Bệnh nhân V.S.Đ 16 tuổi, trú tại huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, dân tộc Mông, đi làm thuê tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang bị tai nạn giao thông trước khi nhập viện 1 tuần. Bệnh nhân không tiêm uốn ván, mà tự lấy thảo dược (không rõ nguồn gốc) về để đắp nhưng không khỏi. Khi có các dấu hiệu bệnh trở nặng như: vết thương sở sưng nề, chảy dịch nhiều, tím đen, kèm theo cứng hàm, co cứng, gồng cứng toàn thân, khó há miệng, khó nuốt... Ngày 31/5, bệnh nhân đã được gia đình đưa đến Bệnh viện tuyến huyện cấp cứu và bệnh nhân được chuyển tuyến ngay đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang điều trị.
Tại đây, bệnh nhân Đ. liên tục lên cơn co cứng, gồng cứng toàn thân liên tục rất nhiều lần, sốt cao...bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng uốn ván. Do gia đình bệnh nhân không biết nhiều tiếng kinh, không biết chữ, trong những ngày đầu điều trị việc giao tiếp gặp khó khăn, gia đình bệnh nhân cũng thuộc hộ nghèo, nên đã được bệnh viện hỗ trợ tiền sữa hàng ngày trong thời gian ăn qua sonde...
Sau 1 tuần, gia đình muốn xin đưa bệnh nhân về nhà "làm ma", nhưng bằng sự quan tâm, chia sẻ của các y bác sĩ khoa Truyền nhiễm đã động viên gia đình cố gắng ở lại cùng với các y bác sĩ "chiến đấu" với tử thần để cứu lấy bệnh nhân...
BSCK I Chẩu Văn Tịch – Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết: Bệnh nhân đã được điều trị uốn ván bằng các loại thuốc như: An thần, kháng sinh; Chống co cứng và giật cứng; Xử trí vết thương (cửa vào của vi khuẩn); Trung hòa độc tố uốn ván; Đảm bảo thông khí, chống suy hô hấp; Điều trị các triệu chứng khác như cân bằng nước và điện giải; cung cấp dinh dưỡng đảm bảo năng lượng; chống nhiễm toan; trợ tim mạch; chống rối loạn thần kinh thực vật…Những điều dưỡng nhiều kinh nghiệm nhất của khoa Truyền nhiễm trong việc điều trị bệnh uốn ván cũng được huy động để điều trị, chăm sóc và theo dõi sát thể trạng bệnh nhân.
Sau những ngày tận tâm, tận lực kiên trì điều trị, những chỉ số sinh tồn của bệnh nhân bắt đầu ổn định, giảm dần các triệu chứng co cứng hàm và co cứng toàn thân, bệnh nhân bắt đầu tự nuốt được, có thể tự ăn uống được trở lại...kết hợp phác đồ điều trị uốn ván và dinh dưỡng đầy đủ...bệnh nhân đã khỏi bệnh và được xuất viện về nhà tiếp tục tập luyện phục hồi chức năng.
BSCKI Chẩu Văn Tịch cũng cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Khoa Truyền nhiễm cứu sống được bệnh nhân nhiễm trùng uốn ván thể nặng. Từ mấy năm nay, đã có rất nhiều bệnh nhân từ vùng sâu, vùng xa nhiễm bệnh uốn ván xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị, thoát khỏi bàn tay tử thần.
Để phòng bệnh uốn ván, người lớn, phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đều nên tiêm vaccine phòng bệnh uốn ván. Nếu như bị thương, bị trầy xước khi bị đâm vào đinh, sắt có dính cát, bụi bẩn…cần phải xử lý sạch vết thương và đến cơ sở y tế gần nhất để khám, điều trị và tiêm phòng uốn ván càng sớm càng tốt. Giữ vệ sinh sạch sẽ vết thương tránh nhiễm trùng đề phòng hoại tử…