24 người nghi phơi nhiễm HIV sẽ được điều trị như thế nào?

03-07-2017 10:09 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - 17 y, bác sĩ và 7 người dân tại Kon Tum nghi phơi nhiễm HIV khi cấp cứu cho 1 nạn nhân hiện đã tử vong trong vụ tai nạn giao thông 2 xe khách đối đầu ở Kon Tum hiện đã được xét nghiệm và cho kết quả âm tính. Hiện 24 người này đã được uống thuốc ARV điều trị phơi nhiễm và sẽ được xét nghiệm lại sau 3 tháng.

17 y, bác sĩ và 7 người dân tại Kon Tum nghi phơi nhiễm HIV khi cấp cứu cho 1 nạn nhân hiện đã tử vong trong vụ tai nạn giao thông 2 xe khách đối đầu ở Kon Tum hiện đã được xét nghiệm và cho kết quả âm tính. Hiện 24 người này đã được uống thuốc ARV điều trị phơi nhiễm và sẽ được xét nghiệm lại sau 3 tháng.

Trước đó như Báo Sức khỏe & Đời sống đua tin, trưa ngày 30/ 6 tại Kom Tum đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khi 2 xe khách đấu đầu nhau đã khiến 4 người chết, 12 người khác bị thương.

Đáng lưu ý, 1 trong 4 nạn nhân tử vong của vụ tai nạn này (nạn nhân Trần Thị M.) đã bị nhiễm HIV, nhưng khi đưa đi cấp cứu và làm nhiệm vụ cấp cứu, 7 người dân cùng 17 y, bác sĩ của BVĐK huyện Đắk Hà không hay biết nên không chuẩn bị các phương án phòng hộ.

Cán bộ y tế và người dân cứu người bị nhiễm HIV đã uống thuốc ARV điều trị phơi nhiễmCác bác sĩ đang cấp cứu nạn nhân tại BVĐK tỉnh Kon Tum.  Ảnh: TN

Về sự việc này theo thông tin của BS Nguyễn Thị Diệu Thuý, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum cho biết, ngay trưa ngày 1/7 cả 17 y, bác sĩ và 6 người dân đã được uống thuốc ARV điều trị phơi nhiễm. Trưa nay - ngày 2/7, thêm 1 người dân đã được uống bổ sung thuốc ARV ngay khi phát hiện.
"Việc điều trị dự phòng đúng quy định và trong vòng 48 giờ sau phơi nhiễm có thể giảm được đến 80% khả năng nhiễm HIV (nếu sau 72 giờ, việc điều trị dự phòng không có tác dụng)"- BS Nguyễn Thị Diệu Thúy nói
Theo đó cả 24 trường hợp này sẽ được điều trị dự phòng bằng thuốc ARV liên tục trong 28 ngày, sau 3 tháng xét nghiệm lại và sau 6 tháng xét nghiệm lần 2. Đồng thời cả 24 trường hợp này được khuyến cáo không được cho máu, quan hệ tình dục an toàn, thực hành tiêm chích an toàn và không cho con bú cho đến khi loại trừ được tình trạng nhiễm HIV. Đồng thời tư vấn tiêm vắc xin viêm gan B nếu cá nhân chưa bị nhiễm virus viêm gan B.
Theo thông tin cung cấp thêm của BS Thúy, nạn nhân Trần Thị M. (51 tuổi) nằm trong danh sách điều trị do trung tâm quản lý. Lần lấy thuốc mới nhất là ngày 5/6 vừa qua. Theo nhận định, do được điều trị ARV thường xuyên nên tải lượng virus HIV trong máu sẽ thấp hơn những trường hợp không dùng, khả năng lây nhiễm sẽ thấp hơn.

Theo tài liệu Hướng dẫn quản lý, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS của Bộ Y tế, các tình huống phơi nhiễm HIV chính gồm: Do kim chứa máu của người nhiễm HIV đâm vào; vết thương do dao mổ và các dụng cụ sắc nhọn khác có dính máu hoặc dịch cơ thể của người bệnh; Tổn thương qua da do các ống đựng máu hoặc dịch của người bệnh bị vỡ đâm vào; máu, chất dịch cơ thể của người bệnh bắn vào các vùng da bị tổn thương (chàm, bỏng, viêm loét từ trước) hoặc niêm mạc (mắt, mũi, họng); do người nghi nhiễm HIV cắn; quan hệ tình dục không an toàn

Theo đó, Quy trình xử lý khi bị phơi nhiễm gồm có 7 bước:

- Bước 1: Xử lý vết thương tại chỗ: Rửa ngay vết thương dưới vòi nước; để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương; rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch.

Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc mắt: Rửa mắt bằng nước cất hoặc nước muối NaCl 0,9% liên tục trong 5 phút. Dùng vòi rửa mắt khẩn cấp nếu có (thường được trang bị trong các phòng xét nghiệm khẳng định)

Phơi nhiễm qua niêm mạc miệng, mũi: Rửa mũi bằng nước cất hoặc dung dịch NaCl 0,9 % và xúc miệng bằng NaCl 0,9 % nhiều lần.

- Bước 2: Báo cáo người phụ trách và làm biên bản (chú ý ghi đầy đủ ngày, giờ).

- Bước 3: Đánh giá nguy cơ phơi nhiễm theo mức độ tổn thương và diện tích tiếp xúc.

Những trường hợp có nguy cơ gồm:

Tổn thương do kim đâm: Nếu là kim nòng rỗng cỡ to, chứa nhiều máu, đâm sâu thì nguy cơ cao hơn là kim nòng nhỏ, chứa ít máu và đâm xuyên nông.

Tổn thương da sâu do dao mổ hoặc các ống nghiệm chứa máu và chất dịch cơ thể của người bệnh bị vỡ đâm phải.

Máu và chất dịch cơ thể của người bệnh bắn vào các vùng da, niêm mạc bị tổn thương viêm loét hoặc xây sát từ trước (thậm chí ngay cả khi không biết có bị viêm loét hay không). Nếu viêm loét hoặc xây sát rộng thì nguy cơ cao hơn.

- Bước 4: Xác định tình trạng HIV của nguồn gây phơi nhiễm.

Bước 5: Xác định tình trạng HIV của người bị phơi nhiễm. Nếu kết quả xét nghiệm HIV dương tính ngay sau khi phơi nhiễm chứng tỏ người bị phơi nhiễm đã nhiễm HIV từ trước, không phải do phơi nhiễm.

Dừng sử dụng thuốc ARV cho dự phòng sau phơi nhiễm. Tư vấn, chuyển người bị phơi nhiễm đến cơ sở điều trị HIV để được điều trị.

- Bước 6: Tư vấn cho người bị phơi nhiễm.

- Bước 7: Điều trị dự phòng bằng thuốc ARV, càng sớm càng tốt, tối ưu nhất trong vòng 72 giờ.

Thái Bình
Ý kiến của bạn