Hà Nội

222 người tử vong vì sóng thần ập tới Indonesia, nguy cơ sóng thần còn xảy ra

24-12-2018 08:34 | Quốc tế
google news

SKĐS - Theo cập nhật của Cơ quan thảm họa quốc gia Indonesia đến thời điểm này số người thiệt mạng vì sóng thần tại Indonesia đã lên tới 222 người, 843 người bị thương và hiện vẫn còn 28 người mất tích. Cơ quan chức năng Indonesia cảnh báo người dân nguy cơ sóng thần vẫn còn cho đến ngày 25/12

Ông Sutopo Purwo Nugroho, phát ngôn viên của cơ quan thảm họa quốc gia Indonesia cho biết , nguyên nhân ban đầu được xác định là do hoạt động địa chất của núi lửa đã gây ra cơn sóng thần tấn công các khu vực ven biển quanh eo biển Sunda giữa các đảo Sumatra và Java vào tối 22/12. Hiện số người thiệt mạng đã lên tới 222 người, 843 người bị thương, 28 người mất tích.

Ông Sutopo Purwo Nugroho  cho biết: "Con số này được dự đoán sẽ tăng lên vì không phải tất cả nạn nhân đã được sơ tán, không phải tất cả các trung tâm y tế đều báo cáo tất cả các nạn nhân và không phải tất cả các địa điểm đều cung cấp  dữ liệu đầy đủ." Tuy nhiên theo thống kê ban đầu, tất cả các nạn nhân đều  là công dân Indonesia, không có người  nước ngoài nào được báo cáo cho tới thời điểm này. Các nạn nhân và thiệt hại tập trung ở các khu vực bị ảnh hưởng như Pandeglang, Serang, phía Nam Lampung và Tanggamus. Thiệt hại về vật chất cực kỳ lớn, hàng trăm tòa nhà đã bị sóng phá hủy, ở bờ biển phía nam Sumatra và mũi phía tây của Java. Trận sóng thần bắt đầu tấn công  vào khoảng 9h30 (14h30 GMT) giờ địa phương  sau khi núi lửa có tên là "đứa con" của Krakatoa phun trào.

Hàng trăm xác chết được tìm thấy sau trận sóng thần

Khác với những cơn sóng thần thông thường được gây ra bởi động đất, theo giới khoa học, cơn sóng thần là kết quả của một vụ lở đất diễn ra dưới đáy biển do hoạt động địa chất của núi lửa Krakatau. Điều này khiến cho không có cảnh báo nào được đưa ra trước khi cơn sóng ập tới. Người dân trong vùng cũng cho biết họ không  nhận thấy cảnh báo tự nhiên nào trước khi sóng thần ập tới. Theo người dân địa phương,  các quan niệm truyền miệng cho thấy,  trước khi sóng thần xảy ra, nước biển rút và mặt biển tĩnh lặng bất thường, đôi khi người ta có thể cảm nhận được rung chấn.

Trước đó, theo Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế cho biết  sóng mạnh đạt chiều cao từ 30 đến 90cm. Tuy nhiên Chính quyền Indonesia ban đầu tuyên bố đây  không phải là sóng thần, mà thay vào đó là một đợt thủy triều dâng cao và kêu gọi công chúng đừng hoảng sợ. Tuyên bố này đã nhận được nhiều chỉ trích sau đó, và Chính quyền Indonesia đã lên tiếng xin lỗi người dân vì thông báo ban đầu. Họ cho biết do không có động đất nên rất khó để xác định sự việc.

Tháo chạy hoảng loạn khỏi sóng thần

Những đoạn video được đăng trên các mạng xã hội cho thấy người  dân hoảng loạn cầm đèn pin chạy trốn lên vùng đất cao hơn. Nhiếp ảnh gia Oystein Lund Andersen kể lại,  ông đã chụp được một bức ảnh về ngọn núi lửa đang phun trào, ngay trước khi những con sóng khổng lồ đổ ập vào bãi biển nơi  ông đang ở.  "Tôi phải chạy, khi sóng vượt qua bãi biển và tiến sâu vào đất liền khoảng 15-20m. Nước  tiếp tiếp tục tấn công, đi vào khu vực khách sạn nơi tôi đang ở và xuống các  con đường phía sau nó. Tôi đã cùng gia đình di tản lên vùng đất cao hơn qua những con đường rừng và các ngôi làng, nơi người dân địa phương chúng tôi được chăm sóc ", anh viết  trên Facebook.

Còn nhân chứng, Asep Perangkat cho biết,  anh đã ở cùng gia đình khi làn sóng tràn qua Carita, trong khoảnh khắc một sự hủy diệt khủng khiếp xảy ra,  các loại xe ô tô, xe kéo và cả xe vận chuyển container cũng bị kéo đi theo dòng nước. "Các tòa nhà ở ven biển đã bị phá hủy. Cây cối và cột điện rơi xuống đất", ông nói với AFP.

Ở tỉnh Lampung, phía bên kia eo biển, một cô gái tên là Lutfi Al Rasyid đã trốn khỏi bãi biển ở thành phố Kalianda, cô cảm thấy lo sợ cho tính mạng của mình. "Tôi không thể khởi động xe máy nên đã bỏ xe  và tôi chạy ... Tôi chỉ cầu nguyện và chạy càng xa càng tốt", cô gái 23 tuổi nói với AFP.

Hiện các thiết bị hạng nặng đang được huy động phục vụ cho công tác cứu trợ, người dân được di dời đến nơi cao hơn, những người  bị thương đang được điều trị tại các cơ sở y tế.

Nhà chức trách cảnh báo người dân và khách du lịch ở các khu vực ven biển quanh eo biển Sunda tránh xa các bãi biển và cảnh báo thủy triều cao vẫn diễn ra cho đến ngày 25/12. Chính quyền cương quyết không để những người đã sơ tán quay trở lại nhà bởi vẫn còn tiềm ẩn khả năng xảy ra các đợt sóng thần tiếp theo.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo, người đang thực hiện chiến dịch tái tranh cử nói trên Twitter rằng ông đã "ra lệnh cho tất cả các cơ quan chính phủ, các cơ quan chức năng  liên quan thực hiện ngay các bước ứng phó khẩn cấp, tìm nạn nhân và chăm sóc những người bị thương". Ông bày tỏ "sự chia buồn sâu sắc đối với các nạn nhân sóng thần ở khu vực Pandeglang, Serang và phía Nam Lampung". Trong khi đó Phó Tổng thống Jusuf Kalla thông tin rằng số người chết sẽ "có khả năng tăng".

Indonesia, một trong những quốc gia dễ bị thiên tai nhất trên thế giới bởi quốc gia này nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, nơi các mảng kiến ​​tạo va chạm, xảy ra rất nhiều  các vụ phun trào núi lửa và động đất. Gần đây nhất tại thành phố Palu trên đảo Sulawesi, Indonesia, một trận động đất và sóng thần vào tháng 9 đã giết chết hàng nghìn người.

Vào ngày 26/12/ 2004, một cơn sóng thần gây ra động đất mạnh 9,3 độ richter ngoài khơi bờ biển Sumatra ở miền tây Indonesia đã giết chết 220.000 người tại nhiều  quốc gia quanh Ấn Độ Dương, trong đó có 168.000 người ở Indonesia.

Anak Krakatoa là một trong 127 ngọn núi lửa đang hoạt động chạy dọc theo chiều dài của quần đảo.  Theo cơ quan địa chất của Indonesia, núi lửa Anak Krakatoa đã có dấu hiệu hoạt động tăng cao trong nhiều ngày gần đây, nó phun ra những đám tro bụi  cao hàng nghìn mét trong không khí. Núi lửa đã phun trào trở lại sau 9 giờ tối  ngày 22/12, cơ quan này cho biết. Trước đó, một vụ phun trào vào lúc 4 giờ chiều ngày 22/12  kéo dài khoảng 13 phút và đã phóng vào không gian  những đám tro  bụi bay cao hàng trăm mét lên bầu trời.


Hải Yến
Ý kiến của bạn