3 bệnh khiến đau bụng kinh nguyệt dữ dội và ảnh hưởng đến khả năng mang thai

22-10-2021 13:09 | Sức khỏe sinh sản

SKĐS - Nhiều phụ nữ cho rằng đau bụng kinh là bình thường và không phải là nguyên nhân đáng lo ngại. Nhưng nhiều cơn đau dữ dội, dai dẳng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến khả năng mang thai.

1. Đau bụng kinh là gì?

Đau bụng kinh là những cơn đau nhói liên hồi, co thắt ở vùng bụng dưới. Nhiều phụ nữ bị đau bụng kinh ngay trước và trong kỳ kinh nguyệt. Đối với nhiều phụ nữ, cảm giác trong chu kỳ kinh nguyệt chỉ đơn thuần là khó chịu. Nhưng đối với một số phụ nữ, đau bụng kinh có thể khá nghiêm trọng gây cản trở các hoạt động hàng ngày trong vài ngày mỗi tháng.

Nếu những cơn đau bụng kinh không phải do bệnh lý gây ra sẽ có xu hướng giảm dần theo tuổi tác và thường cải thiện sau khi sinh con. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân do một số bệnh lý như lạc nội mạc tử cung hoặc u xơ tử cung thì điều trị nguyên nhân là chìa khóa để giảm cơn đau.

Khi gặp vấn đề trong việc thụ thai, hãy đến gặp bác sĩ phụ khoa để tìm ra nguyên nhân có thể gây ra vấn đề về khả năng sinh sản và điều trị sớm vì khả năng sinh sản giảm dần theo tuổi tác.

2. Triệu chứng của đau bụng kinh

  • Đau nhói hoặc cơn co thắt ở bụng dưới có thể dữ dội.
  • Đau bắt đầu từ 1 - 3 ngày trước khi có kinh, lên đến đỉnh điểm là 24 giờ sau khi bắt đầu có kinh và giảm dần sau 2 - 3 ngày.
  • Đau âm ỉ, liên tục.
  • Đau lan xuống lưng dưới và đùi của bạn.
  • Buồn nôn.
  • Phân lỏng.
  • Đau đầu.
  • Chóng mặt.

3. Nguyên nhân đau bụng kinh

Trong thời kỳ kinh nguyệt, tử cung của bạn co lại để giúp tống niêm mạc ra ngoài. Các chất tương tự như hormone (prostaglandin) có liên quan đến đau và viêm sẽ kích hoạt các cơn co thắt cơ tử cung. Mức độ cao hơn của prostaglandin có liên quan đến chứng đau bụng kinh nghiêm trọng hơn.

Có 3 nguyên nhân phổ biến gây ra đau bụng bất thường, dữ dội kỳ kinh có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và cách điều trị là u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung và u nang buồng trứng.

3.1. U xơ tử cung

- U xơ tử cung là bệnh gì?

U xơ tử cung là khối u phát triển trong thành cơ của tử cung. Chúng có thể có kích thước từ rất nhỏ đến lớn hơn quả dưa đỏ. Phụ nữ bị u xơ tử cung có thể có một khối u xơ đơn lẻ hoặc nhiều khối u.

Nhiều phụ nữ bị u xơ tử cung đôi khi trong đời nhưng vẫn không nhận biết được vì chúng thường không có triệu chứng. Bác sĩ của bạn có thể tình cờ phát hiện ra u xơ khi khám phụ khoa hoặc siêu âm trước khi sinh.

U xơ có thể có hoặc không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, thường tùy thuộc vào vị trí của nó. U xơ dưới niêm mạc là loại có khả năng ảnh hưởng đến khả năng mang thai cao nhất. Những khối u xơ này có thể làm biến dạng tử cung và cản trở quá trình làm tổ của phôi thai.

Đau bụng kinh nguyệt có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai không? - Ảnh 2.

Hình ảnh u xơ tử cung.

- Điều trị u xơ tử cung

Việc lựa chọn phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh nhân, cũng như độ tuổi và mong muốn sinh sản của bệnh nhân. Bác sĩ sẽ thận trọng để loại bỏ u xơ dưới niêm mạc mà vẫn giữ buồng trứng và tử cung cho những phụ nữ muốn duy trì khả năng sinh con.

Cắt bỏ u xơ qua nội soi là thủ thuật phẫu thuật được khuyến khích để loại bỏ các khối u xơ. Thủ tục này được thực hiện như một phẫu thuật ngoại trú mà không có bất kỳ vết mổ nào và hầu như không có cảm giác khó chịu sau phẫu thuật. Nội soi ổ bụng (phẫu thuật lỗ khóa) và mở ổ bụng (phẫu thuật mở) là những lựa chọn thay thế để phẫu thuật cắt bỏ u xơ tử cung.

Ngoài ra còn có các phương pháp điều trị u xơ tử cung không phẫu thuật sau:

  • Phương pháp thuyên tắc động mạch tử cung: U xơ tử cung cần sự cung cấp máu rất nhiều để phát triển. Do đó u xơ sẽ nhỏ lại hoặc mất hẳn nếu sự cung cấp máu bị ngăn chặn. Thuyên tắc nghĩa là ngăn chặn hoặc làm tắc nghẽn dòng máu chảy. Đây là thủ thuật làm tắc động mạch tử cung bằng cách tiêm những hạt thuốc nhỏ vào động mạch tử cung. Các hạt thuốc nhỏ này ngăn không cho máu đến nuôi khối u xơ tử cung. Khối u xơ bị thiếu máu, hoại tử và u sẽ teo dần.
  • Phẫu thuật bằng sóng siêu âm hội tụ: Siêu âm hội tụ hướng dẫn cộng hưởng từ (MRGFU) là một thủ thuật ngoại trú không xâm lấn sử dụng sóng siêu âm hội tụ cường độ cao để phá hủy các mô u xơ. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ X quang can thiệp sử dụng hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) để xem bên trong cơ thể để điều trị trực tiếp đến khối u xơ.
  • Điều trị bằng thuốc: Thuốc cũng có thể được sử dụng để điều trị u xơ. Một loại thuốc thường được sử dụng là chất chủ vận hormone giải phóng gonadotrophin (GnRHa), có tác dụng gây ra trạng thái giống như mãn kinh, làm giảm kích thước của khối u xơ và tử cung. Các liệu pháp y tế khác bao gồm tác nhân androgen, progestin, thuốc uống tránh thai và thuốc chống tiêu sợi huyết.

3.2. Lạc nội mạc tử cung

- Lạc nội mạc tử cung là bệnh gì?

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng xảy ra khi các tế bào nội mạc tử cung (hay màng trong tử cung, là loại mô hình thành nên lớp niêm mạc tử cung) được tìm thấy bên ngoài tử cung của phụ nữ tức là trong buồng trứng, ống dẫn trứng, sau tử cung và trên bàng quang.

Bệnh có thể gây ra vô sinh do khả năng làm tổn thương vòi trứng và ống dẫn trứng, dẫn đến cản trở nhu động ống dẫn trứng và làm rối loạn sự phóng noãn. Giống như niêm mạc tử cung, các mô lạc nội mạc tử cung bị vỡ và chảy máu trong kỳ kinh nguyệt và điều này gây ra đau đớn, đặc biệt là trong kỳ kinh nguyệt.

Các chất kết dính (mô sẹo) có thể hình thành bên trong khung chậu, nơi máu chảy ra và có thể khiến các cơ quan dính vào nhau, gây đau.

Đau bụng kinh nguyệt có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai không? - Ảnh 3.

Hình ảnh lạc nội mạc tử cung.

- Điều trị lạc nội mạc tử cung

Điều trị lạc nội mạc tử cung thường là dùng thuốc hoặc phẫu thuật, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và liệu bạn có hy vọng có con hay không.

Liệu pháp hormone: Chất chủ vận hormone giải phóng gonadotropin (GnRHa) ngăn chặn việc sản xuất hormone kích thích buồng trứng, làm giảm mức độ estrogen và ngăn chặn kinh nguyệt. Điều này làm cho mô nội mạc tử cung co lại. Những điều này gây ra trạng thái giống như mãn kinh và có thể dẫn đến các tác dụng phụ như bốc hỏa, khô âm đạo và mất xương. Dùng liều thấp estrogen hoặc progestin cùng với GnRHa có thể làm giảm các tác dụng phụ này.

Progesterone có thể làm ngưng kinh nguyệt và làm giảm sự phát triển của các mô cấy trong nội mạc tử cung, điều này có thể làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lạc nội mạc tử cung.

Thuốc uống tránh thai giúp kinh nguyệt ra nhẹ hơn, ngắn hơn và đều đặn hơn. Chúng cũng giúp giảm đau trong khi dùng thuốc vì lạc nội mạc tử cung được ức chế. Một số tác dụng phụ nhẹ có thể bao gồm tăng cân, đầy hơi và chảy máu giữa các kỳ kinh.

Phẫu thuật: Nếu bị lạc nội mạc tử cung và đang cố gắng mang thai, phẫu thuật để loại bỏ càng nhiều lạc nội mạc tử cung càng tốt đồng thời bảo tồn tử cung và buồng trứng (phẫu thuật bảo tồn) có thể làm tăng cơ hội thành công. Nếu bị đau dữ dội do lạc nội mạc tử cung cũng có thể có tác dụng giảm đau từ phẫu thuật, tuy nhiên, lạc nội mạc tử cung và cơn đau có thể quay trở lại.

Bác sĩ có thể thực hiện thủ thuật này nội soi hoặc thông qua phẫu thuật bụng truyền thống trong những trường hợp rộng hơn. Trong phẫu thuật nội soi, bác sĩ phẫu thuật sẽ chèn một dụng cụ kính nội soi qua một vết rạch nhỏ gần rốn và đưa dụng cụ để loại bỏ mô nội mạc tử cung qua một vết rạch nhỏ khác.

Nếu gần thời kỳ mãn kinh và có các triệu chứng nghiêm trọng có thể cân nhắc phẫu thuật dứt điểm như cắt bỏ tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng. Cắt bỏ tử cung thường được coi là biện pháp cuối cùng, đặc biệt là đối với phụ nữ vẫn đang trong độ tuổi sinh sản. Phụ nữ không thể có thai sau khi cắt bỏ tử cung.

3.3. U nang buồng trứng

- U nang buồng trứng là bệnh gì?

U nang là những túi chứa đầy chất lỏng có thể hình thành trong buồng trứng như một phần của nang trứng phát triển hàng tháng cùng với trứng. Khi trứng không được giải phóng (tức là không xảy ra quá trình rụng trứng) hoặc túi hình thành của trứng không tan sau khi trứng được giải phóng, chúng có thể tạo thành u nang. Ngoài ra còn có các u nang lành tính (không phải ung thư) và hiếm khi có thể hình thành trong buồng trứng.

Hầu hết phụ nữ sẽ gặp u nang buồng trứng ít nhất một lần. Các u nang đều không được chú ý vì chúng không đau và không có triệu chứng, và được phát hiện khi khám phụ khoa định kỳ.

Một số u nang buồng trứng có thể liên quan đến giảm khả năng sinh sản, tùy thuộc vào loại u nang buồng trứng mắc phải.

U nang buồng trứng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn bao gồm:

  • U nội mạc tử cung: U nang do lạc nội mạc tử cung. Những u nang buồng trứng này có thể liên quan đến các vấn đề về khả năng sinh sản.
  • U nang buồng trứng do rối loạn rụng trứng: Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một tình trạng được đánh dấu bởi sự rụng trứng không đều và mức độ cao của một số hormone nhất định. PCOS có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt không đều, có thể góp phần gây ra các vấn đề về khả năng sinh sản ở một số phụ nữ.
Đau bụng kinh nguyệt có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai không? - Ảnh 4.

Hình ảnh u nang buồng trứng.

- Điều trị u nang buồng trứng

Hầu hết các u nang buồng trứng sẽ biến mất một cách tự nhiên. Nếu không có bất kỳ triệu chứng khó chịu nào, đặc biệt là nếu phụ nữ vẫn chưa trải qua thời kỳ mãn kinh, nên chờ đợi và theo dõi một thời gian. Bác sĩ có thể kiểm tra sau mỗi 1 - 3 tháng để xem liệu có bất kỳ thay đổi nào trong u nang hay không.

Tuy nhiên, có thể chọn cách dùng thuốc tránh thai. Thuốc tránh thai có thể làm giảm cơn đau bằng cách ngăn chặn sự rụng trứng, làm giảm khả năng hình thành các u nang mới.

Ngoài ra, có thể cần phẫu thuật để xác định chẩn đoán u nang buồng trứng, để loại bỏ các u nang tồn tại, phát triển hoặc khiến cơn đau đau đớn.

Cắt u nang được thực hiện khi có lo ngại về khối u ác tính (ung thư) trong u nang buồng trứng, thường được thực hiện với một phẫu thuật nội soi (lỗ khóa).

Ngoài ra, nếu u nang không biến mất, không phát triển nhưng vẫn gây đau dữ dội thì phẫu thuật là một lựa chọn.

Nội soi ổ bụng: Robot có thể thực hiện nội soi để loại bỏ u nang (nếu u nang của bạn không phải ung thư). Quy trình này bao gồm việc rạch một đường nhỏ gần rốn và sau đó đưa một dụng cụ nhỏ vào bụng để loại bỏ u nang.

Nếu khối ung thư phát triển, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ càng nhiều khối u càng tốt. Tùy thuộc vào mức độ lan rộng của ung thư, bác sĩ phẫu thuật cũng có thể loại bỏ các cơ quan khác của đường sinh dục nữ và các hạch bạch huyết lân cận.

Khi nào nên đi khám?

Đối với phụ nữ trên 25 tuổi nên đến gặp bác sĩ phụ khoa để kiểm tra định kỳ để đảm bảo rằng bạn không có bất kỳ bệnh lý nào chưa được chẩn đoán có thể ảnh hưởng đến sức khỏe (và đặc biệt là sức khỏe sinh sản của bạn nếu bạn có kế hoạch sinh con) . Các xét nghiệm được thực hiện khi khám sức khỏe tổng quát định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm mọi vấn đề để bạn có thể điều trị kịp thời nếu cần.

Khi gặp vấn đề trong việc thụ thai, hãy đến gặp bác sĩ phụ khoa để tìm ra nguyên nhân có thể gây ra vấn đề về khả năng sinh sản và điều trị. Nên tìm cách điều trị sớm vì khả năng sinh sản giảm dần theo tuổi tác.

Đau bụng kinh nguyệt có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai không? - Ảnh 5.

Phẫu thuật nội soi mổ u nang buồng trứng bằng robot được đánh giá là phương pháp ưu việt hiện nay.

Cúm - Bệnh hô hấp nguy hiểm với phụ nữ mang thai và thai nhiCúm - Bệnh hô hấp nguy hiểm với phụ nữ mang thai và thai nhi

SKĐS - Cúm là một bệnh đường hô hấp có thể gây những biến chứng nguy hiểm với phụ nữ mang thai và ảnh hưởng đến thai nhi.

Xem thêm video đang được quan tâm:

14 món ăn giúp trị cảm lạnh có thể bạn chưa biết?

Bác sĩ Quang Dương
Ý kiến của bạn