Không phải ngẫu nhiên mà dê được coi như một biểu tượng cho sức mạnh và nam tính của người đàn ông. Thịt dê không chỉ bổ dưỡng mà đã được coi là “bảo bối” phòng the của nhiều bậc đế vương giúp tăng cường sinh lý. Hơn nữa, không giống như nhiều loại “xuân dược” khác chỉ dành cho phái nam, dê giúp tăng cường sinh lý, sự hưng phấn cho cả nam và nữ trong chuyện chăn gối.
Căn nguyên biến dê thành “bảo bối phòng the”
Theo lương y Nguyễn Huy, bài ẩm thực liên hoàn này cần dùng linh hoạt theo thể trạng của từng người. Người bụng yếu thì tránh dùng rượu dê. Người dưới 30 tuổi nếu tình dục không kém thì không nên dùng các bài thuốc trên. Người dưới 18 tuổi không dùng. Người viêm gan, viêm thận, viêm phế quản cấp, người đau dạ dày, cao huyết áp tránh dùng bài thuốc với rượu dê.
Từ lâu trong tín ngưỡng dân gian, dê được coi là con vật nuôi nhanh nhẹn, ưa hoạt động. Đôi sừng dê được coi là biểu tượng cho sức mạnh, vũ khí oai hùng, thể hiện tự uy phong và nam tính. Dê cái được biểu tượng cho sự tự do, sự gắn kết, gần gũi với các vị thần. Người Trung Hoa thường dâng hiến đầu dê cho vị thần sấm sét để thần dùng làm chiếc đe trong công việc của mình. Thần Dớt (Zeus) lúc mới sinh ra cũng được bú bởi sữa của dê cái Amalthee, sau này Amalthee biến thành nữ thần sông núi rồi một nữ thần dưỡng sinh và trở thành con gái của thần Mặt Trời. Dê cái được biểu hiện cho sự thần bí, sự ân huệ của những thần linh. Còn đối với dê đực, hai quả “cà” nằm sát bên cặp đùi to khỏe và bộ râu dài lão trượng chính là hình ảnh mang tính biểu tượng có thể truyền giống ở bất cứ nơi đâu. Đó là một biểu trưng cho năng lực sinh sản, sức sống, năng lượng dục tình và sự phồn thực. Ngay từ thời Trung cổ, người ta đã coi dê đực là hình ảnh của sự dâm ô, luôn luôn mải mê với nhu cầu sinh sản. Ở châu Phi, một truyền thuyết của dân tộc Peul miêu tả con dê đực như biểu tượng của sức mạnh truyền giống và năng lực bảo hộ…
Từ lâu, thịt dê đã được chứng minh là có tác dụng kích thích và tăng cường sinh lý. Trong sách Lĩnh Nam bản thảo, Hải Thượng Lãn Ông ghi nhận: “Dương nhục tục gọi là thịt dê. Nóng nhiều, ngọt đắng, ích tâm tỳ. Bổ hư lao lạnh, trừ kinh giản. Phong, đầu choáng, lưng đau, dương nuy (liệt dương)”. Theo sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” (Tác giả Đỗ Tất Lợi-Nxb Y học, 1999) thì hầu hết các bộ phận của con dê (thịt, xương, tiết, gan, tinh hoàn, dạ dày,…) đều được dùng làm thực phẩm, làm thuốc chữa trị bệnh tật và bồi bổ sức khỏe. Đặc biệt, dê chính là con vật sẽ đem lại vận mệnh may mắn cho cung tần mĩ nữ trong triều đình nếu các nàng biết chiều theo ý nó. Sách Tấn thư có ghi lại, Tấn Vũ Đế (thời Chiến quốc) là ông vua có đời sống rất xa hoa, trong hậu cung thu nạp hàng trăm mỹ nữ. Để chọn lấy một người qua đêm với mình, ông vua này thường ngồi trên một chiếc xe có dê kéo trong hậu cung. Nếu dê dừng lại ở cửa phòng nào thì người cung phi ấy sẽ may mắn được diện kiến “mặt rồng” và được Tấn Vũ Đế ân sủng. Khi biết điều này, các phi tần muốn tranh thủ sự sủng ái của nhà vua thường bí mật rắc lá dâu trước cửa phòng, với hy vọng chú dê kéo xe thiên tử sẽ dừng lại.
Dê cũng là một trong những thực phẩm cầu kỳ, quý hiếm được liệt vào danh sách món ăn cho Từ Hi Thái Hậu – “bà hoàng” nổi tiếng ham mê dục vọng nhất Trung Hoa. Tương truyền, Từ Hi Thái Hậu luôn có một đời sống phòng the sung mãn, ngay cả trong thời điểm bà đã bước xa cái tuổi thất thập. Những truyện ngoài chính sử nhà Thanh (Trung Quốc) lưu lại đều cho rằng: Ngoài 80 tuổi, Từ Hi vẫn giữ được nét thanh xuân. Bên cạnh đó, khả năng chăn gối của người đàn bà này cũng không hề giảm sút. Nhắc đến Từ Hi, dĩ nhiên không thể bỏ qua “Bữa tiệc Tết Canh Tý” gồm 7 món, trong đó, xuất hiện một loại trùng mang tên “Sơn Dương Trùng”.
Món ăn được chế biến bằng cách: con sơn dương (dê) nhỏ hơn 2 tháng tuổi được nuôi bằng Đông trùng Hạ thảo được các đầu bếp giết thịt, bỏ hết nội tạng rồi ngâm trong rượu quý và nước gừng trong một ngày. Ngày thứ hai mang những chú dê ra rồi ngâm chúng trong sữa tươi và nước sâm nhung. Ngày thứ ba dùng dùi vàng xuyên thủng qua gương sen và cuống hoa quỳ trắng (Phan bạch quỳ - hoa sen trắng của Ðại Hàn thường nở vào mùa đông) để cắm hoa vào mình sơn dương. Tiếp tục ngâm như vậy đến ngày thứ 10 thì trong các đóa hoa tự nhiên xuất hiện lúc nhúc những con dòi trắng nõn. Đầu bếp lấy dòi ấy chế biến thành món sơn dương trùng, trị các bệnh bán thân bất toại, tê liệt và lao phổi đại tài, tăng cường sinh lý, giúp cho chuyện phòng the luôn được sung mãn cho cả nam và nữ. Món ăn này đã được Từ Hi Thái Hậu sử dụng để đãi khách quý trong dịp Tết Canh Tý. Ngoài ra, các món ăn bài thuốc từ dê cũng được coi như một loại thuốc thường được sử dụng trước khi “lâm trận” của các hoàng đế thời xưa.
Cách chế biến ba bài ẩm thực liên hoàn
Theo lương y Nguyễn Huy, một con dê đực có khả năng phục vụ cho khoảng 50 con dê cái. Nếu thiếu dê đực thì dê cái sinh sản kém, dê đực… chóng hỏng. Quan niệm thịt dê có tác dụng tăng cường sinh lý, tốt cho chuyện phòng the có lẽ bắt nguồn từ tập tính này. Theo Y học cổ truyền, thịt dê được dùng làm thuốc chữa bệnh, có tác dụng bổ dương và kích dục mạnh. Đánh giá về tác dụng tuyệt hảo đối với “chuyện phòng the” của loài dê, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Quốc Toán (Bộ môn Y học Cổ truyền, ĐH Y Hà Nội) cũng khẳng định: Trong 100g thịt dê có đến 17,5% protit, 40% là lipit. Thịt dê có vị ngọt, không độc, tăng cường trợ dương, bổ huyết, chữa lao phổi, người gầy yếu. Nếu một người ăn liên tục 30 - 40g thịt dê mỗi ngày sẽ khỏi gầy yếu, đau lưng, dương sự kém, khí huyết hư tổn, chứng ra nhiều mồ hôi. Đặc biệt, thịt dê cũng rất tốt cho phụ nữ gầy yếu, ít sữa sau khi sinh nở.
Theo lương y Nguyễn Huy (Hội Đông Y Việt Nam) dê cho ta nhiều vị thuốc, nhiều món ngon bổ dưỡng. Trong số đó, nhiều bài thuốc chế từ dê có tính chất “xuân dược” (thuốc tăng cường sức xuân, trường xuân, hồi xuân, ít cho xuân tình). Những bài thuốc liên hoàn ẩm thực từ dê, theo lương y Nguyễn Huy cũng được ghi chép lại trong nhiều y văn từ xa xưa. Trong đó, có thể kể đến như hai bài rượu từ tiết dê bao gồm:
Rượu tiết dê tươi: Tiết dê tươi nóng 50 – 100ml (nam chọn con đực khỏe mạnh, hăng hái, vô bệnh; nữ lấy con cái mượt mà, trẻ trung tuổi dậy thì); rượu ngon, đảm bảo 50 – 100ml hòa lẫn tiết mà uống. Mỗi lần uống nam pha thêm rượu quế hoặc rượu gừng để tăng cường thêm sức mạnh, nữ vắt thêm vài giọt chanh tươi cho thuận khí.
Rượu tiết dê khô: Khoảng 1 - 2 lít tiết dê để đông rồi sấy khô hay phơi kiệt; rượu trắng 2 lít cho vào ngâm trên 100 ngày. Ngày uống từ 1 – 3 chén nhỏ chia 1 – 3 lần trước bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ. Với Nam có thể pha thêm một nửa là rượu rắn hoặc Minh Mệnh tửu. Nữ có thể pha thêm 30% rượu tứ vật thang (xuyên khung 12g, xuyên quy 40g, thục địa 100g, bạch thược 60g - công thức 1 lít rượu) và 20% mật ong, liều uống như trên. Qua thực tiễn cho thấy, rượu tiết dê giúp bổ huyết, tăng hồng cầu, tuyên phế, tốt cho dương khí ở thận, thêm hào hứng xuân tình.
Không chỉ tiết dê, thịt loài động vật này cũng được xem là “bảo bối” giúp cải thiện sinh lực. Trong Đông y, bài thuốc từ thịt dê được khuyên dùng là Thịt dê hầm thuốc Bắc. Để chế biến món ăn – bài thuốc này, người dùng cần chuẩn bị: Thịt dê 100 – 200g; Đỗ trọng 20g; Dương dâm hoắc 50g; Khởi tử 20g; Đương quy 12g; Thục địa 20g; Quế nhục 6g; Ba kích nhục 16g; Sa sâm 12g (có thể thay thế bằng nhân sâm 6g); Táo hồng 16g. Khi đã đủ nguyên liệu, các vị dược liệu như đỗ trọng, dâm dương hoắc cho vào sắc với 1.500ml nước còn 1.200ml rồi vớt bỏ bã. Thịt dê thái nhỏ rồi đem hầm nhừ với các vị thuốc còn lại, gia vị, tiêu ớt vừa đủ mà ăn chia làm 2 lần/ngày lúc 3- 4 giờ chiều hoặc tối muộn. Nếu dùng cho phụ nữ thì thay Quế nhục bằng xuyên khung, thay ba kích bằng Bách hợp (8g).
So với tiết dê và thịt dê, cà dê thật sự là “vưu vật” được nhiều quý ông tôn sùng. Ngoài phương pháp ngâm rượu, cà dê cũng có thể dùng hầm thuốc Bắc giúp cải thiện sinh lý. Mỗi lần dùng chỉ nên chế biến từ 1 đến 2 quả. Cách nấu và dùng giống như với thịt dê. Nhưng với nữ giới, nên thay cà dê bằng dạ con dê hoặc bao tử dê. Công dụng của món cà dê hầm thuốc Bắc là đại bổ khí huyết song toàn, đại bổ thận cường dương, sinh tinh ở nam, mạnh âm, ích noãn ở nữ. Bài thuốc này giúp nam nữ ở độ tuổi sinh đẻ nhanh chóng có con, ở độ tuổi ngoại ngũ tuần sức khỏe thêm cường tráng, tình xuân vẫn dồi dào. Bài thuốc khỏe gân xương, ích hình thể, chống thoái hóa xương khớp, khỏe tim phổi, chống lão hóa, ích thọ…
Bảo An