Hà Nội

3 bài thuốc hỗ trợ trị viêm cầu thận mãn tính

SKĐS- Viêm cầu thận mãn tính là chứng “thủy thũng” và “hư lao” trong y học cổ truyền. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, tùy thuộc vào từng nguyên nhân, Đông y có các bài thuốc trị bệnh như sau.

Nguyên nhân viêm cầu thận mãn tính là do chính khí (sức đề kháng) suy yếu, công năng điều tiết thủy dịch của hai tạng tỳ, thận bất thường gây ra hàn thấp tổn thương tỳ, thận (dương khí suy), hoặc do dương hư kéo theo âm hư, tổn thương can thận, âm huyết làm cho ngũ tạng không được nuôi dưỡng. Khi chuyển bệnh nặng là lúc âm dương khí huyết đều hư nhược.

photo-1650208468213

Hình ảnh thận bình thường và viêm cầu thận

Đông y chia bệnh viêm cầu thận mãn tính thành 3 thể bệnh chính, tùy từng thể bệnh mà dùng bài thuốc phù hợp như sau:

1. Viêm cầu thận mạn tính thể tỳ dương hư

Biểu hiện: Phù toàn thân, phù tái đi tái lại, người nặng nề, tay chân mỏi mệt, đầy tức bụng, sắc mặt vàng xanh bủng, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch vi hoãn.

Phương pháp điều trị: Ôn dương, hóa thấp, lợi thũng.

Bài thuốc: "Vị linh thang gia giảm".

Thành phần: Quế chi 6g; trạch tả 16g; thương truật sao 12g; ý dĩ 12g; hậu phác 8g; xa tiền tử 16g; xuyên tiêu 4g.

Gia giảm:

Nếu đổ mồ hôi nhiều, sợ gió, gia: Sinh hoàng kỳ 12g, phòng phong 6g.

Nếu ăn uống kém, sợ lạnh, phân lỏng hoặc sệt, ngày đi nhiều lần, gia: Phụ tử chế 4g; can khương 6g; bạch truật sao 16g; đảng sâm sao 12g.

2. Viêm cầu thận mạn tính thể tỳ thận dương hư

Biểu hiện: Phù thũng không rõ hoặc phù kéo dài (nhất là ở 2 mắt cá chân), bụng trướng, đau mỏi lưng gối, sợ lạnh, lạnh 2 chân, tiểu ít, mặt trắng xanh, ngũ canh tiết tả (sáng sớm đi cầu phân lỏng). Chất lưỡi hồng nhạt, bệu, rêu trắng mỏng. Mạch trầm vi tế.

Phương pháp điều trị: Ôn thận, kiện tỳ.

Bài thuốc: "Quế phụ lý trung thang" hợp "thận khí hoàn" gia giảm:

Thành phần: Phụ tử chế 12g; sơn dược sao 16g; nhục quế 4g; bạch linh 16g; thục địa 16g; trạch tả 1g; sơn thù 2g; can khương 6g; bạch truật sao16g.

photo-1650208470748

Vị thuốc xa tiền tử trong thể bệnh tỳ thận dương hư

Gia giảm:

Nếu phù rõ, gia: Ngưu tất 16g, xa tiền tử 18g.

Nếu ăn ít, đầy bụng, phân lỏng thì bỏ thục địa, sơn thù, gia đảng sâm 12g.

Nếu đau mỏi lưng nhiều, sợ lạnh, tiểu ít, ít phù thì bỏ trạch tả, can khương, gia đỗ trọng 12g, thỏ ty tử 12g, lộc giác phiến 10g. Nếu mệt mỏi nhiều, khí đoản (ngắn hơi) váng đầu hồi hộp, nặng mặt, dễ đổ mồ hôi thì bỏ trạch tả, can khương, gia đảng sâm 12g, hoàng kỳ 16g, đương quy 12g.

Nếu phụ nữ tắc kinh, lưỡi tím thì gia: Hồng hoa 8g, đào nhân 12g, ích mẫu thảo 16g.

Nếu kèm ngoại cảm: sợ gió phát sốt, ho, phù, gia ma hoàng 6g, tế tân 2g, quế chi 6g.

3. Viêm cầu thận mạn tính thể can thận âm hư

Biểu hiện: Phù ít hoặc không phù, chóng mặt, đau đầu, mặt đỏ, ù tai, hoa mắt hoặc mờ mắt, lưng mỏi đau, khô miệng, hồi hộp, đổ mồ hôi trộm, di tinh, tiểu vàng, chất lưỡi đỏ, rêu vàng mỏng. Mạch vi huyền (đa số bệnh nhân thể can thận âm hư dẫn đến huyết áp tăng cao).

Phương pháp điều trị: Tư dưỡng can thận.

Bài thuốc: "Kỷ cúc địa hoàng thang gia giảm"

Thành phần: Chế thủ ô 16g; mẫu lệ 24g; sinh địa 16g; cúc hoa 16g; câu kỷ tử 16g; đơn bì 12g; tang ký sinh 20g; bạch tật lê 16g.

Gia giảm:

Nếu hồi hộp, mất ngủ, gia: Toan táo nhân sao 12g.

Nếu tiểu ít, người bệnh cảm thấy nóng nực gia tri mẫu 12g, hoàng bá 10g.

Nếu chóng mặt, đau đầu nhiều bỏ cúc hoa, gia hạ khô thảo 12g, câu đằng 16g, thạch quyết minh 2g.

Nếu phù nhẹ: Bỏ vị chế thủ ô, cúc hoa, bạch tật lê. Gia xa tiền thảo 20g, thổ phục linh 16g, trạch tả 12g.

Để đạt được hiệu quả tốt trong điều trị bệnh viêm cầu thận mãn, người bệnh cần thực hiện nghỉ ngơi, làm việc, ăn uống phù hợp với bệnh tật (ăn nhạt, không ăn mặn, kiêng mỡ động vật, ăn đủ đạm); thường xuyên thăm khám theo định kỳ thì hiệu quả mới như mong muốn.

Mời bạn xem thêm video:

Món ăn bổ dưỡng từ thịt gà

BS Vũ Quốc Trung
Ý kiến của bạn