Hà Nội

24 tiếng đồng hồ nghẹt thở cứu sống 6 bệnh nhân nhồi máu cơ tim

07-12-2016 15:41 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Ngày chủ nhật 4/12 vừa qua quả thực là một ngày chủ nhật nghẹt thở của các bác sĩ Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện E. Từ 7h sáng hôm đó tới 7h sáng hôm sau (5/12) các bác sĩ đã căng mình không phút ngơi nghỉ giành giật sự sống thành công cho 6 BN nhồi máu cơ tim nguy kịch.

Nhật ký ngày chủ nhật... không bình yên

7h sáng, chưa kịp hoàn tất thủ tục tiếp nhận các bệnh nhân (BN) còn lại từ ca trực trước, ThS.BS. Phan Thảo Nguyên – Trưởng khoa Khám bệnh và Cấp cứu tim mạch  – Trung tâm Tim mạch cùng các bác sĩ và điều dưỡng của tua trực đã phải “lao” vào cấp cứu BN N.V.G (76 tuổi, Bắc Giang) được chuyển lên từ BV tuyến dưới trong tình trạng đau tức ngực, khó thở, tím tái, mạch và huyết áp giảm, điện tim biến đổi thất thường, men tim tăng cao. Sau khi tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, các bác sĩ xác định BN bị nhồi máu cơ tim trước rộng có nguy cơ tử vong cao. Các bác sĩ đã khẩn trương tiến hành can thiệp tái lập dòng máu chảy trong đoạn động mạch vành bị tắc, đặt stent cho BN. Ca can thiệp kéo dài gần 1 giờ, chỉ số sinh tồn BN đã trở lại ổn định.

Khi đang tiến hành can thiệp cấp cứu cho BN G., các bác sĩ đã nhận được thông tin có thêm một BN khác cũng bị nhồi máu cơ tim đang được vận chuyển cấp cứu vào Trung tâm. Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành ca cấp cứu nhồi máu cơ tim trước rộng cho BN N.T.T (78 tuổi, Hưng Yên) với các triệu chứng: đau ngực dữ dội, khó thở cấp nghe phổi có nhiều ralles ẩm hai bên trường phổi… BN được chẩn đoán nhồi máu cơ tim giờ thứ 6 kèm nguy cơ phù phổi cấp... Sau hơn 2 giờ can thiệp: tái thông dòng máu ở động mạch vành, đặt stent, BN đã qua cơn nguy kịch.

Nhồi máu cơ tim là hiện tượng một cục huyết khối đột ngột làm tắc động mạch vành (mạch máu nuôi xung quanh quả tim).

13h, chưa kịp nghỉ ăn trưa, các bác sĩ, điều dưỡng lại tiếp tục đón nhận BN N.V.H (45 tuổi, Nam Định) chuyển đến trong tình trạng sốc tim, rối loạn nhịp mạch và huyết áp giảm… và được chẩn đoán nhồi máu cơ tim động mạch vành phải. Ngay lập tức các bác sĩ tiến hành can thiệp cấp cứu: chụp động mạch vành cho bệnh nhân, thấy tắc hoàn toàn động mạch vành phải đoạn 1, 2. Sau hơn 45 phút được can thiệp thành công tái thông dòng máu, BN đã ổn định. May mắn, BN này mới nhồi máu cơ tim giờ thứ 2 là “thời gian vàng” để can thiệp cấp cứu người nhồi máu cơ tim.

15h, BN H vừa được đưa về phòng hồi sức cấp cứu thì chiếc băng ca chở BN N.T.T (85 tuổi, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) lại được đẩy vào trong phòng can thiệp, BS Nguyên cùng các bác sĩ, điều dưỡng sẵn sàng cho một ca cấp cứu mới. BN được chuyển từ bệnh viện Giao thông vận tải, trong tình trạng rất nặng: sốc tim, phù phổi cấp, rối loạn nhịp rất nặng, được các bác sĩ chẩn đoán nhồi máu vùng sau dưới. Kết quả chụp động mạch vành cho thấy, tắc hoàn toàn động mạch vành mũ (LCX), hẹp 90% đoạn 2 động mạch liên thất trước và hẹp 95% đoạn 2 động mạch vành phải. Đây là BN lớn tuổi nhất và nặng nhất trong tua trực cấp cứu ngày 4/12 nên ca can thiệp này vô cùng vất vả, căng thẳng. Sau khi can thiệp cấp cứu: tái thông dòng máu và đặt stent động mạch vành mũ xong, BN được đưa về phòng hồi sức thì BN có xuất hiện rối loạn nhịp, phù phổi cấp, suy tim sau nhồi máu cơ tim. Các bác sĩ lại tiếp tục thực hiện thông khí nhân tạo, nhằm giảm nguy cơ suy tim và tử vong cho BN này.

ThS. Phan Thảo Nguyên thăm khám và kiểm tra nhịp tim cho BN N.T.T - BN lớn tuổi nhất và nặng nhất trong tua trực cấp cứu của "Ngày chủ nhật không bình yên". Ảnh: T.X

23h58’, chỉ còn vài phút nữa là sang ngày mới, lại có thêm 2 BN bị nhồi máu cơ tim vào Trung tâm Tim mạch cấp cứu. Phòng can thiệp gần như sáng đèn 24/24h và các bác sĩ, điều dưỡng gần như thức trắng, căng mình chạy đua với thời gian để giành giật sự sống cho 6 BN nhồi máu cơ tim.

2 ca can thiệp cấp cứu kéo dài đến gần 3h sáng ngày 5/12. Thế nhưng, công việc của các bác sĩ, điều dưỡng vẫn rất căng thẳng khi phải căng mình theo dõi những chỉ số cứ thay đổi liên tục cho những BN đã cấp cứu vừa qua và cứ thế kéo dài đến 7h sáng, khi ca trực kết thúc. Những gương mặt hốc hác, đôi mắt thâm quầng của các nhân viên y tế sau một ngày đêm trực cấp cứu thể hiện rõ cái mệt đã ngấm vào họ, nhưng ai cũng xác định đã là nhiệm vụ thì phải hoàn thành.

Bệnh lý tim mạch nguy hiểm đến tính mạng không thể bỏ qua

Theo các chuyên gia tim mạch, nhồi máu cơ tim là hiện tượng một cục huyết khối đột ngột làm tắc động mạch vành (mạch máu nuôi xung quanh quả tim). Hiện tượng này làm cho máu không chảy đến nuôi được phần cơ tim và làm một phần cơ tim bị chết đi. Tắc những mạch máu lớn có thể làm cho quả tim ngừng đập, hoặc có thể gây ra một rối loạn nhịp chết người.

Do đó nhồi máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm có nguy cơ tử vong cao do tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi tim. Việc chạy đua với thời gian trong cấp cứu người bệnh nhồi máu cơ tim là yếu tố sống còn quyết định sinh mạng BN.

Can thiệp đặt stent tái lập dòng máu chảy trong đoạn động mạch vành bị tắc trong cấp cứu bệnh nhân tim mạch.

Thống kê của Trung tâm Tim mạch bệnh viện E, trong 2 ngày nghỉ cuối tuần qua, các bác sĩ ở đây đã tiến hành cấp cứu thành công cho 8 BN nhồi máu cơ tim và 3 BN đặt máy tạo nhịp do rối loạn nhịp chậm BAV III. GS.TS Lê Ngọc Thành – Giám đốc bệnh viện, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tim mạch đánh giá: việc cấp cứu kịp thời, thành công 6 BN bị nhồi máu cơ tim trong một ngày là điều hết sức quan trọng, nếu các BN này không được can thiệp sớm thì nguy cơ biến chứng và tử vong rất cao. Với các kỹ thuật can thiệp tim mạch của các bác sĩ Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện E thuần thục và thường quy nên có thể cứu sống và xử lý thành công các trường hợp bị nhồi máu cơ tim như vậy.

GS. Thành cảnh báo, trong những ngày qua, thời tiết thay đổi thất thường, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm… thì những người mắc các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường..., khi có các biểu hiện triệu chứng như: đau tức ngực dữ dội, khó thở, vã mồ hôi, đau lan lên vai, cổ, hàm, hoặc lan dọc theo cánh tay, đặc biệt là tay trái… cần được đưa đi cấp cứu tại các bệnh viện có chuyên khoa can thiệp tim mạch để được chẩn đoán và điều trị nhanh nhất, hạn chế nguy cơ tử vong.


Mai Linh
Ý kiến của bạn