Hà Nội

3 bệnh lý về mắt thường gặp mùa hè và cách phòng tránh

02-06-2023 17:27 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Mùa hè với thời tiết nắng nóng là nguyên nhân gây nhiều bệnh lý viêm nhiễm, trong đó có các bệnh về mắt. Ngoài ra, tia cực tím từ ánh nắng mặt trời cũng có thể làm tổn thương tế bào thị giác, gây hại cho mắt.

Dưới đây 3 bệnh lý về mắt dễ gặp trong mùa hè và cách phòng tránh:

1. Tổn thương mắt do ánh nắng

Mùa hè nắng nóng có chỉ số tia cực tím (UV) ở mức nguy cơ gây hại rất cao cho sức khỏe, trong đó có mắt.

Các nghiên cứu về nhãn khoa cảnh báo rằng việc tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về mắt, bao gồm bệnh đục thủy tinh thể, u mắt và ung thư. Việc tiếp xúc quá nhiều tia cực tím phản xạ trên bề mặt tuyết cũng có thể nhanh chóng gây tổn thương ở mắt, hay còn được gọi là chứng mù tuyết. Vì vậy, nếu mắt tiếp xúc với tia UV trực tiếp, giác mạc sẽ hấp thu hầu hết các bức xạ UV; gây đục thủy tinh thể hay thoái hóa điểm vàng, viêm giác mạc, hạt kết giác mạc…

Các nhà nghiên cứu cho rằng, mắt có thể bị ảnh hưởng ngay lập tức hoặc về lâu dài sau khi hấp thụ tia cực tím có trong ánh nắng mặt trời. Nhiều bộ phận của mắt chịu ảnh hưởng của tia cực tím như mi mắt, kết mạc (phần lòng trắng của mắt), giác mạc (phần lòng đen phía trước), thủy tinh thể (nhân mắt) và võng mạc (bộ phận ở mắt trong có tác dụng giống như phim ảnh để tiếp nhận hình ảnh mà ta nhìn thấy).

Ở mi mắt, ánh nắng có thể gây nên một số loại u mi, đặc biệt là ung thư mi như: ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và u hắc tố ác tính.

Để phòng tổn thương mắt do ánh nắng cần tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, nhất là từ 11 giờ đến 16 giờ, là khoảng thời gian có nhiều tia tử ngoại nhất. Nếu phải làm việc ngoài trời, nên sắp xếp công việc hợp lý, tốt nhất là làm việc trước 11 giờ và sau 16 giờ. Khi ra đường cần đội mũ rộng vành, dùng khăn che mặt, đeo kính có chức năng chống tia cực tím,...

3 bệnh lý về mắt thường gặp mùa hè và cách phòng - Ảnh 1.

Mắt có thể bị ảnh hưởng khi hấp thụ tia cực tím có trong ánh nắng mặt trời.

2. Nguy cơ viêm kết mạc mùa hè

Viêm kết mạc hay bệnh đau mắt đỏ là tình trạng mắt bị nhiễm trùng lớp màng trong của mắt, đây là bệnh lý lành tính, thường gặp vào mùa hè. Nguyên nhân phổ biến do đi bơi ở sông ngòi, hồ ao và trong các bể bơi công cộng. Tiếp xúc với nước bẩn không chỉ dẫn đến đau mắt thông thường còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn như Chlamydia, một loại vi khuẩn bộ phận sinh dục.

Biểu hiện dễ thấy nhất của bệnh viêm kết mạc là mắt đỏ, nhiều ghèn, khám lâm sàng nhú gai trên kết mạc sụn, thẩm lậu vùng rìa, ánh củng mạc mờ đục.

Mùa hè cũng dễ bùng phát dịch viêm kết mạc do virus gây ra, lây lan rất nhanh, biểu hiện chung là sốt nhẹ, ho, đau họng, nổi hạch, đỏ mắt, ra ghèn, cộm rát, nhìn mờ. Nếu người bệnh chủ quan, không điều trị kịp thời và vệ sinh đúng cách sẽ khiến tình trạng bệnh kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập, thậm chí gây biến chứng, ảnh hưởng đến thị lực sau này.

Vì vậy, để phòng ngừa bệnh viêm kết mạc, bảo vệ đôi mắt người bệnh cần có thói quen thường xuyên vệ sinh bàn tay, đôi mắt bằng nước sạch. Khi bơi ở các địa điểm công cộng không nên bơi quá lâu và nên dùng kính bảo vệ mắt khi bơi. Sau khi bơi xong nên dùng nước muối sinh lý nhỏ và rửa mắt tại chỗ, đồng thời sục và rửa mũi họng bằng nước muối sinh lý sau đó mới đi tắm lại.

3. Hội chứng khô mắt mùa nóng

Những ngày hè nắng nóng, do nền nhiệt cao khiến nước mắt tiết ra bay hơi nhanh, nhất là người làm việc văn phòng khiến cho tình trạng khô mắt dễ xảy ra. Biểu hiện của khô mắt là người bệnh có cảm giác kích thích như có dị vật trong mắt, nóng rát như bỏng hoặc cảm giác ngứa, mỏi và nặng mi mắt. Trường hợp nặng còn cảm thấy cộm ở mắt ngay khi vừa ngủ dậy, đau rát khi chớp mắt có thể dẫn đến viêm giác mạc, viêm kết mạc do khô mắt.

3 bệnh lý về mắt thường gặp mùa hè và cách phòng - Ảnh 2.

Những ngày hè nắng nóng khiến nước mắt tiết ra bay hơi nhanh dẫn đến tình trạng khô mắt dễ xảy ra.

Ngoài ra, chớp mắt nhiều dễ dẫn đến mệt mỏi, yếu cơ, có thể gây tổn thương thần kinh. Nếu không được điều trị, chăm sóc mắt đúng cách, các triệu chứng trên sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, nặng hơn, làm giảm thị lực và gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập và lao động của người bệnh. Bệnh nhân sẽ khó chịu, cảm thấy chói, cộm, sợ ánh sáng, không mở được mắt…

Để phòng bệnh khô mắt trong mùa nắng nóng, người dân cần có biện pháp bảo vệ mắt phù hợp khi đi ra ngoài trời nắng như đeo kính mát, đội mũ bảo hiểm có kính che chắn. Cần ăn uống bổ sung thêm các nguồn dinh dưỡng cung cấp các chất cần thiết cho mắt, ưu tiên các loại rau củ có màu như cải xoong, cà chua, gấc, đu dủ, uống đủ nước... Ngủ đủ giấc, không nên thức khuya dễ khiến mắt điều tiết nhiều, mệt mỏi. Có thể sử dụng dung dịch nhỏ mắt bằng muối NaCL 0,9% để rửa sạch mắt hàng ngày.

Tóm lại: Thời tiết nắng nóng kéo dài, môi trường ô nhiễm khói bụi… là một trong những nguyên nhân gây nên các bệnh về mắt ảnh hưởng đến lao động, sinh hoạt. Vì vậy, khi có biểu hiện bất thường mắt cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể. Tuyệt đối không tự mua thuốc tra mắt khi chưa có chỉ định của bác sĩ vì có thể khiến tình trạng bệnh kéo dài, trở nên trầm trọng, tốn kém chi phí và ảnh hưởng sinh hoạt, công việc hàng ngày.

Mời xem video được quan tâm:

Hơn 6 Triệu Trẻ Em Uống Vitamin A Phòng Mù Lòa | SKĐS

BS. Lê Hoàng Anh
Ý kiến của bạn