Dưới đây là 3 bệnh thường gặp trong khoang miệng
Mụn rộp trong miệng
Mụn rộp (Herpes) là một vấn đề phổ biến ở khoang miệng. Virus Herpes gây ra mụn rộp thường truyền qua tiếp xúc gần gũi, hôn nhau hoặc sử dụng đồ cá nhân chung.
Biểu hiện mụn rộp xuất hiện thành từng đám màu đỏ, phồng rộp bên ngoài miệng, thường xung quanh môi, đôi khi dưới mũi hoặc quanh má. Các nốt phồng rộp chứa dịch lỏng và có thể bị vỡ làm chảy dịch ra ngoài. Các tổn thương đóng vẩy cho tới khi khỏi. Bệnh mụn rộp gây ra bởi virus herpes nên rất dễ lây.
Việc lây nhiễm virus herpes có thể đi kèm với các triệu chứng như của bệnh cảm cúm và gây đau họng. Không có đặc trị cho virus herpes, một khi đã nhiễm thì virus sẽ nằm trong cơ thể và thỉnh thoảng phát bệnh gây mụn rộp.
Các vết mụn rộp sẽ tự khỏi sau khoảng một tuần. Các thuốc gây tê tại chỗ có bán ở hiệu thuốc giúp giảm đau. Bác sĩ có thể kê thêm thuốc chống virus để giảm thời gian viêm loét của các nốt mụn rộp.
Khoang miệng nhiễm nấm candida
Nấm Candida miệng (nấm miệng, nấm lưỡi hoặc tưa lưỡi) là tình trạng viêm nhiễm do một dạng vi nấm men có tên khoa học là Candida albicans sinh sôi ở niêm mạc họng miệng gây ra.
Thông thường, trong miệng vẫn có nấm Candida với số lượng vừa phải, nhưng đôi khi do mất cân bằng hệ sinh thái vi sinh trong miệng hoặc do cơ thể giảm sức đề kháng mà nó có thể phát triển quá mức và gây ra bệnh nấm lưỡi ở người lớn có màu trắng hoặc vàng.
Khi nhiễm nấm candida biểu hiện với các mảng trơn, màu trắng trên nền đỏ, có thể gây đau và chảy máu. Bệnh nhiễm nấm candida bị gây ra bởi nấm và phát triển đặc biệt nhanh khi hệ thống miễn dịch suy giảm. Những người có thể trạng yếu, người già, trẻ em và những người có bệnh toàn thân như tiểu đường có rủi ro nhiễm bệnh nấm candida cao. Một số loại thuốc như steroids hay trị liệu ung thư có thể làm tang nguy cơ nhiễm nấm. Các loại kháng sinh cũng làm tăng nguy cơ nấm phát triển vì chúng làm biến đổi sự cân bằng vi khuẩn trong miệng.
Nấm miệng và nhiễm trùng Candida khác có thể xảy ra khi hệ thống miễn dịch bị yếu đi vì bệnh hoặc các loại thuốc như prednisone, hoặc khi kháng sinh làm nhiễu loạn sự cân bằng tự nhiên của các vi sinh vật trong cơ thể. Hoặc nhiễm các bệnh: HIV/AIDS, ung thư, đái tháo đường, nhiễm trùng nấm men âm đạo…
Nếu phát hiện có các mảng màu trắng bên trong miệng, hãy đến khám bác sĩ để được trị. Bệnh nấm Candida miệng thường không phổ biến ở trẻ lớn, thanh thiếu niên và người lớn khỏe mạnh. Vì vậy, nếu bị mắc bệnh nấm miệng, hãy gặp bác sĩ để được kiểm tra tổng quát nhằm phát hiện các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn hoặc tìm ra các nguyên nhân khác.
Viêm loét miệng
Viêm loét miệng thực chất là viêm loét niêm mạc miệng là chứng bệnh khá phổ biến, nhất là trong tiết trời nóng nực. Bệnh gây đau đớn, ảnh hưởng ăn uống sinh hoạt và cần được dùng thuốc điều trị đúng cách.
Biểu hiện viêm loét miệng thường phát triển bên trong khoang miệng với những vết mụn màu trắng, xám có viền đỏ xung quanh. Bệnh không lây lan, có thể xuất hiện một hoặc nhiều nốt viêm. Trong nhiều trường hợp, không biết rõ nguyên nhân gây bệnh nhưng hầu hết vết viêm loét miệng đều xuất phát từ tổn thương ở mô mềm trong khoang miệng.
Bệnh viêm loét miệng đều tự khỏi trong 1 đến 2 tuần. Các thương tổn gây đau, có thể giảm đau bằng các loại thuốc gây tê tại chỗ và các nước xúc miệng chống khuẩn.
Các loại thức ăn cay, mặn, chứa a-xít như chanh, nước hoa quả có thể làm vết viêm trầm trọng hơn.
Lời khuyên thầy thuốc
Để phòng các bệnh răng miệng nói chung và các bệnh lý liên quan trong miệng cần thực hiện tốt vệ sinh răng miệng sạch sẽ, thường xuyên. Cụ thể cần đánh răng ít nhất hai lần một ngày và dùng chỉ nha khoa ít nhất một lần. Thay thế bàn chải đánh răng thường xuyên cho đến khi bệnh đã xóa bỏ. Tránh dùng nước súc miệng hoặc thuốc xịt vì có thể làm thay đổi thực vật bình thường trong miệng. Không dùng chung bàn chải đánh răng; Súc miệng bằng nước muối ấm.
Cần ăn uống đầy đủ chất, chú ý bổ sung thực phẩm giàu kẽm, nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi, uống đủ nước mỗi ngày. Tránh ăn uống các loại thức ăn có tính chất kích thích tại chỗ như: các loại mắm, tiêu, ớt, gia vị cay; các loại thức uống có cồn, caffein...
Ngoài ra, cần đi khám định kỳ nha khoa thường xuyên nhất là bệnh nhân bị tiểu đường hoặc đeo răng giả; Cố gắng hạn chế lượng đường và nấm men có chứa trong các loại thực phẩm hàng ngày.