Kể từ khi khởi động chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi tại Quảng Ninh vào ngày 14/4, đến nay đã có 28/63 tỉnh, thành phố triển khai tiêm và có báo cáo kết quả hàng ngày về Bộ Y tế. Đến chiều ngày 21/4, Bộ Y tế cho biết đã có 126.829 liều vaccine được tiêm cho trẻ trong độ tuổi này.
Đến nay ghi nhận một số trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm, chủ yếu là sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, đau đầu, mệt mỏi... Không ghi nhận trường hợp phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vaccine phòng COVID-19 ở trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi. Sơ bộ ban đầu tỷ lệ phản ứng thông thường sau tiêm vaccine phòng COVID-19 ở trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi thấp hơn thông báo của nhà sản xuất.
Ngày 21/4, TP Cần Thơ đồng loạt triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi trên địa bàn. Đợt đầu tiên sẽ tiêm cho nhóm tuổi từ 11 tuổi, trẻ đang học lớp 6 tại các trường và cơ sở giáo dục.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, đợt đầu tiên này thành phố đã nhận 10.400 liều vaccine Moderna để tiêm cho trẻ em. Theo kế hoạch phân bổ vaccine, TP Cần Thơ sẽ thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 theo thứ tự ưu tiên đợt đầu cho học sinh lớp 6 và trẻ từ 11 đến dưới 12 tuổi tại cộng đồng. Sau đó khi tiếp nhận thêm vaccine sẽ tiêm tiếp tục cho nhóm tuổi giảm dần.
Trong đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em lần này, đồng loạt 9 quận huyện sẽ tổ chức tiêm tại 69 điểm tiêm tại các địa điểm trường học trên địa bàn.
Theo thống kê, tổng số trẻ trong độ tuổi là 130.595 trẻ, trong đó số trẻ đang học tại các trường, cơ sở giáo dục là 126.661 trẻ, số trẻ tại cộng đồng là 3.934 trẻ.
Sáng 21/4, Trung tâm Y tế huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng bắt đầu triển khai đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 với 1.333 liều vaccine Moderna cho trẻ em đủ từ 11 tuổi đến dưới 12 tuổi trên địa bàn huyện. Đợt tiêm này kéo dài trong 2 ngày 21-22/4.
Ngày 21/4, Trung tâm y tế huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi mũi 1. Theo kế hoạch từ ngày 21-22/4, huyện Chơn Thành triển khai tiêm 960 liều vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em 11 tuổi.
Để việc triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 diễn ra an toàn, ngành y tế huyện phối hợp chặt chẽ cùng với các xã, thị trấn và các trường học bố trí điểm tiêm chủng với đầy đủ các phương tiện, kỹ thuật cần thiết để theo dõi sát người được tiêm, tuyệt đối an toàn, theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Trước băn khoăn của một số phụ huynh về việc có nên tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ trong lứa tuổi này, các chuyên gia y tế cho biết, số liệu thống kê cho thấy, trẻ em dưới 18 tuổi có ít nguy cơ tử vong do COVID-19 và nếu mắc bệnh thì bệnh cũng thường nhẹ hơn so với các nhóm tuổi khác.
Tuy nhiên, vẫn có các trường hợp trẻ mắc COVID-19 tiến triển nguy kịch, thậm chí tử vong. Bên cạnh đó, mặc dù Việt Nam đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh nhưng việc xuất hiện liên tục các biến thể mới vẫn có khả năng xảy ra. Do đó, để bảo vệ trẻ thì vaccine chính là chìa khóa hiệu quả.
Ngay cả những trẻ đã khỏi COVID-19 vẫn nên tiêm chủng. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, sau 3 tháng mắc COVID-19, trẻ nên được tiêm phòng. Tuy nhiên tùy tình trạng sức khỏe, yếu tố nguy cơ của trẻ có thể tiến hành sớm hơn, cần phải được tư vấn cụ thể của các nhân viên y tế trong từng trường hợp.
GS.TS Phan Trọng Lân- Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết theo thống kê, hiện nay trên toàn quốc có khoảng 11,8 triệu trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi thuộc đối tượng tiêm vaccine phòng COVID-19. Trong số đó, ước tính đến nay có khoảng 8,2 triệu trẻ chưa mắc COVID-19. Việc tiêm đủ 2 mũi cho trẻ đủ điều kiện sẽ được ngành y tế thực hiện từ nay cho đến cuối quý II/2022... Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế trong năm 2022.