Hà Nội

28 Tết, bác sĩ xuyên đêm cứu sống liên tiếp 5 ca nhồi máu cơ tim và nhồi máu não

07-02-2024 15:45 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Rạng sáng ngày 7/2 (tức 28 Tết Giáp Thìn), Khoa Chẩn đoán và Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã can thiệp nội mạch thành công, cứu sống 5 bệnh nhân nhồi máu cơ tim và nhồi máu não với tổn thương và vị trí phức tạp.

Đêm trực ngày 6/2, các bác sĩ Khoa Chẩn đoán và Can thiệp tim mạch, Viện Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận hai bệnh nhân nhồi máu cơ tim. Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nam (67 tuổi, Bắc Ninh) vào viện với tình trạng đau ngực trái dữ dội.

Trước đó bệnh nhân nhập viện đa khoa tỉnh với chẩn đoán nhồi máu cơ tim và có tình trạng tụt huyết áp, nhịp chậm, tình trạng nguy kịch, ngay sau đó đã được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Tại đây, bệnh nhân đã được xử trí cấp cứu chụp mạch vành qua da và đặt stent tái thông động mạch vành thủ phạm gây nhồi máu cơ tim.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân nam (53 tuổi, Bắc Ninh) vào viện với biểu hiện đau ngực dữ dội. Ngay lập tức, kíp trực lên kế hoạch tiến hành thông tim can thiệp đặt stent để mở rộng lòng mạch vành. Ngay sau can thiệp huyết động, cả hai bệnh nhân huyết động ổn định, hết đau ngực, triệu chứng cải thiện ngay trên bàn can thiệp.

28 Tết, bác sĩ xuyên đêm cứu sống liên tiếp 5 ca nhồi máu cơ tim và nhồi máu não- Ảnh 1.
28 Tết, bác sĩ xuyên đêm cứu sống liên tiếp 5 ca nhồi máu cơ tim và nhồi máu não- Ảnh 2.

Hình ảnh trước và sau can thiệp bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim.

Tiếp đó, các bác sĩ Khoa Chẩn đoán và Can thiệp mạch tiếp nhận ca nhồi máu não. Sau đó đến 1h, 3h20, 5h10 sáng 7/2, cứ 2 tiếng kíp trực liên tiếp nhận và xử trí các trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu não với tổn thương và vị trí phức tạp.

Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân nam (70 tuổi, Thanh Hóa) vào viện vào giờ thứ 7 của bệnh với tình trạng nói khó, rối loạn nuốt, buồn nôn và tình trạng ý thức suy giảm nhanh. Kíp đột quỵ đã được báo động và chẩn đoán bệnh nhân có một tình trạng nhồi máu não cấp tắc động mạch đốt sống thân nền, với dự đoán tiên lượng bệnh nhân sẽ tiến triển nhanh, rất nặng nề.

Bệnh nhân được can thiệp hút huyết khối toàn bộ hệ động mạch đốt sống thân nền não sau và đặt stent động mạch đốt sống bên phải. Sau can thiệp bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị tại Khoa Đột quỵ của bệnh viện.

28 Tết, bác sĩ xuyên đêm cứu sống liên tiếp 5 ca nhồi máu cơ tim và nhồi máu não- Ảnh 3.

Kíp trực can thiệp và xử trí các trường hơp bệnh nhân nhồi máu não.

3h20 rạng sáng 7/2, đêm trực tiếp tục với một trường hợp điển hình của nhồi máu não là bệnh nhân nam (84 tuổi, Nam Định), vào viện trong tình trạng nói khó, ý thức suy giảm nhanh, liệt ½ người trái giờ thứ 7. Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não tắc đỉnh động mạch thân nền. Sau đó, bệnh nhân được can thiệp hút huyết khối tái lập lưu thông mạch não.

Đến 5h10, ca nhồi máu não thứ 3 là bệnh nhân nam (79 tuổi, Hà Nam) vào viện trong trạng thái lơ mơ, liệt hoàn toàn 1/2 người phải. Các bác sĩ tiến hành tái thông động mạch não bằng dụng cụ cơ học ở những bệnh nhân nhồi máu não. Đây là một phương pháp can thiệp nội mạch ít xâm lấn, an toàn, hiệu quả và có thể triển khai một cách nhanh chóng ở những bệnh nhân có chỉ định để rút ngắn thời gian thiếu máu não tăng cơ hội hồi phục của bệnh nhân.

Với phương pháp này, người bệnh không cần phải trải qua ca phẫu thuật nhưng vẫn điều trị được những tổn thương phức tạp ở mạch máu não một cách ít xâm lấn, an toàn và hiệu quả. Phương pháp này cũng cần được triển khai với những bác sĩ nhiều kinh nghiệm trong can thiệp mạch thần kinh.

28 Tết, bác sĩ xuyên đêm cứu sống liên tiếp 5 ca nhồi máu cơ tim và nhồi máu não- Ảnh 4.
28 Tết, bác sĩ xuyên đêm cứu sống liên tiếp 5 ca nhồi máu cơ tim và nhồi máu não- Ảnh 5.

Trước và sau can thiệp bệnh nhân nhồi máu não.

Theo ThS.BS Phạm Minh Tuấn, Khoa Chẩn đoán và Can thiệp mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đột quỵ não và nhồi máu cơ tim là những bệnh lý vô cùng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Phòng ngừa bệnh vẫn là ưu tiên hàng đầu, như kiểm soát tốt các bệnh lý nền: Rung nhĩ, tăng huyết áp, béo phì, rối loạn lipid máu… Bệnh nhân cần được đưa đến ngay các trung tâm y tế khi có những triệu chứng bất thường như nói khó, yếu liệt, rối loạn ý thức, đau tức ngực…. để được chẩn đoán, xử trí kịp thời tránh những biến chứng nguy hiểm.

Với tình trạng thời tiết cực đoan và thay đổi thất thường như thời gian gần đây cũng là một yếu tố nguy cơ gây gia tăng tỷ lệ bệnh nhân mắc đột quỵ não và nhồi máu cơ tim. Vì vậy người dân cần chú ý giữ ấm, tránh thay đổi nhiệt đột đột ngột và tuân thủ tốt hướng dẫn cũng như đơn thuốc điều trị của bác sĩ.

Xem thêm bài viết được quan tâm:

Vì sao trời lạnh dễ đột quỵ?Vì sao trời lạnh dễ đột quỵ?

SKĐS - Đột quỵ là bệnh nguy hiểm và ngày càng phổ biến ở lứa tuổi còn trẻ. Trong thời tiết lạnh như hiện nay càng làm tăng nguy cơ đột quỵ, vì sao lại như vậy?

Cảnh báo nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi thời tiết lạnhCảnh báo nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi thời tiết lạnh

SKĐS - Đặc điểm của đợt rét đang diễn ra ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ là rét khô với ngày nắng, đêm rét buốt, độ ẩm không khí rất thấp gây ra tình trạng hanh khô. Điều này tiềm ẩn nguy cơ cho sức khỏe.



An Ngọc
Ý kiến của bạn