1. Đỗ trọng hạ huyết áp trong thể bệnh nào?
Theo y học cổ truyền, bệnh cao huyết áp thuộc phạm trù chứng huyễn vựng, đầu thống. Khi bệnh tiến triển nặng, nguy hiểm hoặc gây đột quỵ não thì y học cổ truyền xếp trong phạm trù chứng trúng phong.
Bệnh được chia thành nhiều thể bệnh như: Can dương thượng cang; can thận âm hư; đàm thấp nội trở; âm dương lưỡng hư...
Đối với mỗi thể bệnh cần áp dụng phương pháp điều trị, bài thuốc, vị thuốc thích hợp.
Vị thuốc đỗ trọng
Vị thuốc đỗ trọng, tính ấm, bổ gan, thận, có tác dụng hạ huyết áp nhưng là vị thuốc chỉ thích hợp với thể âm dương lưỡng hư.
Đặc trưng của thể âm dương lưỡng hư: Đau đầu, chóng mặt, ù tai, hồi hộp, trống ngực, mất ngủ, ngủ hay mê, vận động thì khó thở, đau lưng, mỏi gối, di tinh, liệt dương, tiểu tiện trong và số lượng nhiều, mạch trầm tế vô lực.
Không dùng đỗ trọng trong trường hợp cao huyết áp thể: Can dương thượng cang hay can thận âm hư.
2. Cách dùng đỗ trọng hạ huyết áp
2.1 Nước sắc đỗ trọng
Thành phần: Đỗ trọng, sao, sắc lấy nước uống hoặc tán bột mịn. Mỗi ngày dùng từ 3-15g.
Công dụng: Điều hòa huyết áp. Đỗ trọng sao (gia nhiệt, rang chín) có tác dụng hạ huyết áp tốt hơn đỗ trọng sống (chưa sao chế).
Vị thuốc hoàng cầm
2.2 Thang đỗ trọng hạ khô thảo
Thành phần: Đỗ trọng 10g, hoàng cầm 10g, hạ khô thảo 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia uống trong ngày.
Công dụng: Giảm đau đầu và giải trừ những triệu chứng khó chịu thường gặp ở người cao huyết áp (hoa mắt, chóng mặt). Nên sử dụng theo từng đợt, 7- 10 ngày là một liệu trình.
2.3 Món ăn bài thuốc hỗ trợ điều trị
Thành phần: Đỗ trọng 30g, ngưu tất 20g, gừng tươi 5g, thận heo 1 cái. Nấu thành canh ăn.
Công dụng: Bổ dưỡng tăng cường sức khỏe, trừ phong hàn, cầm nôn do lạnh, giải độc, điều hòa huyết áp. Nên sử dụng liền 3 – 5 ngày.
Mời bạn xem thêm video:
Bệnh phong vẫn còn rình rập? | SKĐS