Hà Nội

230 chiếc ôtô bị phá hủy trong 'Fast and Furious 7' đi về đâu?

06-04-2015 09:19 | Văn hóa – Giải trí
google news

Các nhà làm phim phá hủy 230 chiếc ôtô trong phần 7 siêu phẩm tốc độ, sau đó gọi cho một người đàn ông chuyên thu mua xe phế liệu.

Không lâu sau khi các diễn viên đóng thế trong "Fast & Furious 7" hoàn thành các cảnh quay rượt đuổi mạo hiểm trên đường núi phía tây Colorado Springs, bang Colorado, Mỹ, Richard Jansen nhận được cuộc gọi.

Theo WSJ, ai đó từ đoàn làm phim đã nhìn thấy biển hiệu "Mua xe phế liệu" của Jansen bên đường cao tốc và muốn biết ông chủ hãng Bonnie's Car Crushers có thể dọn dẹp 20 - 30 chiếc xe hỏng không thể sửa chữa, bao gồm vài chiếc Mercedes màu đen, một chiếc Ford Crown Victoria và một Mitsubishi Montero. "Chắc chắn rồi", Jansen trả lời.

Sau đó, Jansen và đội của ông mất nhiều ngày để chất số hàng này lên xe tải và đưa đi. Các nhà làm phim còn khăng khăng đòi Jansen cắt vụn hoặc ép nát tất cả, đề phòng ai đó tìm cách sửa lại, dẫn đến khả năng bị thương. Vì vậy mà khối kim loại lớn từng là chiếc Mercedes sang trọng trong “Furious 7” nay nằm im lìm ở một góc phế liệu nào đó.

Các nhà làm phim "Fast & Furious 7" thuê hãng Bonnie's Car Crushers dọn dẹp sau khi phá nát một loạt xe trong lúc ghi hình ở Colorado. Ảnh:WSJ.

Quá trình chế tạo và chuẩn bị ôtô cho những bộ phim hành động từng không ít lần được tiết lộ một cách chi tiết: từ sự thay đổi về cơ khí, khung chống lật, lốp xe đua đến nhiên liệu đặc biệt... Nhưng khi bộ phim kết thúc, điều gì xảy ra với những chiếc xe rơi xuống từ máy bay, lao xuống vực hay bị xe tăng nghiền nát?

"Chúng tôi phải tính toán cho từng chiếc xe bị phá hủy trong mỗi tập phim", Dennis McCarthy, điều phối viên phụ trách hình ảnh của bộ phim bom tấn, cho biết. Với serie "Fast & Furious", các nhà làm phim đã phá hàng trăm xe cho mỗi tập, riêng phần 7 là hơn 230 chiếc.

Trong phần 6 (2013) có cảnh một chiếc xe tăng lao ra từ chiếc xe tải quân sự và đè bẹp một loạt ôtô trên đường cao tốc ở đảo Tenerife, Tây Ban Nha. McCarthy hợp tác với những người thu mua phế liệu địa phương và các đại lý bán xe đã qua sử dụng. "Chúng tôi phá 25 chiếc mỗi ngày, họ đến vào ban đêm, lấy chúng đi và đưa đến 25 chiếc khác. Đó là một quá trình khép kín, với rất nhiều xe tải và xe kéo", McCarthy kể lại.

Còn phần 5 (2011) có cảnh ôtô kéo một chiếc két sắt khổng lồ xuyên Puerto Rico. Các nhà làm phim thỏa thuận với chính quyền của hòn đảo này để chuyển những chiếc xe cũ rẻ tiền từ một bãi cứu hộ ở San Juan tới trường quay, phá hủy chúng, sau đó lại đưa chúng về điểm xuất phát.

Một cảnh phim trong "Fast & Furious 7". Ảnh:Universal Pictures.

Sau cảnh quay rượt đuổi trên vùng núi phần 7, số xe bị phá hủy được đưa tới một bãi đỗ gần khu trượt tuyết gần đó. Jansen chỉ có 2 ngày dọn sạch bãi đỗ để khu resort bắt đầu mùa trượt. "Chúng tôi phá khoảng 40 xe chỉ trong cảnh đó", McCarthy tiết lộ.

Trong thời kỳ đầu của các bộ phim có cảnh rượt đuổi bằng ôtô, các nhà sản xuất thường kéo xe hỏng tới các bãi phế liệu và vứt bỏ. Đó là chuyện đã xảy ra với chiếc Ford Mustang của tài tử Steve McQueen trong phim "Bullitt" năm 1968. Còn trong số 300 xe Dodge Charger luân phiên tham gia serie truyền hình "Dukes of Hazzard" những năm 1980, nhiều chiếc được tái chế để trưng bày; số khác tới bãi phế liệu nhưng chúng sẽ ở đó không lâu. "Có người tới và tìm cách phục hồi", Craig R. Baxley, một diễn viên đóng thế kỳ cựu kiêm đạo diễn, nhớ lại.

Vì vậy, những hãng kinh doanh xe phế liệu ở Hollywood đã thắt chặt hơn các chính sách phá hủy xe của mình, nhằm tránh gặp kiện cáo khi một người hâm mộ chuồn mất với chiếc Mini Cooper phục hồi từ bộ phim hành động "The Bourne Identity" và lái nó lao xuống cầu thang như trong phim.

"Chúng tôi không phục chế bất cứ thứ gì có bộ khung chống lật. Chúng tôi tống khứ chúng đi", Ray Claridge, chủ tịch 39 tuổi của Cinema Vehicles Services ở Los Angeles cho biết. Hãng này chuyên tái chế và phá hủy những xe bị hỏng trong phim. "Tôi không thích những rắc rối liên quan", người đàn ông này nói thêm.

Cách đây 2 năm, Claridge và đội của anh thu thập 150 xe từ bộ phim "Captain America: The Winter Soldier". Sau khi phim đóng máy ở Cleveland, họ tìm thấy chúng với đủ kiểu hư hỏng tại một kho hàng. Họ mất 5 ngày, mỗi ngày 18 tiếng để phân số xe này thành hai loại: xe hết hy vọng và xe có thể tái chế (khoảng 40 chiếc).

Câu chuyện xảy ra với những chiếc xe bị phá hủy trên màn ảnh cũng kịch tính không kém tình tiết trong các bộ phim. Sau "Christine" năm 1983 - bộ phim về chiếc xe ma quái của Stephen King, các nhà làm phim đã bán và tặng 2 chiếc Plymouth Fury. Cả 2 sau đó đều được mang ra đấu giá, trong đó một chiếc lên tới 164.000 USD.

 


Ý kiến của bạn