Cách đây 5 năm, bệnh nhân N.Q.C (34 tuổi, ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) bị viêm tủy ngang, liệt tủy phải đặt dẫn lưu bàng quang trên xương mu. Bệnh nhân được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba, Phú Thọ thăm khám. Sau khi thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng cần thiết thầy thuốc phát hiện nhiều sỏi lấp đầy bàng quang.
Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật mở bàng quang lấy sỏi. Ê-kíp phẫu thuật đã đã lấy ra 25 viên sỏi, nhiều viên có kích thước lớn lên đến hơn 3 cm. Sau phẫu thuật, sức khỏe người bệnh ổn định và được chỉ định ra viện.
BSNT. Nguyễn Thị Thu Trang - Phó trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba cho biết: Đối với những người bệnh liệt tủy, tỷ lệ có sỏi bàng quang rất cao. Vì vậy, những bệnh nhân này cần có chế độ theo dõi, chăm sóc khoa học và khám sức khỏe định kỳ. Khi phát hiện trường hợp có sỏi cần đến các cơ sở y tế để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Đối với sỏi tiết niệu nói chung, phương hướng điều trị cũng như tiên lượng phụ thuộc vào 2 yếu tố là kích thước và vị trí của sỏi. Nếu phát hiện sớm, kích thước sỏi nhỏ, chưa có hoặc bắt đầu có biểu hiện lâm sàng, hướng xử trí là điều trị nội khoa hỗ trợ tạo diều kiện cho sỏi di chuyển thoát ra ngoài thuận lợi.
Trường hợp phát hiện muộn, kích thước sỏi lớn thì cần chuyển sang các phương pháp khác như tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi hoặc mổ lấy sỏi qua da cho các trường hợp không có khả năng tán hoặc lấy sỏi qua nội soi. Sỏi thận tiết niệu là một bệnh lý phức tạp, thường gây ra nhiều biến chứng.
BSNT. Nguyễn Thị Thu Trang khuyến cáo người dân khi phát hiện ra sỏi thận tiết niệu, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.