Chứng đau dạ dày do đờm hỏa uất thuộc chứng vị quản thống trong Đông y, thường có các triệu chứng như: Đau vùng thượng vị , có biểu hiệu bất thường ở đường tiêu hóa như đầy bụng, ợ hơi, ợ chua nóng, hay no, đầy, khó tiêu, miệng hôi, ăn vào đau tăng tức ngực sườn, khó thở...
Bệnh phần nhiều do đờm với hỏa cấu kết với nhau mà sinh bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh liên quan đến tỳ vị yếu hay lạm dụng vị béo ngọt, cay nóng, khó tiêu, sinh đờm, tình chí nóng nảy, uất giận lâu ngày dẫn đến đàm hỏa uất ở tỳ vị (nóng nảy, uất giận gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa} mà sinh đau.
Phép trị chủ yếu hành khí khai uất, giải uất thanh nhiệt (giải tỏa uất giận, làm mát cơ thể)… Nếu người gầy nên ăn bổ mát dễ tiêu, tránh vị nóng, tránh thịt mỡ, đồ chiên xào, khó tiêu, tinh thần thoải mái, tránh lo lắng thái quá.
Dưới đây là 3 bài thuốc thảo dược chữa đau dạ dày do đờm hỏa uất hiệu quả:
1. Bài thuốc 'Việt cúc hoàn' trị đau dạ dày
Các biểu hiện: Bụng đầy đau, ợ chua, chậm tiêu...
Thành phần bài thuốc: Thương truật 12g, hương phụ 12g, xuyên khung 12g, thần khúc 12g, chi tử 12g.
Cách dùng: Các vị lượng bằng nhau tán bột làm hoàn hoặc sắc uống. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần. Uống khi thuốc còn ấm. Nếu làm hoàn viên bằng hạt ngô đồng, ngày uống 10-15 viên/lần, 2 lần/ngày.
Tác dụng: Hành khí giải uất nhiệt… trị đàm hỏa uất, bụng ngực đầy, nuốt chua, nôn, ăn uống không tiêu.
Giải phương: Trong bài thuốc vị thuốc hương phụ có tác dụng hành khí (thông khí) giải uất (giải tỏa uất giận), trị khí uất là chủ dược. Thương truật kiện tỳ. Xuyên khung hành khí hoạt huyết trị huyết ứ. Thần khúc tiêu thực (giúp dễ tiêu hóa). Chi tử thanh nhiệt trừ phiền, giáng hóa uất (trừ nóng, tiêu uất giận) đều là tá dược.
- Phần gia giảm:
- Nếu người gầy huyết hư gia thục địa, tăng xuyên khung.
- Nếu người mập yếu gia nhân sâm, hoặc đảng sâm.
- Nếu tỳ vị hư thấp nhiều gia phục linh.
- Nếu bụng đầy đàm nhiều gia bán hạ, nam tinh, qua lâu.
- Nếu bứt rứt khó ngủ gia táo nhân.
- Nếu thực uất nhiều gia mạch nha, sơn tra, sa nhân.
- Nếu hỏa uất nhiều gia hoàng liên, thanh đại.
Bài thuốc còn gia giảm áp dụng trị đau bụng kinh ở phụ nữ, viêm gan mạn, đau sườn, chứng khó ngủ, tâm thần bất an.
Kiêng kỵ: Chứng tỳ hư hay đi tiêu lỏng không có uất trệ (không có uất giận) không dùng.
2. Bài thuốc 'Tiêu giao gia giảm'
Các biểu hiện: Đau thượng vị lan sang cả hông sườn...
Thành phần bài thuốc: Đương quy 16g, bạch thược sao 14g, bạch truật 12g, phục linh 14g, sài hồ 12g, hương phụ 12g, thục địa 20g, xuyên khung 14g, chích thảo 6g, bạc hà 10g, sinh khương 12g. Sắc hoặc làm hoàn uống. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
Nếu làm hoàn viên bằng hạt ngô đồng, ngày uống 10-15 viên/lần, 2 lần/ngày.
Tác dụng: Kiện tỳ, khai can uất, dưỡng khí, điều huyết…
Khi kiện tỳ giúp tỳ sinh huyết hóa thấp, từ đó khí huyết lưu thông, đau dạ dày do đàm hỏa uất tự khỏi.
Kiêng kỵ: Chứng vị thực nhiệt đại tiện táo khó (táo bón).
3. Bài thuốc 'Hoàn can lý tỳ gia giảm'
Các biểu hiện: Hay đau thượng vị, ăn lạ hay bị đi lỏng, có viêm đại tràng...
Thành phần bài thuốc: Nhân sâm 12g, bạch truật 12g, phục linh 14g, trần bì 12g, hoài sơn 18g, bạch biển đậu sao 18g, xuyên khung 12g, chích thảo 4g, gừng nướng 12g, đại táo 12g. Sắc nước uống. Ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
Tác dụng: Bổ tỳ vị, thanh thấp nhiệt, điều hòa can tỳ… Tỳ chủ sinh huyết hóa thấp, can chủ điều huyết hòa huyết. Khi bổ tỳ giúp tỳ sinh huyết hóa thấp, khi can khí thuận là can điều hòa huyết mạch. Như vậy giúp tỳ vị sinh huyết hóa thấp, can tỳ điều hòa, các chứng đau dạ dày, viêm đại tràng tự khỏi.
Kiêng kỵ: Chứng tỳ thực nhiệt, khô khát, đại tiện táo khó không dùng bài thuốc này.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cà dầm tương xứ Đoài đậm đà hương vị quê hương.