3 bài tập thở tốt cho người bệnh hen suyễn

SKĐS - Tập thở là một liệu pháp bổ sung cùng với sử dụng thuốc và các phương pháp điều trị hen suyễn tiêu chuẩn khác, giúp làm giảm triệu chứng của bệnh.

Hen suyễn (hen phế quản) là một bệnh mãn tính của đường hô hấp. Khi xuất hiện cơn hen, lớp niêm mạc của ống phế quản sẽ sưng lên, viêm nhiễm và dễ bị kích ứng. Sự co thắt và viêm nhiễm sẽ làm thu hẹp các đường dẫn khí, làm giảm lưu lượng không khí ra vào phổi. Khi tình trạng phù nề trở nên nghiêm trọng, đường dẫn khí bị tắc nghẽn, khiến người bệnh sẽ phải đối mặt với tình trạng khó thở, thờ khò khè… Dưới đây là ba bài tập thở mà người bệnh có thể dễ dàng thực hiện:

Tập thở bằng cơ hoành (còn gọi là thở bụng)

photo-1638887103026

Phương pháp thở bụng.

Cơ hoành là một vân cơ dẹt, rộng, hình vòm, làm thành một vách gân – cơ ngăn giữa lồng ngực và ổ bụng. Cơ hoành đóng vai trò quan trọng trong hệ thống hô hấp của con người. Khi cơ hoành co thì vòm hoành sẽ dịch chuyển xuống dưới, lồng ngực giãn, áp lực trong lồng ngực giảm, không khí được hít vào. Sau đó nó sẽ dịch chuyển ngược lại lên trên trong khi thở ra, khiến phổi hết không khí.

Trong thở bằng cơ hoành, người bệnh sẽ học cách thở từ vùng xung quanh cơ hoành, thay vì từ ngực. Kỹ thuật này giúp tăng cường cơ hoành, làm chậm nhịp thở và giảm nhu cầu oxy của cơ thể. Để luyện thở bằng cơ hoành:

1. Nằm ngửa (đầu gối cong và kê một chiếc gối dưới đầu gối), hoặc ngồi thẳng trên ghế.

2. Một tay đặt lên ngực, một tay đặt lên bụng (để cảm nhận di động của bụng và ngực).

3. Hít vào bằng mũi (mím môi), bụng phình ra (tay ở bụng đi lên)

4.Thở ra từ từ bằng miệng chúm môi lại (giống như thổi sáo), bụng xẹp xuống (tay ở bụng đi xuống).

5. Hít vào 1-2 thì thở ra 1-2-3-4 (gấp đôi lúc hít vào).

2. Phương pháp thở Buteyko (thở chậm, sâu)

Ở người bệnh hen suyễn, thở nhanh có thể làm tăng các triệu chứng như khó thở. Vì vậy, áp dụng cách thở chậm, sâu (còn gọi là phương pháp thở Buteyko) sẽ giúp cải thiện các triệu chứng của hen suyễn và giúp giảm nhu cầu dùng thuốc. Đây là một hình thức điều trị không y tế không chỉ cải thiện bệnh hen suyễn mà còn cải thiện các rối loạn hô hấp khác. Cách thực hiện:

  • Ngồi trên sàn hoặc trên ghế, thẳng lưng.
  • Thư giãn các cơ hô hấp của bạn.
  • Hít thở bình thường trong vài phút.
  • Sau khi thở ra thư giãn (dùng ngón trỏ và ngón cái để bịt mũi) và giữ hơi thở càng lâu càng tốt, cho đến khi cảm thấy muốn thở) và sau đó hít vào.
  • Hít thở bình thường trong ít nhất 10 giây.
  • Lặp lại vài lần từ bước 4 đến bước 5

Lưu ý: Khi tập kỹ thuật thở Buteyko, hãy luôn hít vào thở ra bằng mũi. Nếu bất cứ lúc nào người bệnh cảm thấy lo lắng, khó thở hoặc khó chịu dữ dội, hãy ngừng tập và hít thở bình thường. Khi đạt được sự tiến bộ, người bệnh có thể nín thở trong thời gian dài hơn. Theo thời gian, có thể giữ tạm dừng hơi thở tối đa trong 2 phút.

3. Thở chúm môi

Thở chúm môi là một kỹ thuật được sử dụng để giảm bớt tình trạng khó thở.

Cần chọn vị trí thoáng mát, không khí trong lành, một chiếc ghế có bành tựa ở sau để khi cần có thể tựa vào (ghế ngồi phải chắc chắn).

Khi thực hiện động tác cần ngồi thẳng lưng, tư thế thoải mái, thư giãn thả lỏng các cơ. Hai chân đặt bằng và cuông góc với mặt đất, hai tay đặt thoải mái lên đùi.

Kỹ thuật thở như sau:

1.Hít vào bằng mũi (mím môi).

2.Thở ra từ từ bằng miệng chúm môi lại (giống như thổi sáo).

3.Hít vào 1-2, thở ra 1-2-3-4 (gấp đôi lúc hít vào).

photo-1638887104857

Thở chúm môi.

Khi hít vào và thở ra không cần gắng sức quá mức mà chỉ cần hít sâu vừa sức cùng với thở ra vừa sức (nếu hít sâu được thì càng tốt nhưng đừng cố quá sức). Lặp đi lặp lại động tác hít thở này hàng ngày. Nên tập thở thường xuyên. Khi nào khó thở hay vận động thì hãy dùng cách hít thở này. Tập mỗi ngày ít nhất 3 lần (mỗi lần 15 phút). Sau quen có thể dùng cách thở này liên tục hàng ngày. Học các bài tập thở này và thực hành chúng thường xuyên có thể giúp người bệnh kiểm soát tốt hơn các triệu chứng hen suyễn của mình.

Tuy nhiên, ngay cả những bài tập thở hiệu quả nhất cũng không thể thay thế hoàn toàn việc điều trị bệnh hen suyễn. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ điều trị trước khi thử bất kỳ bài tập thở nào trong số này để đảm bảo rằng chúng an toàn và hiệu quả.

Mời độc giả xem thêm video:

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19


BS Nguyễn Bích Ngọc
Ý kiến của bạn