24 thuốc trúng thầu quốc gia nhưng chưa có, chưa đủ để cung ứng cho bệnh viện

08-12-2022 10:40 | Y tế

SKĐS - Theo kết quả giám sát của Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, Bộ Y tế, 24 mặt hàng của 8 đơn vị trúng thầu gói thuốc tập trung quốc gia giai đoạn 2022-2023 có số lượng tồn kho thấp không đủ cung ứng theo dự trù hoặc chưa thể cung ứng cho các cơ sở y tế.

Thông tin trên được đề cập trong báo cáo mới nhất về tình hình thực hiện kết quả lựa chọn nhà thầu các thuốc thuộc danh mục ĐTTTQG/ĐPG Quý III/2022 của Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, Bộ Y tế.

Ông Lê Thanh Dũng - Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia cho biết, mới đây Trung tâm đã triển khai kiểm tra, giám sát về việc triển khai các gói thầu cung cấp thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung quốc gia giai đoạn 2022-2023 đối với các đơn vị trúng thầu. Theo đó, Trung tâm đã giám sát 18/40 nhà thầu cung ứng 67 mặt hàng của cả 3 gói thầu miền Bắc, miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên, miền Nam.

  • Kết quả cho thấy 43/67 mặt hàng (64%) của 12/18 nhà thầu đã có thuốc để cung ứng theo dự trù của các cơ sở y tế;
  • Có 15/67 mặt hàng (22%) của 8/18 nhà thầu có số lượng tồn kho thấp không đủ cung ứng theo dự trù của các cơ sở y tế;
  • Có 9/67 mặt hàng (13%) của 8/18 nhà thầu chưa có thuốc để cung ứng cho các cơ sở y tế.
24 thuốc trúng thầu quốc gia nhưng chưa có, chưa đủ để cung ứng cho bệnh viện - Ảnh 1.

Theo kết quả giám sát của Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, Bộ Y tế, 24 mặt hàng của 8 đơn vị trúng thầu gói thuốc tập trung quốc gia giai đoạn 2022-2023 có số lượng tồn kho thấp không đủ cung ứng theo dự trù hoặc chưa thể cung ứng cho các cơ sở y tế.

Theo Trung tâm, sau khi có quyết định trúng thầu, các nhà thầu/nhà nhập khẩu đã ký hợp đồng đặt hàng với nhà sản xuất và có kế hoạch nhập hàng. Tuy nhiên, thời gian sản xuất, kiểm nghiệm chất lượng, vận chuyển và thông quan kéo dài từ 3 - 5 tháng, dự kiến tất cả các mặt hàng về trước 31/12/2022.

Đối với các mặt hàng có số lượng tồn kho thấp hoặc chưa có thuốc để cung ứng cho các cơ sở y tế và hàng đang trong kế hoạch nhập về, Trung tâm đã yêu cầu nhà thầu khẩn trương làm việc với nhà sản xuất để sớm có thuốc cung ứng cho các cơ sở y tế.

"Nhà thầu cam kết không để các cơ sở y tế thiếu những mặt hàng trúng thầu và sẽ làm việc với các cơ sở y tế đề xuất giải pháp, hỗ trợ bằng các sản phẩm tương tự để đáp ứng nhu cầu điều trị trong trường hợp cần thiết"- ông Lê Thanh Dũng cho biết.

Trung tâm đề nghị các cơ sở y tế chủ động lập kế hoạch sử dụng và phối hợp với các cơ sở y tế điều tiết các thuốc biệt dược gốc đàm phán giá theo Quyết định số 2797/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc biệt dược gốc thuộc Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá năm 2020 của Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia để đảm bảo cung ứng thuốc cho nhu cầu điều trị và đáp ứng theo quy định về tỷ lệ thực hiện tối thiểu đạt 80% số lượng thuốc được phân bổ.

Trung tâm cũng nêu rõ, trường hợp nhà thầu không đủ thuốc cung ứng làm ảnh hưởng đến công tác điều trị, các cơ sở y tế xử lý theo hợp đồng đã ký kết giữa 2 bên; Trường hợp nhà thầu thực hiện gói thầu vi phạm hợp đồng, không còn năng lực để tiếp tục thực hiện hợp đồng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, tiến độ của gói thầu, Trung tâm sẽ xử lý theo quy định tại Điều 117, xử lý tình huống trong đấu thầu của Nghị định 63/2014/NĐ-CP.

Theo ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia là những thuốc có tỉ trọng sử dụng lớn về giá trị hoặc số lượng tại các cơ sở y tế trên cả nước.

Trước đó, sáng 5/8, tại Bộ Y tế, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia- Bộ Y tế đã công bố và trao quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu cung cấp thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia giai đoạn 2022-2023 với 3 gói thầu cung cấp thuốc cho các tỉnh, thành của 3 miền Bắc - Trung - Nam. Tổng giá kế hoạch của các danh mục có đề xuất trúng thầu là 7.630 tỷ đồng, tổng giá trị trúng thầu là 6.292 tỷ đồng, tỷ lệ giảm giá là 17,25% (tương đương với 1.337 tỷ đồng).

Gói thầu số 1: Cung cấp thuốc cho các tỉnh Miền Bắc giai đoạn 2022-2023 lựa chọn được 27 nhà thầu và 84 danh mục có đề xuất trúng thầu. Giá kế hoạch là: 2.458 tỷ đồng, giá trúng thầu là: 2.033 tỷ đồng, tỷ lệ giảm giá 17,3% (tương đương 425 tỷ đồng);

Gói thầu số 2: Cung cấp thuốc cho các tỉnh Miền Trung và khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2022-2023 lựa chọn được 27 nhà thầu và 84 danh mục có đề xuất trúng thầu. Giá kế hoạch là: 1.564 tỷ đồng, giá trúng thầu là: 1.306 tỷ đồng, tỷ lệ giảm giá 16,5% (tương đương 258 tỷ đồng);

Gói thầu số 3: Cung cấp thuốc cho các tỉnh Miền Nam giai đoạn 2022-2023 lựa chọn được 24 nhà thầu và 86 danh mục có đề xuất trúng thầu. Giá kế hoạch là: 3.607 tỷ đồng, giá trúng thầu là: 2.953 tỷ đồng, tỷ lệ giảm giá 18,1% (tương đương 654 tỷ đồng).

Sáng 8/12: Theo dõi sát sự xuất hiện biến thể mới của COVID-19; thu hồi toàn quốc lô thuốc NpluvicoSáng 8/12: Theo dõi sát sự xuất hiện biến thể mới của COVID-19; thu hồi toàn quốc lô thuốc Npluvico

SKĐS - Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số ca mắc COVID-19 tăng, nhưng bệnh nhân nặng lại giảm; Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19; Cục Quản lý Dược thu hồi lô thuốc Npluvico điều trị tim mạch, suy tuần hoàn não kém chất lượng trên toàn quốc.

Thái Bình
Ý kiến của bạn