Hà Nội

24 tuổi đã suy buồng trứng nặng

03-02-2023 16:00 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Đây là trường hợp nữ giới trẻ tuổi nhất mắc phải căn bệnh suy buồng trứng mà BS. Vương Vũ Việt Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, BV Bưu điện đã gặp trong quá trình thăm khám vô sinh hiếm muộn.

Tại Tuần lễ miễn phí khám, tư vấn vô sinh, hiếm muộn đang diễn ra tại BV Bưu điện (từ 31/1/2023 đến hết ngày 6/2/2023), các bác sĩ cũng đã kịp thời phát hiện nhiều trường hợp suy buồng trứng sớm.

Điển hình như chị Lê Thị H. (ở Hà Tĩnh). 28 tuổi, kết hôn 5 năm nhưng chưa có thai lần nào, chị H. rất bất ngờ khi kết quả khám, siêu âm, xét nghiệm... cho thấy chị bị suy buồng trứng, dự trữ buồng trứng (AMH) rất thấp.

Tư vấn cho vợ chồng chị H., bác sĩ cho biết, chị H. không phải là trường hợp hiếm gặp. Bác sĩ từng thăm khám cho một phụ nữ mới 24 tuổi nhưng đã suy buồng trứng nặng. Nếu không đi khám và cứ để thêm một vài năm nữa thì họ sẽ hết cơ hội điều trị để có con của chính mình.

Theo ThS.BS. Vương Vũ Việt Hà, suy buồng trứng là tình trạng ngừng hoạt động chức năng buồng trứng ở những phụ nữ lớn tuổi. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến vô sinh ở nữ giới.

Trước đây, nếu như suy buồng trứng thường chỉ gặp ở phụ nữ nhiều tuổi thì nay chị em tầm 25 đến 30, thậm chí dưới 25 tuổi đã bị suy buồng trứng, y học gọi đó là suy buồng trứng sớm. Chính vì vậy, chị em cần lưu ý đến các dấu hiệu bất thường của cơ thể để kịp thời đi thăm khám và điều trị sớm sẽ có cơ hội sinh con.

24 tuổi đã suy buồng trứng nặng - Ảnh 1.

Bác sĩ tư vấn sức khỏe sinh sản cho bệnh nhân đến khám.

BS. Hà chỉ rõ một số dấu hiệu điển hình của suy buồng trứng gồm:

  • Phụ nữ có kinh nguyệt không đều, kỳ kinh đến sớm hoặc quá trễ mà không rõ nguyên nhân, xét nghiệm không có thai.
  • Hay có biểu hiện nóng ran, bừng mặt
  • Đổ mồ hôi đêm
  • Khô âm đạo, khó chịu, mất tập trung
  • Nhu cầu quan hệ ít đi, giảm ham muốn tình dục…

Nếu thấy các dấu hiệu nêu trên thì chị em nên nghĩ đến bệnh suy buồng trứng và đi khám ngay để điều trị hiệu quả, tránh mất đi cơ hội có con.

Ngoài suy buồng trứng, trong quá trình thăm khám ở nam giới, các bác sĩ cho biết, nhiều người nhìn bề ngoài có thể chất rất khỏe mạnh nhưng khi cùng vợ đi khám vì kết hôn lâu chưa có con mới phát hiện tinh trùng yếu, dị dạng, có người không có tinh trùng. Cầm kết quả trên tay và nghe bác sĩ tư vấn ai cũng bất ngờ bởi họ cho rằng sức khỏe của mình tốt, không có vấn đề gì.

Đáng tiếc nhất là trường hợp của một cặp vợ chồng ở Hòa Bình. Người chồng 39 tuổi, vợ tuổi 35, cách đây 5 năm họ đã đi khám và phát hiện người chồng không có tinh trùng. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế rồi nghĩ có thể tìm thuốc uống để cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản của người chồng nên họ không tiếp tục theo khám, điều trị.

Với trường hợp này sau 5 năm mới tái khám và điều trị thì không chỉ người chồng gặp khó khăn mà là cả 2 vợ chồng. Bởi lẽ người vợ tuổi cao, chất lượng trứng và dự trữ buồng trứng AMH giảm đáng kể.

Gia tăng số người trẻ vô sinh, hiếm muộn

Ngày 3/2/2023 là ngày thứ 4 trong Tuần lễ miễn phí khám, tư vấn vô sinh, hiếm muộn của Bệnh viện Bưu điện. Mặc dù thời tiết mưa, lạnh nhưng ngay từ sáng sớm đã có rất đông các cặp vợ chồng đến bệnh viện chờ đăng ký vào khám.

Theo số liệu cập nhật, trung bình mỗi ngày, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản của bệnh viện đã tiếp đón, khám và tư vấn cho trên 1000 người bệnh đến từ khắp mọi miền đất nước. Ngoài số lượng đông bệnh nhân thuộc khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận, đợt khám miễn phí này còn thu hút nhiều cặp vợ chồng từ các tỉnh xa, khu vực miền núi đến khám như: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Nghệ An...

Theo các bác sĩ, thực tế khám, tư vấn những ngày qua cho thấy tỷ lệ người trẻ đến thăm khám sức khỏe sinh sản tăng hơn so với các năm trước. Kết quả khám và xét nghiệm cũng phát hiện nhiều nguyên nhân gây vô sinh, hiếm muộn liên quan đến nội tiết, buồng trứng, chất lượng tinh trùng, nhiễm sắc thể, các bệnh lý di truyền... ở người trẻ.

"Nên đi khám tiền hôn nhân, khám sức khỏe sinh sản trước khi có ý định mang thai hoặc đi khám ngay nếu kết hôn từ 6 tháng đến 1 năm, quan hệ vợ chồng tự nhiên, không sử dụng biện pháp tránh thai mà chưa có thai" - Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện nhấn mạnh.

"Trai mùng một, gái hôm rằm", có nên sinh con vào dịp Tết?'Trai mùng một, gái hôm rằm', có nên sinh con vào dịp Tết?

SKĐS - Mới đây, một phụ nữ 39 tuổi (ở Hà Nội) suýt tử vong do tiền sản giật nặng ở tuần thai 37 nhưng quyết không mổ vì... kiêng ngày mùng một. Thực tế, nhiều người vẫn quan niệm tránh sinh con vào ngày Tết, nhất là "trai mùng một, gái hôm rằm" vì khó nuôi, bướng bỉnh! Dưới góc độ y học, bác sĩ nói gì?


Dương Hải
Ý kiến của bạn