Tròn 25 năm sau sự kiện 3 em bé đầu tiên tại Việt Nam được sinh ra bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Báo Sức khỏe và Đời sống vinh dự được ôn lại kỷ niệm cùng GS.TS Nguyễn Viết Tiến.
Trò chuyện cùng chúng tôi sau một ngày làm việc miệt mài, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, gương mặt dường như chẳng lộ chút mệt mỏi, vẫn là một dáng vẻ khoan thai, tướng mạo ung dung, tự tại. Có lẽ bởi với vị bác sĩ "lão làng" có hơn 40 năm kinh nghiệm trong nghề, việc nghiên cứu, điều trị và cống hiến cho nhân dân không có gì là mỏi mệt, đó là một niềm hạnh phúc lớn lao.
Vùng quê nghèo Cẩm Thạch (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), là nơi nuôi dưỡng uớc mơ "khoác áo blouse" của chàng sinh viên Nguyễn Viết Tiến hiền lành, chất phác. Hoàn thành chương trình đào tạo đại học, quyết tâm chinh phục thử thách khó khăn nhất trong "vùng trời" tri thức y học, chàng bác sĩ trẻ luôn tự nhủ với bản thân rằng, phải lựa chọn một lĩnh vực chuyên sâu, khó nhưng Việt Nam đang yếu để học tập, nghiên cứu, đưa vào ứng dụng.
Cơ duyên đến khi được cử phiên dịch cho một giáo sư người Mỹ sang Việt Nam chuyển giao công nghệ mổ nội soi sản khoa, không lâu sau ông có cơ hội nhận được thư mời của vị Giáo sư tham gia đào tạo tại Michigan – Mỹ. Cho đến hiện tại, GS.TS Nguyễn Viết Tiến còn là chuyên gia cao cấp – Bác sĩ đầu tiên của Việt Nam học về Thụ tinh trong ống nghiệm tại Michigan – Mỹ.
Cơ hội đào tạo tại Michigan – Mỹ giúp chàng bác sĩ trẻ Nguyễn Viết Tiến khi ấy tiếp cận nhiều tri thức y học cao. Ảnh: NVCC
Việc học hỏi kiến thức và áp dụng thực hành kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm trên thực tế là vô cùng khó, mà theo như thầy Tiến: " Nếu như không có bản lĩnh, không được đào tạo một cách cẩn thận, sẽ rất lúng túng."
Năm 2000, ông bắt tay triển khai kỹ thuật IVF tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Những ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên thành công khiến các cặp vợ chồng hiếm muộn vỡ òa niềm hạnh phúc.
Nhớ lại những ngày đầu tiên đó, GS.TS Nguyễn Viết Tiến không khỏi tự hào: "Tôi gần như không có ai hỗ trợ bên cạnh, mặc dù chúng ta có hợp tác với phía bên Pháp, song không may gặp phải các trục trặc về vấn đề di chuyển, nên dù đoàn bên Pháp chưa sang nhưng không có cách gì khác cả, đến thời điểm thì phải tiến hành. Lúc đó tôi làm 32 ca, may mắn là những ca đó dù tôi làm độc lập nhưng rất thành công. Đó là những kỷ niệm rất là đáng nhớ, và những thành công đó, tạo niềm tin cho mình tiếp tục phát triển."
Là một trong những người tiên phong, làm chuyên môn từ giai đoạn đầu, mặc dù đã được theo học tại Mỹ nhưng đối với GS.TS Nguyễn Viết Tiến, học thôi là chưa đủ, kiến thức tiếp thu là một phần, nhưng kinh nghiệm cũng là yếu tố quan trọng.
Vậy nên trong quá trình điều trị cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, mỗi ca bệnh là một lần "người bác sĩ lão làng" tích lũy thêm kinh nghiệm, càng các ca bệnh khó càng không được từ bỏ.
Chỉnh bởi cái tâm nhiệt huyết ấy, mà AHLĐ. NGND.GS.TS. BS Nguyễn Viết Tiến vẫn thường được gọi là "người chắp cánh ước mơ" hay "người chào đón tương lai". Ông luôn là người tiên phong với những nghiên cứu y học mới trong lĩnh vực sản khoa.
Đầu năm 2.000, tỷ lệ thành công trong thụ tinh ống nghiệm chỉ nằm ở khoảng 30 -35%, đến nay tỷ lệ này đã tăng lên từ 50 - 60%. Những thành công chung của lĩnh vực sản khoa đều mang đậm dấu ấn cá nhân ông.
Những vấn đề pháp luật được GS.TS Nguyễn Viết Tiến đúc kết từ thực tiễn điều trị cho bệnh nhân - Video: Minh Ánh
"Có nhiều trường hợp, cảm giác tiến hành rất là dễ nhưng lại không thành công. Nhưng cũng có những trường hợp mà người ta cảm giác như thất vọng, không còn một hy vọng gì nữa khi bác sĩ thực hiện chu kỳ đầu tiên đã thành công rồi."
Một trong những trường hợp bệnh nhân rất khó mà GS.TS Nguyễn Viết Tiến nhỡ mãi, dù cặp vợ chồng đã chữa đi chữa lại rất nhiều lần, cũng đã thử thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm nhưng không đạt yêu cầu.
Thế nhưng ngay khi máy bay hạ cánh, trở về sau khi kết thúc chuyến công tác, trao đổi kinh nghiệm cùng các chuyên gia đầu ngành tại Mỹ, ông đã lập tức liên lạc động viên đôi vợ chồng tiếp tục thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Sau 21 năm chờ đợi, cuối cùng gia đình cũng đã có được niềm vui, niềm hạnh phúc khi nghe tiếng con khóc chào đời.
Và có không ít trường hợp điều trị ở nước ngoài không thành công, nhưng khi được GS.TS.BS Nguyễn Viết Tiến điều trị đã có kết quả như mong đợi. Không chỉ bệnh nhân trong nước mà rất nhiều bệnh nhân quốc tế, mặc dù họ sinh sống tại các quốc gia phát triển về lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, song họ vẫn tìm đến và gửi trao niềm tin nơi ông.
Những “bông hoa nở muộn” được “ươm mầm” từ đôi bàn tay của GS.TS Nguyễn Viết Tiến
" So với kinh phí của điều trị tại đất nước họ, chắc chắn là bên ta rẻ hơn và bên cạnh đó tỉ lệ thành công khi mà họ theo dõi, người ta thấy đây là địa chỉ tin tưởng. Ngay tại Bệnh viện Phụ sản Thiện An, dù chỉ mới thành lập hơn 3 năm nhưng bệnh nhân từ nước ngoài về cũng không ít. Đó là cái mà mình lấy làm hãnh diện. Hơn thế, các chuyên gia tại Việt Nam luôn đề cao tinh thần trách nhiệm tới cùng. Chúng ta làm việc không kể ngày nghỉ." – GS.TS Nguyễn Viết Tiến chia sẻ thêm.
Trong hơn 40 năm làm nghề, có lẽ minh chứng rõ nhất cho những thành công của GS.TS Nguyễn Viết Tiến là sự trưởng thành, khỏe mạnh của những đứa trẻ được sinh ra từ kỹ thuật thụ tinh nhân tạo mà mỗi lần kể đến ông đều rất tự hào: "Bây giờ tôi đi khắp mọi nơi, gần như đi đến tỉnh nào cũng gặp người nhà chạy đến, dắt cả đứa nhỏ theo chào. Nhớ rõ nhất là những em bé ra đời đầu tiên, khi hỏi lại có những bé đã trưởng thành, thành tài…Nghĩ lại thì thấy rất là đáng mừng."
Có lẽ, chỉ có những người trực tiếp tiếp cận với bệnh nhân đến khám mới thấy sự đau khổ, thấy được việc không có thai ảnh hưởng lớn như thế nào đến hạnh phúc gia đình hiếm muộn và có một đứa con sẽ mang lại hạnh phúc lớn lao như thế nào đối với họ. Niềm tin mà bệnh nhân gửi trao, cũng chính là động lực để người bác sĩ Nguyễn Viết Tiến kiên trì tới cùng giúp họ hoàn thành nguyện ước.
Một bác sĩ luôn hết lòng vì người bệnh, một người thầy tận tâm, tận tụy với sinh viên, đồng nghiệp. Sau thành công tại Bệnh viện Phụ sản trung ương, khi đã hiểu rõ và nắm chắc về các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, ông đã đến tận nơi, "cầm tay chỉ việc" cho các ý bác sĩ bệnh viện tuyến địa phương, một số đơn vị như Học Viện Quân y rồi thành lập Trung tâm Hỗ trợ sinh sản ở Viện Phụ sản Trung ương đều có dấu ấn của BS Tiến. Đây là bước đột phá cho ngành sản khoa Việt Nam những ngày đầu tiếp cận với phương pháp khoa học thụ tinh ống nghiệm.
Khi còn trên cương vị là Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Viết Tiến cũng là người trực tiếp phụ trách lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, kiểm duyệt, thẩm định và ký cấp phép hoạt động cho các trung tâm.
Nói về sự phát triển của lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm, hỗ trợ sinh sản, GS.TS Tiến cho biết: "Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia rất phát triển ở lĩnh vực này.
Chúng ta phát triển cả chiều sâu đó là về mặt khoa học kỹ thuật và chiều rộng đó là về số lượng trung tâm hỗ trợ sinh sản được xây dựng trên khắp cả nước. Đội ngũ y, bác sĩ nhạy bén và không ngừng học hỏi, chúng ta đi sâu nghiên cứu cả về mặt chuẩn đoán di truyền, phôi thai học…So với các quốc gia tiên tiến trên thế giới, chúng ta gần như là đuổi kịp theo trình độ của họ. Xét trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chúng ta có sự phát triển vượt trội."
Kỹ thuật IVF tại Việt Nam đã phát triển mạnh sau 25 năm - Video: Minh Ánh
Cũng theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến, triển khai được kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm có ý nghĩa quan trọng đối với ngành y, đặc biệt là đối với sản khoa. Chúng ta đã tiếp cận được kiến thức từ một quốc gia có nền y học tiên tiến, tiêu chuẩn là Mỹ.
Hơn thế, khi thực hiện các nghiên cứu quốc gia, kết quả cho thấy rằng tỉ lệ vô sinh hiếm muộn ở nước ta lên đến 7,7%, số lượng người có nhu cầu điều trị vô sinh hiếm muộn cao. Chính vì vậy, chuyên ngành hỗ trợ sinh sản, lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm mở ra nhiều lợi ích cho người phụ nữ Việt Nam.
Là một trong những chuyên gia tiên phong về nghiên cứu và thực hành thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại Việt Nam. Trong suốt hơn 40 năm công tác, GS. Nguyễn Viết Tiến đã kinh qua nhiều cương vị quan trọng trong nền Y tế nước nhà như Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Phụ Sản Việt Nam, Nguyên Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương. Hiện nay, GS. TS. BS Nguyễn Viết Tiến vẫn tiếp tục cống hiến trong ngành Y tế, viết tiếp những nỗ lực chữa trị vô sinh hiếm muộn mà ông và các cộng sự đã theo đuổi trong cả sự nghiệp.
Mảnh đất Hà Tĩnh đã nuôi nấng một người bác sĩ tài hoa, GS.TS Nguyễn Viết Tiến mang sự cống hiến, đóng góp quan trọng cho ngành y tế nước nhà. Ông đã đặt những viên gạch đầu tiên cho sự phát triển của kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), lĩnh vực hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam.
Bằng cái tâm với nghề, GS.TS Nguyễn Viết Tiến cho thấy cái tầm của một người bác sĩ mẫu mực, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em, ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn."