Theo Y học cổ truyền, thận thuộc ngũ tạng, có vai trò quan trọng trong cơ thể.
Thận hư có thể chẩn đoán và điều trị bằng thuốc Y học cổ truyền.
1. Tạng thận và chức năng sinh lý
Thận tàng tinh. Tinh là vật chất cơ bản để cấu tạo nên cơ thể. Tinh có thể hóa thành khí. Tinh của thận hóa khí gọi là thận khí. Tinh khí đầy đủ, cơ thể khỏe mạnh.
Thận tinh là thận âm, có tác dụng nhu nhuận các tạng phủ. Làm ấm, sinh hóa các tạng phủ. Thận âm và thận dương cân bằng thì tạng thận được hài hòa.
2. Nhận biết dấu hiệu thận hư
Khi một trong thận dương hoặc thận âm mất cân bằng, thận âm hư hoặc thận dương hư, sẽ khiến công năng tạng thận suy giảm.
Thận dương hư có một số biểu hiện như: Người lạnh, chân tay lạnh. Đau mỏi gối và lưng âm ỉ, bệnh lâu năm. Rối loạn cương dương ở nam giới. Tinh thần uể oải, mệt mỏi.
Thận âm hư có một số biểu hiện như: Váng đầu, đau đầu, chóng mặt, ù tai… Họng khô. Ngũ tâm phiền nhiệt: Má đỏ, hai lòng bàn tay đỏ, cảm thấy nóng ở trước ngực. Cơ thể ra nhiều mồ hôi ở cùng môi trường so với người khỏe mạnh bình thường. Đau thắt lưng, mỏi gối...
3. Thuốc điều trị thận hư
3.1. Thận dương hư
Pháp điều trị: Ôn bổ thận dương.
Phương thuốc:
Thận khí hoàn (kim quỹ yếu lược): Thục địa 300g, hoài sơn 150g, sơn thù 150g, trạch tả 110g, phục linh 110g, đan bì 110g, quế chi 110g, phụ tử 110g.
Các vị thuốc trên dùng để làm hoàn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10g, uống với nước ấm. Uống sau ăn 1 - 2 giờ.
Tác dụng bài thuốc: Bổ thận âm và thận dương, tư bổ can tỳ, lợi thủy thẩm thấp và tả can hỏa.
Bát vị hoàn: Thục địa 320g, hoài sơn 160g, sơn thù 160g, bạch linh 120g, đan bì 120g, trạch tả 120g, nhục quế 40g, phụ tử 40g.
Các vị thuốc trên dùng để làm hoàn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10g, uống với nước ấm. Uống sau ăn 1 - 2 giờ.
Tác dụng bài thuốc: Bổ thận âm, bổ thận dương, bồi dưỡng ngũ tạng, sinh tinh.
3.2. Thận âm hư
Pháp điều trị: Tư bổ thận âm.
Phương thuốc: Lục vị hoàn (tiểu nhi dược chứng trực huyết): Thục địa 320g, hoài sơn 160g, sơn thù 160g, bạch linh 120g, đan bì 120g, trạch tả 120g.
Các vị thuốc trên dùng để làm hoàn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10g, uống với nước ấm. Uống sau ăn 1 - 2 giờ.
Tác dụng bài thuốc: Tư bổ thận âm, tư thận ích can, bổ tỳ, thẩm thấp kiện tỳ, giáng trọc.
Lưu ý: Thông tin bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Khi gặp một trong các dấu hiệu của thận hư cần thăm khám và chẩn đoán điều trị tại cơ sở y tế uy tín. Không nên tự ý dùng thuốc Y học cổ truyền trong mọi trường hợp.
4. Phòng tránh bệnh thận
- Tập thể dục: Giúp cho cơ thể duy trì huyết áp bình thường và kiểm soát được lượng đường máu, giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, các bệnh về thận.
- Cân bằng chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau tươi và trái cây sẽ giúp cơ thể giảm được nguy cơ mắc các bệnh về thận. Đối với những người trên 40 tuổi, giảm muối sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng tăng huyết áp và sỏi thận.
- Tránh hút thuốc lá: Khói thuốc lá có thể dẫn đến xơ vữa mạch, làm giảm lưu lượng máu đến thận, giảm khả năng hoạt động tốt nhất cho thận.
- Thận trọng khi sử dụng thuốc: Không được lạm dụng thuốc, đặc biệt là các thuốc giảm đau, chống viêm, gây tổn thương cho thận, đặc biệt là sẽ dẫn đến suy thận nếu sử dụng thường xuyên.
- Uống đủ nước: Giúp làm loãng nước tiểu, loại bỏ các chất độc hại ra khỏi cơ thể và ngăn ngừa sỏi thận.
- Kiểm tra thận định kỳ: Vì bệnh thận thường xảy ra thầm lặng và không gây ra những triệu chứng rõ ràng cho đến giai đoạn muộn nên việc chẩn đoán sớm và phòng ngừa bệnh thận cần được thực hiện đều đặn, đặc biệt là những người có nguy cơ cao như những người mắc bệnh đái tháo đường, béo phì, tăng huyết áp...
Xem thêm video đang được quan tâm:
Chứng thận hư thận yếu – hiểu đúng bệnh, chữa đúng cách.