1. Đặc điểm của bệnh tinh hồng nhiệt
Tinh hồng nhiệt trong Đông y gọi là "đan sa", "dịch sa" hoặc "lạn hầu sa". "Sa" chỉ loại bệnh cấp tính; "đan" là son, vì da đỏ như son; còn "lạn hầu" có nghĩa là yết hầu bị viêm loét.
Bệnh có tính "thời khí", phát tác khi thời tiết biến đổi đột ngột. Trẻ bỗng nhiên sốt cao, sợ rét, họng đau hoặc khó nuốt, người khó chịu, buồn nôn. Nhìn vào họng thấy tấy đỏ, amiđan (amygdala) sung huyết, với những điểm vàng nhạt, rỉ nước. Trên vòm họng và niêm mạc miệng có thể xuất hiện những chấm đỏ tía hoặc những điểm xuất huyết nhỏ li ti.
Sau khoảng một ngày thì bắt đầu phát ban, trên da xuất hiện những vầng đỏ tươi, cùng những chấm đỏ (nốt chẩn) cỡ đầu kim. Chẩn mọc đầu tiên ở sau tai, cổ và ngực. Khoảng một ngày sau, thì lan ra toàn thân. Da mặt tấy đỏ nhưng không có các nốt chẩn. Cằm, môi và cánh mũi bình thường, nhưng da quanh miệng lại hình thành một quầng trắng nhợt.
Bệnh tinh hồng nhiệt có tính "thời khí", phát tác khi thời tiết biến đổi đột ngột.
Bệnh có thể lây nhiễm cao, chủ yếu thông qua đường hô hấp, khi nói chuyện, ho hoặc hắt hơi. Đặc điểm nổi bật của nốt tinh hồng nhiệt là: Dùng ngón tay ấn vào thì lặn (trừ những đường xuất huyết). Sau khi chẩn mọc 2-3 ngày, sốt bắt đầu giảm dần, tới ngày thứ 6-7 thì trở lại bình thường. Sau khoảng 1 tuần, da ở bàn tay, cánh tay, bàn chân và đùi bong ra từng mảng; da trên cổ và mình bong ra như vẩy cám, còn trên mặt giống như rắc phấn. Tình trạng toàn thân tốt dần lên.
2. Bài thuốc điều trị bệnh tinh hồng nhiệt
- Biểu hiện: Trường hợp bệnh mới phát, bệnh tà (vi khuẩn) mới xâm phạm vào đường hô hấp trên có những biểu hiện như sốt, không mồ hôi, sợ lạnh, miệng khát, nhức đầu, ho, đau họng, khó nuốt, amiđan sưng thũng, tấy đỏ, da ửng hồng, có những nốt chẩn đỏ ẩn hiện lờ mờ ở dưới da; chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù sác (nổi, nhanh).
+ Bài thuốc: Tang diệp (lá dâu tằm) 10g, cúc hoa 12g, bạc hà 5g, xuyên tâm liên 5g, cát căn (củ sắn dây) 10g, cát cánh 9g, hạnh nhân 9g, lá tre 12g, cam thảo 3g. Các vị thuốc sắc với 800ml nước, còn 400ml; chia đều 4 phần uống trong ngày, uống trước bữa ăn, mỗi lần 100ml.
+ Công dụng: Giải cảm, sát khuẩn, điều hòa chức năng hô hấp.
Chất lưỡi đỏ, gai lưỡi trồi lên giống như trái dâu
- Biểu hiện: Trường hợp bệnh tà đã vào sâu, tổn thương khí huyết có những biểu hiện như sốt cao, mặt đỏ bừng, họng khô, khát, viêm loét miệng, yết hầu sưng đau, ban chẩn mọc dầy, nốt chẩn đỏ như son. Chất lưỡi đỏ, gai lưỡi trồi lên giống như trái dâu; mạch sác hữu lực (nhanh, mạnh).
+ Bài thuốc: Sinh thạch cao (thạch cao chưa nung) 20g, xuyên tâm liên 5g, chi tử (dành dành) 10g, kim ngân hoa 10g, đại thanh diệp (cành lá cây bọ mẩy, còn gọi là "bọ nẹt") 10g, sinh địa 10g, huyền sâm 10g, xạ can (rễ hoặc lá rẻ quạt) 6g, bạch mao căn (rễ cỏ tranh) 10g, lá tre 12g, cam thảo 6g. Các vị thuốc sắc với 900ml nước, còn 400ml; chia đều 4 phần uống trong ngày, mỗi lần 100ml.
+ Công dụng: Lương huyết (mát máu), giải độc.
- Biểu hiện: Trường hợp tinh hồng nhiệt thể ác tính có những biểu hiện như sốt cao liên tục không lui, chẩn mọc dầy đặc, sắc đỏ tía, họng viêm tấy đỏ lở loét, hơi thở hôi, người mệt, ngủ nhiều…
+ Bài thuốc: Sinh địa 15g, xuyên tâm liên 8g, mạch môn đông 10g, đại thanh diệp (bọ mẩy) 15g, bản lam căn 15g, hoàng liên 6g, liên kiều 15g, xương bồ 6g, uất kim 10g, câu đằng 12g, bạch cương tàm 10g, cam thảo 6g. Các vị thuốc trừ câu đằng sắc với 900ml nước, còn 400ml; chia đều 4 phần, uống trong ngày, mỗi lần 100ml (câu đằng cho vào sau, trước khi bắc thuốc ra khoảng 10 phút).
+ Công dụng: Thanh nhiệt, giải độc, tức phong (chống co giật).
Mời bạn xem thêm video:
6 cách giúp hạn chế nám, Sạm da | SKĐS