Đây là thông tin được GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - truyền máu Trung ương đưa ra tại Hội nghị khoa học về ghép tế bào gốc toàn quốc lần thứ IV/2017 vừa diễn ra.
Sau hơn 20 năm kể từ khi thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tủy xương đầu tiên, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực và phát triển, từng bước tháo gỡ những khó khăn về mặt khoa học, công nghệ, nguồn lực (nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất...), thống nhất về mặt chuyên môn, đi tắt đón đầu trong ứng dụng tế bào gốc vào điều trị bệnh. Đến nay, nước ta đã có nhiều cơ sơ tham gia vào hoạt động tế bào gốc, đạt được những thành công đáng mừng, được bạn bè quốc tế công nhận.
Toàn cảnh hội nghị khoa học về ghép tế bào gốc toàn quốc lần thứ IV/2017 với sự tham gia của 400 đại biểu trong nước và quốc tế Ảnh Vương Tuấn
Kỹ thuật ghép tế bào gốc tại Việt Nam đang phát triển rất mạnh và được ứng dụng rộng rãi trong rất nhiều chuyên khoa và bệnh lý khác nhau. Ghép tế bào gốc đang thực sự mở ra cơ hội cứu sống người bệnh mắc các bệnh máu, đặc biệt là bệnh máu ác tính. Nhiều bệnh nhân sau ghép đã trở về cuộc sống bình thường, lập gia đình, sinh con... Tất cả đó là những bằng chứng sống khẳng định phương pháp ghép Tế bào gốc đang trở thanh một thần trong điều trị hiện nay.
Theo GS Trí, hiện tại, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương là đơn vị có hoạt động tế bào gốc phát triển nhất cả nước với sự đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ của hệ thống labo, phòng ghép đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, các kỹ thuật ghép luôn được cập nhật. Ghép tế bào gốc là lĩnh vực mũi nhọn của Viện và được áp dụng thường quy vào điều trị các bệnh máu ác tính.
“Tại Viện Huyết học - truyền máu Trung ương, ghép tế bào gốc được triển khai từ năm 2006, đến nay đã tiến hành được trên 255 ca (trong đó ghép tự thân là 118 ca, ghép đồng loại là 137 ca; trong ghép đồng loại có 17 ca ghép từ nguồn máu dây rốn cộng đồng). Nhờ ghép tế bào gốc, nhiều bệnh nhân đã trở lại cuộc sống bình thường. Đặc biệt, từ năm 2014, Viện Huyết học - truyền máu Trung ương đã thành lập và đưa vào hoạt động Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng. Hiện tại, ngân hàng đang lưu trữ 2.926 mẫu, trong đó có 18 mẫu đã được dùng để ghép cho người bệnh”- GS Nguyễn Anh Trí nêu rõ.
Tại Hội nghị khoa học về ghép tế bào gốc toàn quốc lần thứ IV/2017, đã có 46 bài báo cáo khoa học và chuyên luận của các chuyên gia trong nước và nước ngoài đã được báo cáo, thảo luận. Bên cạnh đó, các đại biểu đã thảo luận về chiến lược, hoạch định chính sách để tổ chức triển khai việc hoạt động tế bào gốc tại Việt Nam trong giai đoạn tới, đồng thời báo cáo những thành công, kinh nghiệm trong lĩnh vực ghép tế bào gốc ở trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới.
Bệnh nhân được ghép tế bào gốc tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương Ảnh Vương Tuấn
Đây cũng là cơ hội để các chuyên gia, y bác sĩ trong ngành cùng chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, cùng nhau hướng về tương lai và tiếp tục phát triển sự nghiệp nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc với những thành công rực rỡ và bền vững hơn.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Y tế đã tặng kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân cho 5 chuyên gia đến từ Hoa kỳ, Đức, Nhật Bản vì đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp y tế Việt Nam.
Thái Bình