Ông Lê Bạch Dương – Trợ lý Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho biết, nghiên cứu trên thế giới cho biết tại một số quốc gia cứ 4 phụ nữ thì có 1 người bị bạo lực tình dục và 1/3 các em nữ ở độ tuổi vị thành niên chia sẻ lần đầu tiên quan hệ tình dục của họ là do bị cưỡng ép.
Tại Việt Nam theo Điều tra quốc gia về Bạo lực gia đình với phụ nữ năm 2010, 58% phụ nữ kết hôn đã từng bị bạo hành trong đời. Tuy nhiên, 50% phụ nữ bị bạo lực không nói với bất kỳ ai. 10% cho biết họ đã bị ép buộc tình dục bởi chồng của mình.
Kết quả điều tra năm 2016 của Bộ LĐTBXH và Tổ chức ActionAid tại năm tỉnh và thành phố cho thấy 51% phụ nữ thừa nhận rằng họ đã từng bị quấy rối tình dục ít nhất một lần.
Theo các chuyên gia, bạo lực tình dục là loại bạo lực ẩn giấu sâu nhất trong các dạng bạo lực. Nạn nhân cảm thấy khó khăn khi đối diện với câu chuyện của chính mình. Một mặt, có thể họ không đủ thông tin, kiến thức để nhận diện vấn đề, mặt khác, các định kiến xã hội và sự thiếu hụt dịch vụ hỗ trợ cũng là một lý do đáng kể. Tỷ lệ bỏ cuộc trong các vụ kiện liên quan đến bạo lực tình dục cho thấy đây là vấn đề không mấy dễ dàng.
87% phụ nữ bị bạo lực trong khảo sát quốc gia đã không tìm kiếm bất kỳ sự giúp đỡ nào từ các dịch vụ hoặc các cơ quan có trách nhiệm.
Bạo lực tình dục gây nhiều ám ảnh nhất và nạn nhân rất khó chia sẻ câu chuyện của mình. Ảnh minh hoạ.
Trong khi đó, số vụ phạm tội liên quan đến bạo lực tình dục được trình báo tăng đều trong giai đoạn 5 năm từ 2008 đến 2012, với 947 vụ được trình báo năm 2008 và 1.338 vụ năm 2012. Những số liệu thống kê này chỉ ghi nhận hai hình thức bạo lực tình dục là hiếp dâm ở người trưởng thành và quan hệ tình dục với trẻ em, và cho thấy khoảng 3/4 số vụ tội phạm tình dục được trình báo có liên quan đến nạn nhân trẻ em và chỉ khoảng 25% số vụ liên quan đến hiếp dâm phụ nữ trưởng thành (báo cáo của Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc - UNWOMEN).
Mặt khác, các hình thức bạo lực ít được nhận diện như quấy rối tình dục, tấn công tình dục hầu như chưa được ghi nhận trong các báo cáo quốc gia. Các vụ việc nghiêm trọng được công chúng biết tới thông qua các cơ quan truyền thông trong một vài năm trở lại đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Đằng sau đó còn rất nhiều những câu chuyện về thực trạng, nhu cầu hỗ trợ, công lý cho nạn nhân bạo lực tình dục,... vẫn chưa được nhắc tới.
“Những vết thương hở miệng” của bạo lực tình dục
Tại triển lãm nghệ thuật đa phương tiện “Phơi những vết thương hở miệng” về chủ đề Bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái, bà Nguyễn Vân Anh - Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cho biết, 17 tác giả là những người trong cuộc và đến từ những vùng miền khác nhau, công việc, độ tuổi khác nhau nhưng đều bị bạo lực tình dục. Có những người phải chịu đựng tổn thương từ khi còn nhỏ, có người bị bạo lực suốt hơn 20 năm, có người vừa mới ngày hôm qua…
Tất cả những đau đớn đó họ giữ cho riêng mình. Và đây là lần đầu tiên họ trải lòng về những vết thương trong sâu thẳm để được giải thoát, để tiếp tục hi vọng vào cuộc sống mới tốt đẹp hơn, để ngày mai mỗi người phụ nữ, mỗi trẻ em gái được sống, được yêu thương an toàn…
Triển lãm này nhằm thúc đẩy tiếng nói của người trong cuộc, cung cấp các bằng chứng về vấn đề bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái.
Những câu chuyện trưng bày trong triển lãm "Phơi những vết thương hở miệng".
Trong triển lãm này, những cuốn sách, bức ảnh, video, vật dụng trong đời sống thường ngày sẽ kể những câu chuyện có thật, những trải nghiệm của chính những người phải chịu bạo lực và quấy rối tình dục - điều vẫn thường được coi là chủ đề quá nhạy cảm để nói với người khác hay đem ra thảo luận trước công chúng.
"Mọi người đều có quyền sống không bị bạo lực. Đó là quyền cơ bản - quyền được ghi trong luật nhân quyền quốc tế. Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ cần phải là ưu tiên với mỗi người, cả nam và nữ. Hãy lên tiếng khi bị bạo lực!"- Trợ lý Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam nói.