu lẫn máu hoặc mủ... Nặng hơn người bệnh có thể thấy xuất hiện những giọt mủ như màu nhựa chuối ở lỗ niệu đạo, nhất là vào sáng sớm.

Nữ giới mắc bệnh lậu hầu thường bị bỏ qua do không có dấu hiệu đặc trưng nào hoặc nhầm lẫn với những bệnh phụ khoa thông thường. Chỉ đến khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng mới xuất hiện các triệu chứng như: tiểu đau buốt, có mủ màu xanh, vàng chảy ra từ niệu đạo, cổ tử cung, vùng kín có mùi hôi tanh bất thường...

Bệnh lậu ở nữ giới nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây những biến chứng nguy hiểm như: viêm ống dẫn trứng, chửa ngoài dạ con...

Giang mai

Bệnh giang mai do một loại vi khuẩn có tên là xoắn khuẩn giang mai gây ra. Xoắn khuẩn giang mai xâm nhập trực tiếp vào cơ thể qua các vết xước trên da và niêm mạc khi tiếp xúc với dịch tiết từ tổn thương giang mai. Bệnh cũng lây lan nhanh chóng qua các hình thức quan hệ tình dục bằng đường miệng, âm đạo hay hậu môn. Bất kỳ ai cũng có thể nhiễm xoắn khuẩn giang mai. Song do cấu tạo sinh dục dạng mở nên tỷ lệ ở mắc giang mai ở phụ nữ cao gấp ba lần so với nam giới. Nhiễm trùng ở nữ giới cũng không có triệu chứng nên người nhiễm không biết mình đã mắc bệnh.

Bệnh giang mai ở nữ giới nếu không điều trị kịp thời, sẽ gây tổn thương trầm trọng đến tất cả các cơ quan trong cơ thể như viêm loét bộ phận sinh dục, phát ban ngoài da, đau nhức cơ xương, thậm chí gây ảnh hưởng đến nội tạng…

Sùi mào gà

Sùi mào gà còn gọi là bệnh mụn cóc sinh dục, do virut Human papilloma (HPV) – là một loại virut gây u nhú ở da và niêm mạc người gây nên. Sùi mào gà lây truyền qua quan hệ tình dục khi giao hợp không an toàn.

Mọi biểu mô của tổn thương sùi bong ra đều có chứa HPV, có thể lây dễ dàng do tiếp xúc trực tiếp ở những nơi có tổn thương. Bệnh có khả năng lây truyền cao cho bạn tình nếu không được điều trị kịp thời.

HIV

Tỷ lệ lây nhiễm HIV cho mỗi lần quan hệ tình dục không bảo vệ ước tính là 0,1 – 1%. Tỷ lệ này gia tăng theo tần suất quan hệ. Trong khi đó, quan hệ tình dục với người bị HIV có bảo vệ bằng bao cao su sẽ có độ an toàn lên tới 90 – 95% nếu thực hành đúng cách.

Virus HIV lây truyền qua đường tình dục do:

- Tình dục đường âm đạo.

- Tình dục đường hậu môn.

- Tình dục đường miệng: Khả năng lây truyền bệnh thấp hơn. Tuy nhiên, nếu trong miệng có vết trầy xước hoặc chảy máu răng mà không biết thì vẫn có khả năng lây nhiễm HIV.

Làm gì sau quan hệ tình dục không bảo vệ?

3 biện pháp giảm nguy cơ từ quan hệ tình dục không bảo vệ - Ảnh 4.

Sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp để phòng nguy cơ từ quan hệ tình dục không an toàn.

1. Vệ sinh sạch vùng kín sau quan hệ

Trong khi quan hệ tình dục, nếu nhận thấy bao cao su của mình bị rách, hãy dừng ngay tất cả các hoạt động tình dục lại. Sau đó, cần loại bỏ các dịch còn thừa trong âm đạo, dương vật hoặc hậu môn giúp loại bỏ vi khuẩn có thể dẫn đến viêm đường tiết niệu.

Không nên thụt rửa nhưng cần vệ sinh sạch sẽ. Thụt rửa có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vì các sản phẩm thụt rửa có thể gây kích ứng và gây viêm. Chỉ sử dụng vòi sen hoặc nước ấm để rửa. Sau đó, lấy khăn mềm lau khô vùng kín.

2. Uống thuốc tránh thai khẩn cấp

Nếu nghi ngờ có thai, thì dấu hiệu đầu tiên thường là trễ kinh. Thử thai sẽ giúp phát hiện một loại hormone là hormone hCG. HCG cần có thời gian để tích tụ trong cơ thể, do vậy nên đợi khoảng 3 tuần sau khi quan hệ tình dục không bảo vệ mới nên thử thai.

Thuốc tránh thai khẩn cấp được xem như là một giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn việc mang thai ngoài ý muốn khi không may thiếu sự "phòng vệ" trong khi quan hệ.

Thuốc tránh thai khẩn cấp gây ức chế hoặc trì hoãn rụng trứng. Làm đặc chất nhầy cổ tử cung, ngăn cản sự di chuyển của tinh trùng vào lòng tử cung. Có tác dụng ảnh hưởng đến sự vận chuyển của tinh trùng và trứng ở vòi trứng, cản trở sự thụ tinh; ức chế sự phát triển của nội mạc tử cung, ngăn cản sự làm tổ của trứng đã thụ tinh.

Một số phản ứng phụ có thể xảy ra khi sử dụng viên thuốc tránh thai khẩn cấp như buồn nôn, nôn mửa; một vài trường hợp bị đau đầu, chóng mặt, đau bụng, mệt mỏi, căng vú... Các tác dụng phụ này sẽ tự biến mất sau một vài ngày mà không cần can thiệp biện pháp y tế. Ngoài ra, thuốc tránh thai khẩn cấp cũng có thể gây ra chảy máu bất thường cho tới tận chu kỳ kinh nguyệt sau và kinh nguyệt có thể có sớm hoặc chậm.

Không nên sử dụng quá 2 liều thuốc tránh thai khẩn cấp trong vòng một tháng.

3. Chú ý những dấu hiệu ở vùng kín

Tiết dịch bất thường và đau khi đi tiểu là những triệu chứng phổ biến của tình trạng bệnh lậu và chlamydia. Ngoài ra cần lưu ý đến tình trạng ra máu sau khi quan hệ và giữa chu kỳ. Đau có thể xuất hiện ở họng nếu bệnh lậu phát triển do quan hệ tình dục bằng miệng và đau ở bụng hoặc tinh hoàn nếu bị nhiễm chlamydia. Nếu xuất hiện những triệu chứng như vậy thì bạn cần phải đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị sớm nhất.

Tuy nhiên, một số người có thể sẽ không phát triển bất cứ triệu chứng gì. Do vậy, việc làm xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục trong vòng 2 tuần sau khi quan hệ là vô cùng quan trọng vì những bệnh này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn như vô sinh. Sau 2 tuần, kết quả xét nghiệm sẽ được cho là chính xác và đáng tin cậy nhất. Nếu có kết quả dương tính, có thể sẽ cần phải sử dụng kháng sinh và kiêng quan hệ trong thời gian điều trị.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Trường hợp nhiễm COVID-19 nào phải nhập viện?



Vân Khanh
Ý kiến của bạn