Xung quanh dư luận xã hội ồn ào về 221 cán bộ y tế của BV Bạch Mai nghỉ việc, nhà văn Trần Thanh Cảnh, nói: đây là thời cơ cho các bệnh viện khác, tuyển dụng được nhân sự chất lượng cao.

Cơ hội cho các bác sĩ trẻ thăng tiến nghề nghiệp khi cống hiến cho Bạch Mai.

Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trao đổi thú vị với ông xung quanh câu chuyện “ồn ào” của Bạch Mai những ngày qua.

PV: Cảm ơn nhà văn đã dành cho tôi thời gian trong những ngày bận rộn này của ông. Ông cũng đã biết dư luận xã hội ồn ào về việc 221 nhân sự của BV Bạch Mai rời khỏi thương hiệu “đình đám” của ngành y tế đi tìm bến đỗ mới. Ông cho rằng đó là thời cơ và cơ hội nếu người nào nắm bắt được?

Nhà văn Trần Thanh Cảnh: Tôi thấy sự ra đi tìm bến đỗ mới của cán bộ y tế - trong thời buổi hiện nay là chuyện…. bình thường!

Đó là sự chuyển dịch lao động, chúng ta cần phải làm quen với việc dịch chuyển này. Điều tôi và người dân của cả nước quan tâm nhất đến Bạch Mai là chất lượng khám, chữa bệnh của họ ra sao, sau sự dịch chuyển lao động này?

Nhà văn Trần Thanh Cảnh. 

Là nhà văn, quan sát sự kiện và tìm hiểu thông tin, tôi chưa thấy sự “thụt lùi” về chuyên môn của Bạch Mai, mà trái lại là sự tự tin, chất lượng điều trị của họ vẫn vững vàng, bằng chứng là người bệnh đến với họ vẫn rất đông.

BV Bạch Mai còn tăng cường, mở thêm nhiều chuyên khoa mới để đáp ứng nhu cầu điều trị ngày càng cao của người dân cơ mà.

221 người ra đi. 506 người được tuyển mới, có nhiều bác sĩ nội trú trẻ, nhiều khát vọng tìm đến, nhiều giáo sư, phó giáo sư về cộng tác, làm việc…điều đó nói lên gì? Nếu không muốn nói, thương hiệu của Bạch Mai vẫn rất tốt, để là “nam châm” hút người giỏi và cả người bệnh đấy chứ!

PV: Thưa ông, dư luận xã hội rất băn khoăn vì đây là lần đầu tiên có một sự rời đi nhiều đến thế của cán bộ y tế Bạch Mai?

Hãy nhìn vào thực tế của Bạch Mai hiện nay. Ông giám đốc mới đã cải cách mạnh mẽ. “Chặt” đi quyền lợi của các nhóm lợi ích.

Tiến hành cải cách chắc chắn sẽ đụng chạm. Ngày xưa các cụ đã có câu: Ghen tình không bằng ghen ăn. Ghen tình đã kinh rồi, mà ghen ăn còn kinh khủng hơn. Câu chuyện "ăn" là câu chuyện thu nhập rồi sau đó 1 loạt dịch vụ ăn theo, đã bị chặt đứt!

Trong BV Bạch Mai có rất nhiều dịch vụ ăn theo vô lý. Đến nước sôi cũng bán cho người bệnh và người nhà thì đấy đúng là câu chuyện không tin được ở một bệnh viện lớn giữa thủ đô của thế kỷ XXI.

Giám đốc mới muốn cải tổ, theo hướng xoay trục. Bệnh viện phải phục vụ người bệnh. Phục vụ tận tâm. Nó gần như trái ngược hẳn với câu chuyện ngày xưa của BV Bạch Mai.

Nước uống được cung cấp miễn phí cho người dân khi đến Bạch Mai. Ảnh: Thành Dương

Bạch Mai, luôn luôn là chuyên môn rất tốt, cũng nhiều y, bác sĩ thầy thuốc tốt. Rất nhiều thầy thuốc y đức cao, nhưng phải thẳng thắn đội ngũ nhân viên dưới mới là vấn đề. Không ít người quen với phong cách từ thời bao cấp.

Thái độ khệnh khạng kiểu như ban ơn. Bây giờ phong cách quản lý mới. Đảo ngược lại 180 độ. Bệnh nhân như thượng đế, khách hàng.

Cách quản lý mới, cách tiếp cận người bệnh mới rất khó, nếu không thay đổi. Cho nên không bắt nhịp, thì họ rời đi, đấy là chuyện bình thường.

PV: Và đó là xu thế buộc những người đi sau phải làm, thưa ông?

Đúng vậy, cải cách không cưỡng lại được, sớm hay muộn, không phải giám đốc mới mà ai lên cũng phải làm. Không thể để mãi như thế.

Các BV khác cũng phải làm như vậy vì đó là sức ép của thời cuộc, vì là xu thế, BV công lập và BV ngoài công lập phải được coi như nhau.

Chứ không thể có khái niệm coi BV công hay tư là khác nhau được. Sức ép cạnh tranh, để người dân phải được hưởng lợi. Vì vậy, nhà nước mới giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho giám đốc bệnh viện.

Chúng tôi đã sống qua thời kỳ bao cấp, nên rất hiểu. Trước đây, nghề nào so được với người công tác trong ngành lương thực, thực phẩm và cửa hàng bách hóa. Khi đổi mới, những cái cũ biến mất không tăm tích.

Đây là cuộc cách mạng, rõ ràng là 1 cuộc cách mạng chuyển đổi từ người bệnh phải chịu ơn thầy thuốc sang câu chuyện cán bộ y tế là người phục vụ. Rõ ràng, đây là cuộc cách mạng thay đổi tư duy. Rồi sau là đến hành động.

Tôi quan tâm đến chất lượng điều trị sau sự ra đi như thế nào?

PV: Ông là người ngoài cuộc, ông đánh giá như thế nào về việc ra đi của cán bộ y tế?

221 người rời khỏi Bạch Mai, hơn một nửa là không liên quan đến trực tiếp điều trị người bệnh. Cần phải nhìn sâu được vào từng trường hợp thì phân tích mới rõ.

Nhưng quan điểm của tôi như đã nói, tôi và người dân, chỉ quan tâm đến chuyên môn và chất lượng điều trị của Bạch Mai.

Trong thời buổi hiện nay, chúng ta cần công bằng và cách nhìn nhân ái về sự dịch chuyển lao động, đối với một cơ quan nhà nước nói chung và một cơ sở y tế nói riêng.

Và điều cốt lõi của vấn đề đó là hiệu quả công việc – chất lượng chuyên môn là thước đo cuối cùng.

PV: Nói thêm về chuyện rời Bạch Mai, có ý kiến cho rằng giám đốc mới áp dụng “bàn tay sắt”, kỷ luật nghiêm và mang phong cách quản lý bệnh viện ngoài công lập lên bệnh viện công lập nên nhiều người buộc phải ra đi?

Trở lại chuyện “ngày xưa”. Qua quan sát, tôi nghĩ BV Bạch Mai, mỗi khoa, phòng như 1 vương quốc. BV quá lớn, ông giám đốc không thể “thò” tới được.

Các viện trực thuộc, các khoa phòng có quyền rất lớn. Khoán trắng cho ông trưởng khoa. Bây giờ, giám đốc mới đưa ra chế tài kỷ luật BV mới. Những ông đang có vị trí "quyền huynh, thế huỵch" mà bây giờ lại bị áp vào kỷ luật nên sẽ khó chịu.

Trong khi đó chuyên môn ông cao, các BV bên ngoài sẵn sàng mời ông về với mức lương hậu hĩnh nên người ta đi cũng rất bình thường. Sự dịch chuyển nhân lực theo mình nghĩ chỉ có thể có những nguyên nhân sau:

Một là, môi trường làm việc người ta cảm thâý không phù hợp nữa, người ta không thích ứng được, người ta không chấp nhận kiểu làm việc, phong cách làm việc mới.

Người ta cũng không thể thay đổi được, bây giờ mà bảo một ông già cỡ như mình hoặc gần bằng tuổi mình mà thay đổi, rất khó. Trước mình đang oách. Mình là thầy thuốc bệnh nhân đến phải khúm rúm, co ro này nọ mà bây giờ phải quay sang thái độ phục vụ, gặp bệnh nhân phải chào hỏi, tươi cười hỏi han, mình không quen, không thể chuyển kịp.

Thứ hai, nữa là có cả phần về vấn đề thu nhập. Có thể đợt dịch COVID-19 năm 2020, thu nhập chỗ nào cũng suy giảm, trong khi đó nếu áp phong cách quản lý BV mới làm những thu nhập ngoài lương đi xuống. Thu nhập giảm. Áp lực công việc lớn nhiều người không chịu được nên xin đi.

Áp dụng kỷ luật nghiêm để duy trì thương hiệu Bạch Mai, người bệnh được chăm sóc, điều trị tốt hơn, đặt địa vị là bệnh nhân và nếu có người nhà đang ở bệnh viện. Tôi cảm ơn cách làm cứng rắn đó.

Người bệnh khi đến bệnh viện được chăm sóc tốt hơn. Ảnh: Thành Dương

PV: Sự đổi mới của BV Bạch Mai như thế nào, thưa ông?

Nhiều người công nhận sự đổi mới ở BV Bạch Mai là rõ rệt từ ngày ông giám đốc mới về, theo hướng phù hợp, văn minh và đúng xu thế.

Không thể ngồi đợi mà không tự đổi mới. Con đường đổi mới là xu thế, đổi mới quản lý BV công là câu chuyện phải làm. Vì đây là con đường đổi mới theo lẽ tất yếu. Kể cả thị phần của BV giảm đi vẫn phải làm và ông đừng lo đứng về mặt tổng thể của người quản lý y tế.

Hãy mạnh dạn tin tưởng vào thầy thuốc trẻ. Giao việc cho họ và giám sát họ. Câu chuyện trong ngành y là câu chuyện của các thế hệ.

Các thầy giỏi ở các BV lớn luôn có học trò. Ngành y luôn luôn là sự tiếp nối, người giỏi luôn luôn có lớp sau tiếp nối lớp trước.

Đặc biệt, với những “tượng đài” như Bạch Mai, Đại học Y Hà Nội, Việt Đức…Người giỏi phải luôn đào tạo được đội ngũ kế cận và lớp sau phải giỏi hơn lớp trước.

PV: Thưa nhà văn, sự dịch chuyển lao động ngày nay có nên cường độ hóa là chảy máu chất xám không, thưa ông?

Quan điểm của tôi, đây là việc tất yếu, là việc hết sức bình thường chuyển dịch từ chỗ nọ sang chỗ kia, Công ty nọ sang công ty kia, đơn vị nọ sang đơn vị kia, thậm chí nước nọ sang nước kia là chuyện bình thường, có gì đâu.

Công nhân của mình đi làm ở các nước, thậm chí lao động giỏi, chuyên gia của mình đi nước ngoài, chuyên gia của nước ngoài lại về đây làm việc.

Samsung Việt Nam nhiều khu có hàng trăm kỹ sư người Hàn Quốc làm việc. Hoặc Viện nghiên cứu của Vinmec có giáo sư nước ngoài cũng tìm đến làm việc.

Nên tôi nghĩ là chuyện đó là hết sức bình thường, không có gì ghê ghớm và tôi nhấn mạnh đây là xu thế chung, không cưỡng được.

Việc ra đi vào thời điểm này tôi cho rằng dù có hay không có COVID-19 vẫn sẽ đến vì việc cạnh tranh giữa 2 khối y tế ngoài công lập và y tế công lập bắt đầu có sự ganh đua quyết liệt, săn đầu người của nhau.

Rất nhiều BV ngoài công lập hiện nay bắt đầu mở ra và đi vào hoạt động. Đương nhiên đến thời điểm người ta phải ra đi chứ không hẳn vì dịch bệnh, COVID-19 là giọt nước làm tràn ly.

Có dịch bệnh hay không, thầy thuốc đến từ các bệnh viện công lập lớn, có tài năng luôn được chào đón bởi bệnh viện ngoài công lập.

Nhìn nhận từng trường hợp rời khỏi đơn vị công lập, phải soi chiếu vào từng trường hợp cụ thể. Thách thức của mỗi bệnh viện công lập nói riêng và các đơn vị nhà nước nói chung, là phải luôn đổi mới.

“Rải thảm” thu hút người giỏi đến với mình bằng cơ chế, môi trường làm việc rồi mới đến chính sách đãi ngộ…

PV: Cảm ơn ông

Ý kiến của bạn